Công văn - Chỉ thị
   Hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở gdmn công lập
 
 
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO CỘNG
BỘ NỘI VỤ
*****
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*****
Số: 71/2007/TTLT – BGDĐT – BNV Hà Nội ngày 28 tháng 11 năm 2007

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH.

HƯỚNG DẪN ĐỊNH MỨC BIÊN CHẾ SỰ NGHIỆP TRONG CÁC CƠ SỞ
GIÁO DỤC MẦM NON CÔNG LÂP.

Căn cứ nghị định số 85/ 2003/ NĐ – CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Căn cứ nghị định số 45/2003/NĐ – CP ngày 09 tháng 05 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ..
Căn cứ nghị định số 71/2003/NĐ – CP ngày 19 tháng 06 năm 2003 của Chính phủ về phân cấp quản lý biên chế hành chính, sự nghiệp nhà nước.
Căn cứ nghị định số 75/2006/NĐ – CP ngày 02 tháng 08 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiên tại công văn số 3091/ VPCP – KG ngày 09 tháng 06 năm 2006 của Văn phòng Chính phủ về việc hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp giáo dục ở địa phương.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở giáo dục Mầm non công lập như sau:

I – NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG.

1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:
Thông tư này hướng dẫn biên chế sự nghiệp trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập bao gồm: Cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trong các nhà trẻ, trường mẫu giáo và trường mầm non công lập.

Định mức biên chế sự nghiệp trong văn bản này không bao gồm các chức danh hợp đồng quy định tai Nghị định số 68/2000/NĐ – CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ về thự hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ qua hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp.

2. Biên chế sự nghiệp trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, đặc điểm về công tác giáo dục và khả năng ngân sách của địa phương.

3. Việc xếp hạng nhà trẻ, trường mẫu giáo và trường mầm non công lập thực hiện theo quy định sau:

a) Đối với nhà trẻ:
- Hạng I: từ 50 trẻ trở lên.
- Hạng II: dưới 50 trẻ

b) Đối với trường mẫu giáo và trường mầm non:
Trường Hạng I Hạng II
- Ở trung du, đồng bằng, thành phố
- Ở miền núi, vùng sâu, hải đảo
9 nhóm, lớp trở lên
6 nhóm, lớp trở lên
Dưới 9 nhóm,lớp
Dưới 6 nhóm, lớp

Các hạng I và hạng II của nhà trẻ, trường mẫu giáo và trường mầm non quy định trên đây tương đương với các hạng chín, hạng mười quy định tại điều 8 của quyết định số 181/2005/QĐ – TT ngày 19 tháng 07 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định về phân loại, xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập.

4. Số giờ giảng dạy trong một tuần của cán bộ quản lý và giáo viên ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập được quy định như sau:
a) Hiệu trưởng trực tiếp lên lớp 2 giờ trong một tuần.
b) Phó hiệu trưởng trực tiếp lên lớp 4 giờ trong một tuần.
c) Giáo viên dạy 8 giờ trong một ngày.

5. Nhân viên là công tác văn phòng trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập ngoài việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo chức danh còn phải kiêm nhiệm các công việc của trường.

II – ĐỊNH MỨC BIÊN CHẾ SỰ NGHIỆP TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON CÔNG LẬP.

1. Cán bộ quản lý.
a) Mỗi cơ sở giáo dục mầm non công lập có hiệu trưởng và một số phó hiệu trưởng. cụ thể:
Nhà trẻ hạng I có từ 100 trẻ trở lên có một phó hiệu trưởng.
Trường mẫu giáo, trường mầm non hạng I có hai phó hiệu trưởng.
Trường mẫu giáo, trường mầm non hạng II có một phó hiệu trưởng.
b) Trường mẫu giáo, trường mầm non có 5 điểm trường trở lên được bố trí thêm một phó hiệu trưởng.

2. Giáo viên:
a) đối với nhóm nhà trẻ: bình quân mỗi giáo viên nuôi dạy 8 trẻ. Nếu nhiều hơn 5 trẻ thì được bố trí thêm một giáo viên.
b) Đối với lớp mẫu giáo:
Lớp không có trẻ bán trú: 1 giáo viên phụ trách một lớp có từ 20 đến 25 trẻ.
Lớp có trẻ bán trú: 2 giáo viên phụ trách một lớp có từ 25 đến 30 trẻ.
Lớp nhà trẻ nếu nhiều hơn 10n trẻ thì bố trí thêm 1 giáo viên.
c) Đối với nữ giáo viên còn trong độ tuổi sinh con ( chưa sinh từ 1 đến 2 con), số thời gian nghỉ thai sản được tính để bổ sung thêm quỹ lương để trả cho người trực tiếp dạy thay.

3. Nhân viên.
a) Nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non hạng I được bố trí: 1 kế toán, 1 cán bộ y tế học đường và 1 văn thư.
b) Nhà trẻ, trường mẫu giáo và trường mầm non hạng II được bố trí: 1 kế toán và 1 cán bộ y tế học đường.
c) Với địa bàn không có cơ sở dịch vụ cung ứng cho việc nấu ăn cho trẻ thì được thuê khoàn người nấu ăn: 1 người phục vụ 50 trẻ mẫu giáo hoặc 35 trẻ nhà trẻ.

Các nhân viên trên ngoài việc thực hiện chức trách, nhiện vụ theo chức danh còn phải kiêm nhiệm các công việc khác do hiệu trưởng phân công như quy định tại khoản 5 mục I của Thông tư này.

III – TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

1. Căn cứ hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập tại Thông tư này và những quy định tại Thông tư số 89/2003/TT – BNV ngày 24 tháng 12 năm 2003 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện về phân cấp quản lý biên chế hành chính, sự nghiệp nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các giám độc sở giáo dục và đào tạo, sở nội vụ, sở tài chính xây dựng kế hoạch biên chế sự nghiệp giáo dục địa phương trình hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị sự nghiệp trực thuộc thực hiện các quy định của pháp luật về qản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước, quyền tự chủ, tự chịu tách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp, hàng năm báo cáo định kỳ việc thực hiện biên chế sự nghiệp.

3. Đối với các cơ sở giáo dục mầm non có giáo dục hòa nhập cho trẻ tàn tật, khuyết tật thì số biên chế này dược áp dụng theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo về giáo dục hòa nhập dành cho người khuyết tật, tàn tật. Đối với các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bình quân mỗi giáo viên nhà trẻ nuôi dạy 6 trẻ, số trẻ trong lớp mẫu giáo được ít hơn 5 trẻ so với quy định chung.

4. Kinh phí để thực hiện định mức quy định tại Thông tư này theo quy định về phân cấp quản lý ngân sách hiện hành và khả năng ngân sách của địa phương.

5. Các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập được vận dụng thực hiện theo thông tư này.
6. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ Thông tư số 03/ CB – UB ngày 07 tháng 03 năm 1980 của Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em Trung ương và Thông tư số 08/02/1986 của Bộ Giáo dục.

7. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn, vướng mắc thì phản ánh về Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ để xem xét, giải quyết.

