Tâm lý
   Những cách giúp con thành đứa trẻ sáng tạo
 
Hành vi sáng tạo dễ xuất hiện ở trẻ và đơn giản hơn người lớn nghĩ rất nhiều. Ảnh: Hoàng Hà.
Mọi trẻ em đều tiềm ẩn năng lực sáng tạo, vấn đề là người lớn có biết các phương pháp khuyến khích trẻ, có giành đủ thời gian tương tác tích cực với chúng, có giao cho chúng những nhiệm vụ (trò chơi/tình huống) đòi hỏi phải có hành vi sáng tạo hay không.

Sự sáng tạo của trẻ em không giống như sự sáng tạo của người lớn. Sáng tạo của người lớn là tạo ra cái mới, cái độc đáo, gắn với tính chủ đích, có tính bền vững và thường là kết quả của quá trình nỗ lực tìm tòi... Sự sáng tạo của trẻ em lại khác, thường bắt đầu từ sự tái tạo, bắt chước, mô phỏng… và thường không có tính chủ đích. Sự sáng tạo của trẻ em phụ thuộc nhiều vào xúc cảm, vào tình huống và thường kém bền vững.

Những yếu tố ngăn cản phát triển trí sáng tạo ở trẻ mầm non

Môi trường giáo dục, văn hoá ứng xử trong gia đình, cũng như ở trường học của chúng ta hiện nay dường như đang ngăn cản đáng kể, không có chỗ để những hành vi sáng tạo của trẻ được nảy mầm.

Các nghiên cứu trên trẻ em Việt Nam cho thấy:
- Người lớn thường thích trẻ vâng lời hơn là thích trẻ sáng tạo.
- Người lớn thích trẻ làm theo sự chỉ dẫn của mình hơn là thích trẻ có ý tưởng riêng.
- Người lớn thích áp đặt ý tưởng, mong muốn, cách làm của mình hơn là để trẻ được tự do thể hiện ý tưởng, được làm theo cái trẻ thích…
- Người lớn thường đánh giá thấp khả năng của trẻ, không tin rằng trẻ có thể làm được?...

Sẽ là sai lầm đáng tiếc nếu ai đó nghĩ rằng người lớn khôn hơn, kinh nghiệm hơn còn thấy sáng tạo là khó, huống hồ trẻ 3-5 tuổi, chơi chưa xong, sao được gọi là sáng tạo, chẳng qua chỉ là bắt chước.

Sự thật hành vi sáng tạo dễ xuất hiện ở trẻ và đơn giản hơn người lớn nghĩ rất nhiều. Trẻ 2-3 tuổi nghe người lớn nói một điều gì đó, sau đó nó ứng dụng phù hợp với một ngữ cảnh, biết “cải biến” hoặc “cắt may” cho phù hợp với tình huống để đạt mục đích đã được các nhà nghiên cứu tâm lý trẻ em coi là hành vi sáng tạo. Sự sáng tạo của trẻ trải dài trên một phổ hành vi từ đơn giản đến phức tạp.

Nhiều người lớn quá hào phóng với hình phạt, chê bai trẻ và tiết kiệm quá đáng những lời khen, sự khuyến khích. Điều này làm mất đi chất xúc tác kỳ diệu nuôi dưỡng hành vi sáng tạo ở trẻ.

Người lớn không yêu cầu cao, không giao cho trẻ những nhiệm vụ đòi hỏi sự mạo hiểm, sáng tạo?... Điều này dẫn đến hệ quả là, làm trẻ có nguy cơ thiếu hụt sự trải nghiệm cần thiết, ngăn trở trẻ nỗ lực tìm kiếm các giải pháp sáng tạo.

Nhiều khi người lớn vì sợ trẻ gặp nguy hiểm mà vô tình ngăn cản những hành vi mạo hiểm cần thiết… để rèn luyện bản lĩnh sáng tạo cho trẻ… làm chúng mất cơ hội để trải nghiệm, trở nên thụ động và kém tự tin…

Như vậy, có thể chính người lớn với những cách suy nghĩ, ứng xử không hợp lý, có gốc rễ từ yếu tố tâm lý, văn hoá, lịch sử xã hội… là nguyên nhân chính đang ngăn cản sự phát triển tính sáng tạo của trẻ.