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
Trần Văn Tuấn
( Đã ký)
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Nguyễn Thiện Nhân
( Đã ký)

Nơi nhận:
- Văn phòng quốc hội.
- Văn phòng chủ tịch nước
- Tòa án nhân dân tối cao.
- Kiểm toán nhà nước.
- Ban tuyên giáo Trung ương.
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,cơ quan thuộc chính phủ.
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW.
- Các sở GD&ĐT, Sở NV, Sở TC.
- Cục KTVBQPPL ( Bộ Tư pháp).
- Website Chính phủ, website Bộ.
- Công báo
- Lưu VT, Vụ PC, Vụ TCCB, Cục NGCBQL (BGDĐT); VT; TCBC (BNV)
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Ý kiến
Ngày gửi: 5/18/2008 8:30:40 PM

Nếu hiệu trưởng làm việc 2 giờ/tuần và hiệu phó làm việc 4 giờ/tuần thì những ngày này giáo viên dạy gì? vì hiệu trưởng và hiệu phó "tranh" mất việc hàng ngày của giáo viên. Hiệu trưởng ngoài công việc ở trường còn phải tham gia họp với Phòng giáo dục, với xã phường, và các cơ quan đoàn thể có liên quan... Vậy trùng vào ngày hiệu trưởng hoặc hiệu phó đi họp thì giải quyết như thế nào cho hợp lý.


guest
mamnon.com
Ngày gửi: 5/20/2008 5:11:09 PM


Tôi hoan nghênh tiêu chí Ban Giám Hiệu lên tiết, đó là hình thức củng cố chuyên môn rất tốt.



guest

mamnon.com
Ngày gửi: 5/20/2008 5:15:24 PM

Thay vì BGH trực tiếp lên tiết dạy thì có thể xây dựng cho giáo viên lên và kết quả của giáo viên cũng là kết quả đánh giá cho BGH


guest
mamnon.com
Ngày gửi: 5/21/2008 11:11:40 AM


Qui định Ban giám hiệu lên tiết cần đưa vào tiêu chí khảo sát đánh giá và xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp hàng năm.



guest

Hướng dẫn định mức
Ngày gửi: 5/21/2008 8:54:25 PM

Tôi nhất trí hiệu trưởng, hiệu phó lên tiết vì như thế thì công tác chuyên môn giữa giáo viên và Ban giám hiệu sẽ hiệu quả hơn. Tránh việc trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.


guest
Ngày 31/5 /2008
Ngày gửi: 5/31/2008 8:30:56 PM


Nếu hiệu trưởng và hiệu phó không dạy đúng số tiết quy định thì có được xếp loại thi đua không?



guest

Tiêu chuẩn khi đề bạt cán bộ quản lý như thế nào?
Ngày gửi: 7/7/2008 8:38:18 PM

Trường tôi chuẩn bị tách trường ( trước đây chung với trường PTCS)nhưng để đề bạt cán bộ quản lý thì vẫn đang phân vân vì không biết lựa chọn ai trong hai người. Một người thì Đảng viên nhưng khả năng ngoại giao và các hoạt động bề nổi không có, còn một người thì đang là đối tượng Đảng nhưng có đầy đủ các yếu tố trên...Vậy chúng tôi cần lựa chọn ai cho đúng người đúng việc đây?


guest
Ngay 11/07/2008
Ngày gửi: 7/11/2008 8:16:51 PM


Khi đọc những quy định chung của ngành mầm non, tôi thấy những điều đó không đúng với thực trạng ở trường tôi. Là giáo viên mới tôi chưa bao giờ thấy hiệu trưởng hay hiệu phó trường tôi xuống các lớp trực tiếp dạy. Và qua đây tôi muốn hỏi là giáo viên làm việc ngoài giờ được tích mức lương như thế nào. Tôi thấy hầu như các trường đều có mức lương trả cho giáo viên làm ngoài giờ. Nhưng điều này tôi không thấy tồn tại ở trường tôi đang làm.Điều đó khiến cho giáo viên trong trường rất bức xúc và không biết hỏi vấn đề này như thế nào. Kính mong Bộ trưởng bộ giáo dục giải đáp cho chúng tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn



guest

Định mức biên chế sự nghiệp
Ngày gửi: 7/16/2008 8:06:34 PM

Theo quy đinh trên là trẻ nhà trè 8 cháu trên 1 giáo viên thì tôi thấy chưa cụ thể cho từng độ tuổi, phải nên cụ thể trẻ 6 đến 12 tháng là phải mấy trẻ trên 1 giáo viên và trẻ 12 tháng đến trẻ 24 tháng là mấy giáo viên, trẻ 24 đến 36 tháng là mấy trẻ trên 1 giáo viên vì hiện nay tôi thấy các trường phân công số trẻ trên số cô không đúng quy định hầu hết là quá tải sẽ khó khăn cho giáo viên trong chăm sóc giáo dục.


guest
Định mức dạy của BGH.
Ngày gửi: 7/18/2008 8:14:18 PM


Theo qui định số giờ dạy của BGH: 2 giờ đối với hiệu trưởng (bằng 1/2 buổi trong ngày), 4 giờ đối với hiệu phó(1 buổi sáng hoặc 1 buổi chiều), song PGD chỉ đạo BGH các trường dạy 2 giờ đó là dạy 2 hoạt động chính trong ngày, vậy là hiệu trưởng dạy 1 buổi sáng, PHT dạy 2 buổi sáng vậy là đúng hay chưa đúng.



guest

Tiêu chuẩn khi đề bạt cán bộ quản lý.
Ngày gửi: 7/23/2008 8:27:57 AM

Trường tôi là trường Mầm Non công lập mà hiệu trưởng là người độc quyền lấy một tay che cả bầu trời. Nhưng giáo viên được bầu vào làm quản lý thì hầu như không có khả năng và bỏ bê công việc rất nhiều. Nhưng do những giáo viên này luôn ủng hộ những việc làm sai trái của hiệu trưởng nên vẫn được bổ nhiệm. Tôi thực sự bức xúc khi chứng kiến cảnh quan liêu đó. Vậy Bộ Giáo dục cho tôi ỏi những tiêu chuẩn để được đề bạt vào làm quản lý và làm thế nào để loại trừ những hành vi xấu trong đội ngũ quản lý như vậy? Chúng tôi đã gửi rất nhiều đơn thư lên các cấp lãnh đạo cao hơn về các vấn đề sai trái của hiệu trưởng nhưng vẫn không hề được giải quyết. Vậy mong Bộ Giáo Dục sẽ có những thông điệp đúng đắn gửi tới Giáo Viên chúng tôi. Xin chân thành cảm ơn!


guest
Từ hiệu phó lên chức hiệu trưởng cần phải có bao nhiêu năm kinh nghiệm
Ngày gửi: 7/23/2008 1:50:02 PM


Một người hiệu phó mới nhận chức được khoảng 5 tháng có được bổ nhiệm làm hiệu trưởng ngay được không. Xin chân thành cảm ơn



guest

Thông tư 71 chưa thực hiện được ở vùng núi.
Ngày gửi: 7/23/2008 3:09:40 PM

Theo thông tu TW 71 thì địa bàn của chúng tôi có thể áp dụng
được bởi vì đại đa số là học sinh con em dân tộc thiểu số, đi học một buổi là khó khăn, huống hồ phải đi ngày 2 buổi, chúng tôi thấy rất khó thực hiện , trong thông tư 71 có xóa bỏ thông tư 08 năm 1986 của Bộ Giáo dục thì chúng tôi thấy thiệt thòi đối với giáo viên dạy tăng thấy cũng không được tính tăng tiết, giáo viên làm công tác kiêm nhiệm như thư ký, cũng không được tính thêm số tiết, đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét.



guest
Tại sao con tôi lại phải đóng 1/2 tiền học phí mà không được miễn như những trường công lập khác ?
Ngày gửi: 8/10/2008 1:02:39 PM


Trường tôi là một trong những trường thực hành mầm non của trường cao đẳng sư phạm trung ương hà nội. Tôi đang rất thắc mắc một điều tại sao tôi dạy trong trường mà con tôi lại phải đóng 1/2 tiền học phí.Cháu cũng chuẩn bị ra trường nên tôi mới tiện hỏi.Tôi thấy tất cả các trường ngoài kể cả công lập lẫn tư thục đều có chính sách khi mẹ dạy tại trường mà con học trường đó thì chỉ phải đóng tiền ăn thôi còn được miễn tiền học phí, đằng này con tôi vẫn phải đóng 1/2 tiền học phí ( mà học phí trường tôi là 800.000đ/tháng/trẻ ). đấy là còn chưa kể tiền học đàn, học vi tính kismart, học tiếng anh . . .Tôi thấy mọi chế độ cho con em nhân viên trong trường như vậy là chưa thỏa đáng.Trường tôi là một trong những trường dành cho con nhà giàu vậy mà với đồng lương ít ỏi của tôi thì làm sao theo được, không lẽ mẹ dạy một trường mà con phải nộp đơn học một trường khác.Đến trường quốc tế ngoài học phí lên đến vài trăm đô la mà người ta cũng miễn cho con em nhân viên trong trường và chỉ thu tiền ăn huống chi đến trường tôi không thể miễn được.Tôi đã cống hiến toàn bộ sưc lực tâm huyết cho sự nghiệp phát triển của trường nhưng đến bây giờ tôi thấy mình cũng chẳng được gì cả.Tất cả giáo viên trong trường tôi đều rất bức súc về vấn đề này.Kính mong BỘ Trưởng cho tôi biết có điều luật nào dành cho chính sách của con em nhân viên trong trường mầm non không. Chứ như thế này thì tôi thấy thiệt thòi quá. Hiệu trưởng trường tôi không đưa ra và giải thích bất kỳ một lý do nào cả và chúng tôi khiếp vía cũng không dám hỏi. Đấy là chưa kể lương giáo viên của trường tôi bên trường cao đẳng trả cho một nửa ( có nghĩa là trường cao đẳng trả lương cho 1/2 tổng số giáo viên trong trường ) Nguyện vọng của tôi cũng chỉ mong được như trường tư thục là không phải đóng học phí và đóng 1/2 tiền học năng khiếu + tiền ăn trong tháng.Kính mong Bộ Trưởng xem xét. tôi xin chân thành cảm ơn.



guest

Thông tư 71 được thực hiện, giáo viên mầm non dạy ngày 8 giờ thì....
Ngày gửi: 8/24/2008 8:43:50 PM

Kính gửi: Bộ Giáo Dục Đào Tạo, Bộ Nội Vụ, Bộ Tài Chính.
Chúng tôi là giáo viên mầm non do đặt thù ngành học đã rất là cực khổ về việc làm đồ dùng dạy học, đồ dùng đồ chơi cho trẻ vì nếu tiết nào không có thì xem như tiết dạy đó bị hỏng ,mà kinh phí để làm đồ dùng đồ chơi thì tự cá nhân giáo viên phải bỏ ra từ đầu năm có thể hơn 1-2 trăm ngàn ( nhà trường chỉ hỗ trợ chút ít 20-50 ngàn/năm) thôi thì chúng tôi cũng chấp nhận sự thiệt thòi đó. Nhưng thông tư 71 ra thì chúng tôi nếu là giáo viên vùng sâu ,giáo viên vùng đồng bằng, không có dạy bán trú thì không bị ảnh hưởng nhiều ,nếu là giáo viên dạy bán trú phải dạy một ngày là 8 giờ thì lúc này thời gian đâu chúng tôi soạn giáo án ,làm đồ dùng dạy học đồ dùng đồ chơi để phục vụ cho công tác giảng dạy và ngoài ra chúng tôi còn phải soạn các chuyên đề như: ATGT, GDVSMT ... Vậy chúng tôi có thể không soạn và làm các điều nêu trên, để dạy ngày 8 giờ có được không? Nếu không được thì cho chúng tôi biết chúng tôi sẽ làm các việc ấy vào lúc nào? Nếu làm quá 8 giờ theo qui định thì có được tính tăng giờ hay không và nếu có thì chiết tính tăng giờ như thế nào? Lấy kinh phí từ đâu? Chúng tôi có thể thưa BGH được không? Khi chúng tôi dạy một tuần hơn 40 giờ lại còn bắt chúng tôi phải làm đầy đủ đồ dùng đồ chơi và hồ sơ sổ sách đầy đủ, lại họp hội ngày thứ bảy, hoặc chủ nhật (vì toàn trường kể cả BGH phải làm việc suốt tuần).Ttôi biết việc này là vì nhiệm vụ BGH phải làm. Nhưng như vậy thì BGH vi phạm qui định ngày làm việc 8 giờ mà không có chi trả kinh phí vượt giờ (vì trường không biết căn cứ vào công văn nào và lấy kinh phí từ đâu?). Và cần qui định cụ thể số trẻ trên cô cho các nhóm trẻ nhà trẻ vì không thể trẻ nhóm lớn và trẻ nhóm nhỏ như nhau được .Cuối cùng chúng tôi kính mong rằng các Bộ kịp thời xem xét lại thực tế của ngành học , nếu không chúng tôi không biết chăm lo gia đình và con cái chúng tôi vào thời gian nào?



guest
Ý KIẾN XUNG QUANH TT 71
Ngày gửi: 9/7/2008 5:56:45 PM


Chúng tôi là những CB-GV vùng miền núi thuộc các tỉnh Tây Nguyên. Chúng tôi xin được trình bày mấy ý kiến xung quanh TT 71 như sau:
- Hiện nay chúng tôi đang phải đi mượn nhà dân cho học sinh học và một số lớp học khác lại phải học nhờ trường tiểu học hay hội trường thôn vậy mà theo thông tư này lại yêu cầu chúng tôi đi dạy 8 giờ trên một ngày thì chúng tôi thấy không thể thực hiện được. Vả lại học sinh ở đây vận động đi học 1 buổi đã khó (vì thường tầm 10 giờ là ba mẹ phải vào rẫy nếu để trẻ ở nhà thì không có ai chăm sóc và lấy gì để ăn) lại còn bắt trẻ đi học 2 buổi thì chắc là phụ huynh sẽ không cho trẻ đến lớp MG nữa đâu vì bậc học này chưa được phổ cập nên chưa được xã hội quan tâm đúng mức.
- Việc yêu cầu HT-PHT đi dạy 1 số tiết như trong thông tư 71 là không hợp lý vì như vậy thì thời gian đó lại cho giáo viên nghỉ và mọi công việc khác ai sẽ giải quyết thay và như vậy sẽ gây bức súc cho phụ huynh bởi việc thường xuyên thay đổi giáo viên trên lớp sẽ gây khó khăn trong việc nhận biết tâm sinh lý của trẻ và việc chăm sóc trẻ. Theo chúng tôi nên quy định PHT phụ trách CM hàng tuần nên bố trí thời gian xây dựng các giờ dạy mẫu để giáo viên học tập lẫn nhau thì sẽ có hiệu quả hơn trong việc năng cao chất lượng CM cho đội ngũ giáo viên và mặt khác sẽ trau dồi CM cho đội ngũ quản lý.