Cha mẹ cần làm gì để phát triển trí sáng tạo cho trẻ?

Lứa tuổi mầm non là lứa tuổi tràn ngập xúc cảm, phát triển trí tò mò, trí tưởng tượng bay bổng,… khả năng liên tưởng mạnh… vì vậy đây là giai đoạn tối ưu, là “mảnh đất” mầu mỡ nhất để gieo hành vi sáng tạo.

Tại sao chỉ vài mỗi gỗ, vài mẩu vải vụn, những mẩu giấy xé dán, hoặc chỉ là những nét vẽ nguệch ngoạc, bôi/quét màu xanh đỏ trên giấy không rõ hình thù..., vốn rất ít có ý nghĩa, thậm chí hoàn toàn vô bổ với người lớn, nhưng lại thu hút toàn bộ tâm trí trẻ, chúng chơi rất say sưa. Đó là vì trẻ được chơi với những ý tưởng của mình. Chính xúc cảm nảy sinh trong quá trình chơi, chứ không phải sản phẩm cuối cùng (bức vẽ đẹp hay không đẹp theo cách nhận xét thường thấy ở người lớn) nuôi dưỡng trí tưởng tượng sáng tạo.

Vậy có những cách nào giúp trẻ sáng tạo?

Cho trẻ quan sát một bức tranh, trẻ có thể kể thành một câu chuyện có tình tiết, có lô gíc, biết đặt tên cho bức tranh vậy là chúng đã sáng tạo ra câu chuyện theo ý tưởng và kinh nghiệm riêng của chúng rồi. Cho trẻ xem những hình tròn, hình vuông, hình tam giác… rồi để trẻ vẽ chúng thành những thứ trẻ thích, ví dụ ông mặt trời, ngôi nhà, cái đầu của con chuột…, vậy là chúng đã sáng tạo. Trẻ nghĩ ra quy tắc chơi, biết điều chỉnh quy tắc chơi cho phù hợp với tình huống… đó là sáng tạo.

Trẻ càng được khuyến khích, tự do chơi với ý tưởng của mình càng có nhiều cơ hội để phát triển. Thật ra sự sáng tạo luôn hiện hữu trong hành vi của trẻ, vấn đề là người lớn có nhìn ra, có cổ vũ, có biết nhiều phương pháp để nuôi dưỡng và kích hoạt kịp thời hay không.

Muốn giúp trẻ phát triển khả năng tưởng tượng, liên tưởng, sớm hình thành tư duy sáng tạo, thì không thể để trẻ cứ chơi tự do (để trẻ tự chơi một mình nhiều khi rất có hại), lại càng không phải là những trò chơi đơn lẻ, ngẫu hứng. Người lớn thường ngạc nhiên, kỳ vọng…trước một hành vi quá thông minh, rất sáng tạo bất ngờ xuất hiện ở trẻ, rồi lại băn khoăn, thất vọng… vì chờ mãi không thấy những hành vi tương tự xuất hiện, mà thay vào đó là những hành vi không mong đợi như mè nheo, hờn dỗi, ăn vạ…

Thực tế mọi hành vi thông minh, sáng tạo đơn lẻ ở trẻ sẽ nhanh chóng biến mất nếu không được kịp thời khuyến khích, củng cố. Cả cô giáo lẫn cha /mẹ cần phải để tâm, dày công tìm kiếm các bài tập, tình huống, thiết kế thành trò chơi, tìm cách lôi cuốn trẻ… giúp trẻ thực hành đóng vai, chơi say sưa, tập luyện một cách thường xuyên và có hệ thống mới mong sớm giúp trẻ hình thành tư duy sáng tạo.