guest

Ý kiến về hành vi đạo đức của một phó hiệu trưởng.
Ngày gửi: 9/27/2008 3:37:02 PM

Tôi xin hỏi: Là hiệu phó được hưởng lương nhà nước và vừa nhận chức vụ được 1 năm. Không biết vì lý do gì họ xin thôi việc và nhận tất cả các khoản trợ cấp...mà người xin thôi việc đáng nđược hưởng. Tuy nhiên. Sau một tháng phó Hiệu Trưởng đó quay về và xin phục hồi lại biên chế, đồng thời phục hồi lại chức phó Hiệu Trưởng như cũ. Tôi xin hỏi điều này có đúng hay không?
Là một cán bộ nhà nước đồng thời là một Đàng viên sau khi tiếp nhận biên chế, chức vụ và kết nạp Đảng viên chính thức mới được 2 năm. Đồng chí đó đã chưa cống hiến được gì cho quê hương, cho tổ quốc. Chỉ vì làng quê đồng chí đó sinh ra và lớn lên không được hiện đại như Thành Phố nên đồng chí quyết ra đi. Với một người tư cách đạo đức như vậy liệu giúp được gì cho đất nước?
Đảng và nhà nước ta hiện nay, nhất là ngành Giáo Dục đang thực hiện vận động " hai không" vậy trong trường hợp này có thực sự là " hai không" chưa?



guest
Đoàn thể trong trường Mầm Non.
Ngày gửi: 10/5/2008 9:23:31 PM


Do thông tư 71/2008 ra đời. Nhưng sở GD và PGD cho biết là chưa thực hiện năm học 2007 - 2008 cho nên các chế độ kiêm nhiệm vẫn giữ nguyên, và sau khi đã thực hiện hết một năm học lại triển khai thực hiện và lại tính từ năm học 2007 -2008. Như thế qua một năm giáo viên Mầm Non gồng người ra, chịu trách nhiệm công việc kiêm nhiệm của mình, thậm chí làm chậm, làm sai vẫn bị kỷ luật, xét thi đua bị trừ điểm thì có công bằng hay không? Và theo qui định của các bậc học như: THCS thì dạy tuần 19 tiết+thêm chấm bài 10 tiết tổng cộng là 29 tiết/tuần X 45phút = 21giờ 45 phút/tuần ,tương tự THPT,Tiểu học thì khoản từ 16 giờ đến không quá 25 giờ /tuần số giờ còn lại gv soạn giáo án nghiên cứu tài liệu để dạy chất lượng đạt hiệu quả cao .Nếu có chấm vượt bài có làm GVCN thì được tăng giờ. Vậy tại sao giáo viên Mầm Non lại phải dạy 8 giờ trên ngày, vẫn phải soạn giáo án, trang trí lớp theo từng chủ điểm, làm đồ dùng dạy học chẳng những cho cô còn phải cho trên dưới 35 trẻ theo qui định và còn nhiều công việc không tên khác ...,thì giáo viên làm những công việc đó trong lúc nào (chất lượng Mầm Non rồi sẽ đi về đâu, gia đình các giáo viên Mầm Non rồi sẽ đi về đâu,s ẽ ra sau khi mẹ, khi vợ tối ngày ở trong trường về chỉ biết ăn cơm qua quýt rồi lao vào soạn giáo án, làm ĐDĐC cho trẻ không biết con mình có sạch sẽ, có ăn cơm chưa, con không quan tâm được, chồng thì khỏi phải nói ..)>(((xin Bộ giáo dục - Bộ nội vụ - bộ tài chính có công văn hướng dẫn thực hiện cụ thể ))). Ngoài ra lại còn họp tổ 2 lần /tháng ,họp HĐSP 1 lần/tháng ,và còn công tác kiêm nhiệm vẫn phải làm trong khi đó các bậc học trên có biên chế chính thức như thủ quỹ, kế toán, chủ tịch công đoàn, thanh tra nhân dân riêng nhà nước phải trả một đầu lương, nếu có kiêm nhiệm thì vẫn được tăng giờ. Riêng bậc học Mầm Non thì lại cắt tất cả. Như vậy có bất công không, hay là bậc học này không quan trọng như các công văn đã nói, như báo đài đã nói. Hay chẳng qua nói để mà nói thôi và sức khỏe giáo viên Mầm Non phải chăng là một người máy bằng mủ dẻo.....rất rất mong các cấp có thẩm quyền đi điều tra thực tế tại cơ sở để rõ hơn vấn đề MN. Và có những quyết định để cho giáo viê Mầm Non an tâm công tác .



guest

Định mức biên chế
Ngày gửi: 10/11/2008 3:27:50 PM

Theo công văn hướng dẫn: MG loại trường 1 là 20-25 trẻ, nhưng do điều kiện thực tế của trường không thể đáp ứng, giáo viên vẫn phải chịu quá tải và làm việc quá thời gian. Vậy lương giáo viên sẽ được tính như thế nào?


guest
Xem qua cho biết
Ngày gửi: 10/23/2008 7:11:06 PM


Tôi cũng đồng tình với ý kiến của các cô bác nêu trên. Bộ giáo dục nên xem lại vì ngành mầm non hiện tại đã quá tải cho chị em giáo viên, hẳn vậy nên có rất ít giáo viên mầm non là nam giới, cần điều chỉnh lại giờ giấc làm việc tại trường MN vì tất cả chị em đều phải dạy ở trường một ngày khoảng 11 giờ, những giờ còn lại ở nhà không chăm sóc được con, gia đình, chỉ lo soạn bài, làm giáo cụ đã hết thời gian, mà tăng giờ thì bị cắt, không được hưởng.



guest

Đời sống giáo viên.
Ngày gửi: 10/28/2008 7:52:52 PM

Không biết đến bao giờ đời sống của giáo viên mầm non được nâng cao hơn? Bao giờ khỏi phải lĩnh lương từ 5 nguồn mới đạt mức lưong dưới 1 triệu?


guest
Biên chế cho Giáo Viên Mầm Non.
Ngày gửi: 11/15/2008 4:28:35 PM


Hiện nay GVMN thuộc hợp đồng Quận và đã có lương ngân sách của nhà nước nhưng chưa vô được nhà nước. Cách đây một năm thì PGD các Quận đã thông báo có GV làm hồ sơ để vào biên chế. Các GV đã rất phấn khởi hoàn thành xong các thủ tục để xét biên chế thế mà tới nay chưa có thông báo kết quả gì hết làm chúng tôi rất hoang mang. Không biết giáo viên chúng tôi phải đợi đến bao giờ mới có kết quả?



guest

Thông tư 71
Ngày gửi: 11/22/2008 4:30:05 PM

Hiệu trưởng, hiệu phó chưa trực tiếp đứng lớp đã có quá nhiều việc phải giải quyết, vào các ngày BGH lên lịch dạy( vì đã dạy thì phải chuẩn bị giáo án, giáo cụ) lại có giấy mời đi họp, dự hội nghị, họ sẽ bỏ dự hội họp hay bỏ dạy?Ngày hôm đó GV dạy trong khi không chuẩn bị gì ( vì đã có BGH dạy theo quy định ) thì sẽ như thế nào với chất lượng giờ dạy? Còn những việc linh tinh như làm thay nhân viên văn thư (vì trường loại 2 không có biên chế văn thư), cấp dưỡng, tạp vụ, phụ giờ cho trẻ ăn có tính vào giờ trực tiếp phải dạy không?


guest
Góp ý.
Ngày gửi: 12/7/2008 3:01:57 PM


Hiện nay ở các trường MN công lập thuộc huyện Đông Anh bố trí cán bộ quản lý của 1 trường chưa hợp lý. Trong khi giáo viên thì thiếu mà quản lý có tận 6 người 1 hiệu trưởng, 2 hiệu phó, 1 văn thư, 1 kế toán, 1 thủ quỹ,. Tôi thiết nghĩ nên để văn thư kiêm luôn thủ quỹ cho bộ máy quản lý đỡ kồng kềnh. Vậy rất mong phòng giáo dục huyện xem xét lại việc bố trí nhân sự của từng trường để tránh chỗ thừa thì vẫn thừa mà chỗ thiếu thì vẫn thiếu.



guest

Thời gian làm việc, giáo viên mầm non, bất hợp lý kêu với ai ?
Ngày gửi: 1/13/2009 2:47:27 PM

Chúng tôi là giáo viên mầm non thuộc trường mầm non bán trú. Từ 6h30 sáng phải có mặt đón trẻ và chuẩn bị cho các cháu ăm sáng. Thực hiện các hoạt động: Thể dục sáng- hoạt động chung- hoạt động ngoài trời- hoạt động góc - tổ chức chăm sóc bữa ăn của trẻ - cho trẻ ngủ (Cô phải trực trưa cho trẻ ngủ để đảm bảo an toàn cho trẻ) - Tổ chức cho trẻ ăn xế - sinh hoạt chiều - trả trẻ đến 17h hơn. Làm việc hơn 11h một ngày trong khi Nhà nước quy định 8 giò một ngày. Vậy số giờ làm thêm ( bị bắt buộc làm thêm ) ai trả cho chúng tôi. Đề nghị BGH trả tăng giờ thì bị Phòng Giáo dục dọa sẻ đưa về xã, vùng sâu vùng xa.


guest
Kêu với ai bây giờ?
Ngày gửi: 3/20/2009 4:01:25 PM


Quy định giáo viên làm 8 giờ như vậy không hợp lý, bởi vì thời gian đứng lớp 8 giờ thì còn đâu thời gian soạn bài, làm đồ dùng.Trong khi đó đặc thù của ngành mầm non là đồ dùng trực quan. Đồng thời do hiện nay, đồ dùng nhà trường cung cấp không đủ để giảng dạy cho chương trình, đa số giáo viên phải tự tạo. Vậy thì khổ cho giáo viên Mầm Non rồi. Cũng là giáo viên nhưng tại sao giáo viên bậc tiểu học không phải làm 8 tiếng, họ chỉ lên lớp hết một buổi là xong. Trách nhiệm nhẹ nhàng hơn giáo viên Mầm Non, không phải chăm sóc, cho ăn, cho ngủ, vệ sinh…Giáo viên Trung học Phổ Thông thì dạy theo tiết thuận tiện hơn. Chúng tôi chịu nhiều thiệt thòi mong cấp trên xem xét.



guest

Giáo viên Mầm non vào ngành đến bao giờ mới được về hưu ?
Ngày gửi: 4/5/2009 10:01:25 PM

Trường tôi có 6 giáo viên vào dạy học Mầm non đến nay đã 35 năm trong nghề, nhưng mới được đóng bảo hiểm có 14 năm. Đến khi đủ tuổi về hưu thì năm đóng bảo hiểm lại chưa đủ. Vậy Bộ GD có cách gì hỗ trợ bảo hiểm cho các đồng chí giáo viên ấy được về hưu đúng tuổi hay không? Nếu không thì các giáo viên ấy phải đóng bảo hiểm cho đến khi 60 tuổi mới được về hưu quả là thiệt thòi đủ mọi mặt cho giáo viên Mầm non. Đề nghị Bộ GD quan tâm trả lời .


guest
Giáo viên dinh dưỡng
Ngày gửi: 4/28/2009 2:15:01 PM


Tôi hỏi: có 1 cụm trẻ ăn bán trú 65 trẻ có phân được 2 cô giáo dinh dưỡng hay không?



guest

Vấn đề biên chế cho GVMN ngoài công lập
Ngày gửi: 5/18/2009 4:37:58 PM

Tại sao GVMN dân lập không được xét vào biên chế nhà nước để có sự công bằng trong giáo dục? Mặc dù thời gian làm việc cũng như nhau mà mức lương được hưởng lại quá chênh lệch giữa giáo viên biên chế và giáo viên dân lập? Đề nghị các cấp xem xét để giáo viên dân lập yên tâm công tác.


guest
Phải xem lại
Ngày gửi: 5/28/2009 9:21:03 PM


Trường tôi mới được bổ nhiệm hiệu phó nhưng họ luôn kéo bè phái cùng với 1 số thành phần giáo viên xấu trong nhà trường để chống lại hiệu trưởng (và lại là đảng viên cơ đấy - thuộc biên chế rùi) như vậy có xứng đáng đứng trong đội ngũ của cán bộ công chức Việt Nam hay không?



guest

Phụ cấp thu hút
Ngày gửi: 6/25/2009 9:15:06 AM

Tôi quê ngoài Bắc, muốn học sư phạm ở trong Nam nên trước khi thi vào trường cao đẳng sư phạm Bình Dương thì tôi phải nhập khẩu vào trong này. Khi học sư phạm tại trường cao đẳng sư phạm Bình Dương tôi có hộ khẩu ở Dầu Tiếng, khi ra trường tôi được phân về dạy ở vùng xa mà trường này có điều kiện là những GV có hộ khẩu ở huyện khác dạy ở đó thì được phụ cấp thu hút trong vòng 5 năm, nhưng tôi dạy được khoảng 2 tháng vì điều kiện gia đình tôi phải chuyển khẩu về huyện Tân Uyên theo gia đình. Vậy trường hợp của tôi có được tiền phụ cấp thu hút không.