Các bậc phụ huynh có thể tham khảo phương pháp phát triển trí sáng tạo cho trẻ em được nhóm chuyên gia Trường mầm non Hoàng Gia phát triển thành một hệ thống các bài học cụ thể, theo triết lý: kiên trì gieo hành vi tích cực, gặt hái thói quen tốt, gieo thói quen tốt gặt hái tính cách bản lĩnh sáng tạo…

- Chẳng hạn như bài học giúp trẻ suy luận sáng tạo: Điều gì xảy ra nếu bé không mặc áo ấm đi ra ngoài khi trời lạnh?; Nếu trời mưa thì đường…;
- Sáng tạo trong giải quyết tình huống: Bé sẽ làm gì nếu búp bê bé đang mặc quần áo biết nói "ôi chị làm em đau quá"?
- Sáng tạo từ những câu hỏi tại sao: Tại sao con người lại có 2 mắt 2 tai, nhưng chỉ có một miệng?
- Sáng tạo trong giải quyết tình huống bất thường: Bé sẽ làm gì nếu hàm răng của mình biết nói... "eo ôi tôi chẳng ở lại cùng bạn nữa, bạn chẳng chịu vệ sinh cho tôi gì cả, tôi sẽ đi đây, rồi một buổi sáng thức đậy bé bỗng thấy mình chẳng còn chiếc răng nào cả... ?"
- Sáng tạo thông qua các câu hỏi phản đề/ lập dị: bé hãy nghĩ xem có những tiện ích hay rắc rối nào…nếu con người có thêm một mắt ở phía sau gáy?);
- Kể chuyện sáng tạo...

Để hình thành kỹ năng hợp tác nhóm, trí sáng tạo đa mặt ở trẻ, phụ huynh có thể tham khảo phương pháp sáng tạo theo nhóm do các chuyên gia trường Mầm non Hoàng Gia soạn thảo.

Chẳng hạn, các em được yêu cầu cùng bạn vẽ một bức tranh hoặc cùng hoàn thiện một bức vẽ từ những hoạ tiết cho trước, hoặc cùng xé dán/cùng cắt got/ nặn…, hoặc cùng xây dựng một công viên vầng trăng từ những khối gỗ đa màu. Trẻ được phân theo nhóm, được yêu cầu trao đổi để thống nhất cả nhóm phải làm gì, nhiệm vụ cụ thể của từng người. Sau khi bức tranh hoàn thành, từng trẻ đặt tên cho bức tranh đó, và giải thích tại sao lại đặt cái tên này, rồi nhóm thảo luận chọn một cái tên thích hợp nhất. Nhóm trẻ lại được yêu cầu thuyết trình, giới thiệu… hoặc kể thành câu chuyện… cho nhóm kia (trong vai khách thăm quan).

Chính thông qua những hoạt động được thiết kế tích hợp các mục tiêu, trẻ sẽ học được cách quan sát, phát hiện thế giới, học cách đặt câu hỏi, học cách giải thích, trao đổi nhận xét, trải nghiệm những xúc cảm, tạo dựng sự tự tin, phát triển ngôn ngữ.

Tóm lại, muốn con sáng tạo, cha mẹ phải học cách sáng tạo cùng con, phải dành thời gian để chơi cùng trẻ.

PGS. TS. Nguyễn Công Khanh
Chuyên gia tư vấn Trường mầm non Hoàng Gia.

( Theo VnExpress )
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Dạy trẻ nấu ăn (24/3)
 Phát hiện năng khiếu hội họa của bé (24/3)
 Dạy trẻ phép lịch sự trong bàn ăn (21/3)
 Trẻ bắt đầu đi học mẫu giáo thường hay bệnh, tại sao? (21/3)
 Khi bố mẹ sơ hở cảnh “nóng” (20/3)
 Phát hiện năng khiếu của bé (20/3)
 Làm gì khi trẻ bị trêu về ngoại hình? (19/3)
 Học tập, vui chơi và trí thông minh (19/3)
 Nhận biết trẻ thông minh (19/3)
 Đối phó với tính vòi vĩnh của bé (18/3)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i