guest
Tại sao lại thế?
Ngày gửi: 6/25/2009 11:40:17 PM


Sau khi đọc những quy định về hướng dẫn mức định biên biên chế dành cho trường công lập tôi không khỏi chạnh lòng vì hơn một nữa giáo viên trường tôi hoàn toàn không được hưởng các chế độ và chính sách của nhà nước đề ra. Trường Mầm Non Thị Trấn Quán Hành được thành lập từ năm 1991 và cũng được công nhận là trường mầm non công lập của huyện Nghi Lộc - Tỉnh Nghệ An từ năm đó.Vậy mà chúng tôi đã công tác tại ngôi trường này 15 năm mà hoàn toàn không được hưởng những chế độ như Bộ Trưởng đề ra.Chúng tôi làm việc một ngày 10 tiếng, mỗi giáo viên đứng lớp từ 25-38 trẻ ăn bán trú tại trường. Vất vả nhất là những người có con mon sáng sớm 6h30 đã phải có mặt để đón trẻ chiều 5h30 mới trả hết trẻ để về chăm con mọi việc cơm nước đều bỏ nặc cho ông bà. Vậy mà mỗi tháng chúng tôi được hưởng chưa đầy một triệu đồng. Chúng tôi thật thất vọng khi không được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo. Chủ trương và chế độ thì đưa ra như vậy nhưng đến bao giờ chúng tôi mới được hưởng?
Các chính sách đưa ra mà không được thực hiện thì lỗi tại ai? Bộ trưởng liệu có hiểu được sự thiệt thòi của những người như chúng tôi không?
Kính mong ược sự quan tâm giúp đỡ của các cấp lẫnh đạo, của bộ trưởng, bộ nội vụ.
Xin chân thành cảm ơn.




guest

Chế độ chi trả cho giáo viên mầm non
Ngày gửi: 6/26/2009 11:07:45 PM

Thật tình mà nói GV MN khổ vô cùng nhưng có ai hiểu không nhỉ? Sáng sớm tạm biệt chồng con đi làm, tối mịt mới về ngày nào cũng nhw ngày nào. Vậy mà cuối tháng lĩnh lương được gần một triệu. Nếu GV nào ở gần thì còn đi bộ hoặc đi xe đạp, GV nào ở xa đi xe máy thì đổ xăng phát sốt ruột. Rồi tiền ủng hộ đóng góp các loại quỹ mỗi tháng phải trừ nhiều nhất là 150.000d, còn ít thì cũng 50.000d. Mỗi thứ một tí, cuối cùng Gv nhận được số tiền là khoảng 700.000 - 800,000 /1 tháng. Đến bao giờ cho cuộc sống chị em GV MN ngoài biên chế được đổi khác để GV yên tâm công tác, không phải nghĩ đến việc bỏ nghề để kiếm kế sinh nhai nữa. Kính mong cấp trên xem xét....


hoanglan
Thiệt thòi tại ai?
Ngày gửi: 7/5/2009 9:27:48 PM


Chúng tôi là những giáo viên trường công lập, nhưng từ khi vào giảng dạy tại trường chúng tôi hoàn toàn không được hưởng quyền lợi của giáo viên trường công lập. Có những giáo viên công tác tại trường 14 năm rồi vẫn hưởng lương theo 3 nguồn. Tổng lương thấp hơn trường bán công, dân lập. Bản thân tôi tốt nghiệp Đại Học đã 7 năm, về trường công tác nhưng không được hưởng lương theo hệ số, thậm chí còn thấp hơn các trường bán công. Chúng tôi rất cần được sự quan tâm của các cấp, các ngành, chúng tôi rất đồng tình và mong muốn hướng dẫn của Bộ trường để thực hiện ở trường chúng tôi. Trường Mầm Non thị trấn Quan Hanh, Huyện Nghi Loc, Tỉnh Nghe An.



guest

Tổ trưởng các khối lớp không còn phải dự giờ giáo viên tổ mình nữa có phải không?
Ngày gửi: 7/13/2009 10:02:23 AM

Theo thông tư 71/2007 ngày 28/11/2007 hướng dẫn thực hiện bãi bỏ thông tư 08/TTGDngày 28/2/1996. Như vậy tổ trưởng không còn phải dự giờ giáo viên trong tổ của mình có phải không? Và mọi công việc kiêm nhiệm như Chủ tịch công đoàn, thư ký hội đồng không còn được hưởng phụ trội 1 buổi trên tuần. Như vậy trong trường mầm non không cần những chức danh này nữa có phải không?
Rất mong Bộ Giáo dục quan tâm vì chất lượng của các trường mầm non, vì quyền lợi của các chị em giáo viên, nhân viên mà có sự chỉ đạo hướng dẫn thực hiện cụ thể hơn và thỏa đáng hơn.



guest
Cách bố trí giờ dạy của Ban giám hiệu trong trường mầm non
Ngày gửi: 7/13/2009 10:16:16 AM


Theo thông tư 71 thì hiệu trưởng dạy 2 giờ và phó hiệu trưởng dạy 4 giờ trên tuần. Tôi có thể bố trí như sau được không:
- Dạy thay cho giáo viên nghỉ ốm (khi có giáo viên nghỉ ốm hay con ốm.
- Dạy bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh như vẽ, hát múa, kể chuyện...
- Hướng dẫn tổ chức cho giáo viên sinh hoạt chuyên môn, trao đổi, tọa đàm về một số chuyên đề trọng tâm trong năm.




guest

Thắc mắc hỏi ai?
Ngày gửi: 10/24/2009 9:50:29 AM

Tôi là một GV mới ra trường nên không rõ quy định biên chế của mẫu giáo. Tôi muốn hỏi nếu là trường dân lập có 7 lớp thì các cô giáo có được xét và thi biên chế hay không?


guest
Thắc mắc cần được trả lời.
Ngày gửi: 11/15/2009 5:49:35 PM


Có nhiều câu hỏi hay mà ai là giáo viên mầm non cũng có cùng quan điểm sao không thấy sự phản hồi rõ ràng từ các bậc quản lý ở trên??????? đề nghị được giải quyết thật hiệu quả và hợp lý...



guest

Thời gian làm việc của GVMN
Ngày gửi: 4/24/2010 8:17:51 PM

Xin hỏi thông tư 71 căn cứ vào đâu để ban hành không thấy được nỗi vất vả gian truân của các cô giáo Mầm non. Chúng tôi vào nghề, yêu nghề nên chấp nhận tất cả những khó khăn của nghề mình yêu: áp lực lớn từ cha mẹ trẻ, không có đầy đủ thiết bị dạy học như các bậc học khác, phải tự bỏ tiền ra làm lấy( Nếu không làm thì lấy gì mà dạy cho các cháu đang ở giai đoạn tư duy trực quan hành động này)...Vây mà bây giờ lại bắt GV chúng tôi dạy 8 tiếng/ngày. Xin hỏi các vị chúng tôi sẽ làm thế nào đây? Thời gian đâu để chúng tôi soan giáo án, thời gian đâu để làm đồ dùng đồ chơi cho các cháu thân yêu của mình. Xã hội thì đòi hỏi chúng tôi phải yêu nghề hơn, phải hết lòng vì trẻ thơ, phải như " mẹ hiền...Trong khi chúng tôi còn không có cả thời gian để mà yêu chồng, yêu con của mình. Vậy mà các vị luôn hô hào Bậc học MN là nền tảng của GD quốc dân, sao nỡ dối xử với chúng tôi" những người xây nền tảng" như những cái máy thế. Thông tư 71 đã ra được 3 năm có những bất hợp lý cần sửa đổi.


guest
Bất hợp lý - Cần chỉnh sửa
Ngày gửi: 4/24/2010 8:35:18 PM


Trong thông tư 71 quy định giáo viên dạy 8 giờ/ngày là chưa hợp lý. GVMN ngoài việc phải chuẩn bị bài dạy, còn tốn rất nhiều thời gian để làm đồ dùng đồ chơi cho các cháu. Ở chỗ tôi thấy bất hợp lý nên PGD cũng lờ đi để các trường linh hoạt xử lý: GV nào dạy chính thì chỉ dạy1 buổi thôi, còn một buổi được về chuẩn bị bài dạy cho ngày hôm sau.Tuy vậy cũng là vi phạm quy định rồi. Chúng tôi mong Bộ GD-ĐT sớm xem xét lại thông tư 71 để điều chỉnh cho hợp lý , giúp chúng tôi không vi phạm quy định.Mà cũng là để tránh quan liêu do thông tư ra không sát tình hình thực tế ở cơ sở. Bộ nên cho cán bộ giúp việc xuống cơ sở để quan sát cường độ làm việc của GVMN trong một ngày xem sao và cũng nên đặt ra câu hỏi sao thiếu nhiều GVMN thế???( Ở chỗ tôi rất ít người có " can đảm" đi học SPMN)



guest

Giáo viên tỉnh Thanh Hóa
Ngày gửi: 11/18/2010 10:01:40 PM

Tôi là giáo viên mầm non đã 31 năm nhung đến nay chỉ được hưởng mức lương 820.000đ/ thang. Sau khi trừ bảo hiểm, hội phí công đoàn, thì tiền lương được nhận chỉ còn 575.000đ. Vậy tôi đề nghị nhà nước cần có chế độ đảm bảo đời sống cho chúng tôi, để chúng tôi đảm bảo việc dạy tốt.


guest
Hiệu trưởng độc đoán trong moi quyết định trong trường mầm non
Ngày gửi: 2/2/2011 2:04:06 PM


Tôi là một giáo viên MN đã đi dạy được 5 năm. Năm 2009 có lớp tại chức ĐH cho giáo viên MN tôi đã xin hiêu trưởng cho đi học những hiệu trưởng nhất định không cho đi. Tôi đã dự thi tuyển đầu vào và được đủ tiêu chuẩn học lớp tại chức ĐH MN đó. Tháng 3/2010 tôi đạt giáo viên giỏ cấp trường, đủ điều kiện dự thi hội thi giáo viên, nhân viên giỏi cấp huyện và tôi đã được giấy chứng nhận là giáo viên giỏi cấp huyện năm học 2009-2010. Khi lập danh sách xét duyệt giáo viên đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm 2009 - 2010 thì hiệu trưởng không cho tên tôi vào với lí do là tôi đã tự ý đi học đại học. Trong khi đó tôi đi học từ tháng 9/2009 đến 5/2010 tôi không nghỉ làm một giờ nào để đi học bởi vì lớp học đó chỉ học vào thứ 7 và chủ nhật hàng tuần. Đồng thời mọi cộng việc ở trường được giao tôi đều hoàn thành. Cuối năm học 2009 - 2010 tôi không được xếp loại thi đua với lí do hiêu trưởng nói là "vi phạm vào nội quy của cơ quan là tự ý đi học". Tôi xin hỏi việc tôi tham gia lớp học tại chức ĐH MN như vậy có gì ảnh hưởng đến công việc ở trường, đến quy định của pháp luật hay vi phạm đạo đức mà hiệu trưởng lại không đánh giá xếp loại cho tôi trong năm học này. Trong khi đó hiệu trưởng lại lập danh sách đề nghị xét cho 2 đồng chí khác đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở: một đồng chí thi giáo viên giỏi cấp huyện cùng tôi những không đạt; một đồng chí nữa sáng kiến kinh nghiệm gửi lên huyện nhưng không được xếp loaị. Khi danh sách gửi về trường đạt CSTĐ cấp cơ sở thì lại không có tên tôi mà lại có 2 đồng chí tôi vừa nêu ở trên. Bộ trưởng cho tôi hỏi như vậy thì do phòng GD-ĐT huyện đã làm đúng chưa?
Năm học 2010- 2011, tháng 11/2010 tôi đạt giáo viên giỏi cấp trường và đủ điều kiện để tham gia hội thi giáo viên giỏi cấp huỵện. Đồng chí Hiệu trường và hiệu phó giáo cho tôi dự thi giáo viên giỏi cấp huyện, tôi nói là thôi 2 cô để đồng chí khác thi để nếu họ được thì họ được hưởng công sức họ đã bỏ ra.... Nhưng BGH nói là đây là nhiệm vụ giao... Và tôi đã tham gia hội thi đó. Ngày 7/1/2011 tôi đã nhận được giấy chứng nhận là giáo viên giỏi cấp huyện năm 2010-2011. Ngày 28/1/2011 trường tôi có họp sơ kết kì I năm học 2010 - 2011, tôi vẫn không được đánh giá xếp loại với lí do hiệu trưởng nói là tự ý đi học là sai quy định của cơ quan trong khi đó đến ngày hôm này tôi vẫn không nghỉ một giờ làm nào ở trường để đi học. Tôi rất mong cấp trên giúp tôi giải đáp thắc mắc này.




guest

Phụ cấp chúc vụ
Ngày gửi: 2/19/2011 9:58:17 PM

Hiện nay tôi là hiệu phó trường mầm non hạng 2, phụ cấp chúc vụ được hưởng là 0,1 theo qui mới tổ trưởng chuyên môn được hưởng 0,15. Trong khi công việc chồng chất vì chỉ có 1 hiệu phó. Nhưng phụ cấp lại không bằng tổ trưởng như vậy có hợp lý không?


guest
Biên chế cho GVMN
Ngày gửi: 2/26/2011 10:09:09 AM


Tôi thấy như ở địa phương tôi, trường thiếu giáo viên thì vẫn thiếu, còn trường đủ rồi thì GV mới ra trường cũng vẫn đổ xô vào mà không biết chất lượng ra sao. Như chúng tôi công tác đã nhiều năm, phải phấn đấu nhiều mà lương không biết được bao nhiêu, trong khi GV mới vào cũng được hưởng mức lương tương đương như chúng tôi. Vậy mong BGD tổ chức thi biên chế như đã dự kiến.



guest

Biên chế cho GVMN.
Ngày gửi: 7/20/2011 8:34:05 PM

Tôi thấy như ở nhiều thành phố, huyện thị được xét biên chế, vậy mà chúng tôi cũng công tác đã nhiều năm,lại thuộc vùng sâu vùng xa,miền núi mà sao không được xét biên chế mà vẫn phải thi biên chế. Rất mong Bộ Giáo dục quan tâm vì quyền lợi của các chị em giáo viên mầm non xem xét tạo điều kiện cho chị em chỉ phải xét biên chế mà không phải thi.


guest
Thắc mắc không biết hỏi ai?
Ngày gửi: 7/23/2011 12:45:45 PM


Tôi là giáo viên mới ra trường nay tôi về địa phương mình dạy. Tôi muốn hỏi nếu tôi ký hợp đồng với huyện thì có phải 3 tháng đầu tôi thử việc không lương có đúng không?Sau 3 tháng thì tôi sẽ nhận mức lương như thế nào?



guest

Đem con bỏ chợ
Ngày gửi: 11/2/2011 11:25:54 PM

Tôi là nhân viên kế toán trong Trường mầm non hạng II đang là hợp đồng huyện vơi mức lương 670.000đ/tháng sau đó Huyện lai không hơp đồng nữa giao cho xã và trường giải quyết. Khi về xã lai giao cho trường bây giờ trường nuôi với mức lương là 350.000đ/tháng thì làm sao mà đủ chi trả tiền xăng xe chứ chưa nói là tiền công lao động trong khi đó ở trường Mầm non bao nhiêu là việc vừa lấy lương hàng tháng, tính khẩu phần ăn.... vậy với đồng lương như thế thi làm sao mà đủ sống, ở trường lại không có kinh phí vậy kêu ai bây giờ? Huyện đưa vào nuôi rồi bỏ con giữa chợ không biết làm sao, vi vậy tôi đề nghị với Phòng GD và sở nội tỉnh Thanh Hóa quan tâm vì quyền lợi của các chị em giáo viên nhân viên mầm non xem xét và tạo điều kiện giúp chị em biên chế mà không thì tìm biện pháp nào giải quyết cho chị em đỡ tủi than khổ.


guest
Cần chỉnh sửa
Ngày gửi: 11/14/2011 1:19:52 PM


theo thông tư số 48 năm 2011 của Bộ trưởng BGD & ĐT về chế độ làm việc của giáo viên mầm non tôi thấy hợp lý cho giáo viên. Nhưng với phó hiệu trưởng qui định trường loại 1 được phân bổ 2 hiệu phó. Nhưng trường tôi chỉ có một hiệu phó làm việc phải kiêm cả công việc của hiệu phó 2. Nay theo chính sách mới hiệu phó lại phải làm trưởng ban thanh tra. Hàng tháng làm các loại hồ sơ sổ sách, kế hoạch, dự giờ ít nhất 4 tiết, tổ chức thao, hội giảng, thanh tra giáo viên... quá nhiều việc như vậy mà theo tt hiệu phó lại phải trực tiếp thực hiện giáo dục 4 giờ/tuần. Vậy những việc hiệu phó kiêm nhiệm làm thêm trên có được hưởng chế độ thêm giờ không?



guest

Cần chỉnh sửa
Ngày gửi: 6/11/2012 10:18:56 AM

Hiện nay thông tư qui định 9 lớp nhóm mới được trường hạng 1 và có 2 hiệu phó phụ trách, nhưng hiện nay vì cơ sở vật chất thiếu thốn do vậy trường tôi có 420 học sinh trên 8 lớp nhóm, số lượng học sinh nếu tính theo điều lệ trường mầm non thi chia thành 12 lớp nhóm. là một hiệu trưởng quản lý 420 học sinh kiêm thêm cả công tác hiệu phó bán trú trách nhiệm và công việc có vất vả hơn nhiều song không có chế độ thì vẫn chỉ hưởng theo trường hạng 2; công tác kiêm nhiệm hiệu phó bán trú không có chế độ gì cả đây là sự thiệt thòi. của người quản lý đã làm công việc này 10 năm nay.
Về hiệu trưởng phải dạy 1 giờ / tuần dây có nghĩa là dự giờ bồi dưỡng GV, cấp dưỡng cũng là dạy do vậy các ý kiến trên không cần phải thắc mắc, nếu dạy rồi dự giờ theo qui định 1 học dự giáo viên 18 tiết trong đó trường 20 giáo viên hay nhiều hơn nữa....số tiết dự giờ rất nhiều và còn nhiều việc phải làm nữa chắc chắn rằng không có hiệu quả vì công việc quá nhiều.Đề nghị các bạn hãy hiểu nhé.



guest
kế toán, văn thư và các viên chức khác phải làm các công việc khác do hiệu trưởng phân công
Ngày gửi: 10/26/2012 9:32:27 PM


kế toán, văn thư và các viên chức khác phải làm các công việc khác do hiệu trưởng phân công là hoàn toàn không hợp lý, vì hiện nay chỉ có kế toán mới sử dụng máy vi tính thông thạo nên các báo cáo chuyên môn đều kế toán làm, các công việc không đúng chuyên môn chiếm khá nhiều thời gian như Emis, Pmis., các báo chuyên môn liên tục... mà thời gian làm việc cũng chỉ có 8 giờ, không có các khoản thừa giờ, trường Mầm non Bán trú công việc kế toán thủ quỹ chồng chất thu tiền trực tiếp từ phụ huynh để giáo viên có thời gian chăm sóc trẻ, đón trẻ, tính toán thu chi bán trú chiếm hết 1/2 số ngày làm việc trong tháng, vậy mà không có 1 khoảng tiền thừa giờ nào cả, vậy có công bằng không. Loại viên chức này càng biết nhiều càng khổ nhiều (vì phải làm theo yêu cầu của Hiệu trưởng)và càng không ngóc đầu lên được vì làm nhiều việc không còn thời gian tham gia phong trào, không viết sáng kiến kinh nghiệm, không đạt CSTĐ. Như vậy với viên chức này "làm theo năng lực nhưng không được hưởng theo lao động", cực khổ là thế mà xã hội không công nhận, có công bằng không



guest

Kế toán bán trú bao giờ mói được vô biên chế
Ngày gửi: 11/13/2012 4:22:43 PM

Học mấy năm ra trường xin được việc làm thì lại lo lắng không biết bao giờ mói được vô biên chế. Công việc kế toán bán trú cũng rất là vất vả làm đủ các loại sổ sách, chứng từ trong khi đó lương được hưởng thì lại rất ít trường trả cao thì còn được nhờ, trường trả thấp thì khổ, lương thì bị ép. Trong khi đó chờ đợi biên chế thì không biết tới bao giờ mới có chế độ. Học có bằng cấp đàng hoàng mà không được hưởng quyền lợi gì hết làm cứ ba tháng ký hợp đồng một lầm lương thì không tăng, bhxh thì không có làm sao yên tâm công tác được nỗi khổ biết kêu ai????


guest
Biên chế
Ngày gửi: 6/1/2013 10:56:45 PM


Lúc này đối với riêng cá nhân tôi và còn nhiều ngừoi khác cùng chung một hi vọng như tôi là cầu mong đợt xét tuyển biên chế năm 2013 - 2014 này giống như năm ngoái là 3 năm hoàn thành tốt nhiệm vụ và 3 năm đóng bảo hiểm vì như vây tôi và nhiều người khác mới có cơ hội được vào biên chế. Nếu năm nay không xét như vậy mà chỉ thi tuyển thiết nghĩ bản thân tôi nói riêng và và nhiều người khác sẽ không bao giờ " chạm tay được vào hai từ biên chế" Mặc dù tôi luôn là giáo viên giỏi cấp huyện trong nhiều năm chỉ vì tôi không đủ " điều kiện" và tôi nghĩ rằng sẽ rất nhiều người giống rơi vào hoàn cảnh của tôi. Do vậy tôi kính mong cấp trên sẽ đưa chỉ tiêu là xét dệt với tiêu chuẩn là 3 năm hoàn thành tốt nhiệm vụ và 3 năm đóng bảo hiểm.



guest

Buồn vì văn bản và hiểu văn bản
Ngày gửi: 7/4/2014 9:39:40 AM

Tôi có một ý kiến đóng góp chung cho các văn bản quy định chế độ làm việc và chế độ đãi ngộ cho giáo viên mầm non như sau:
1 là nếu quy định chế độ làm việc thì cần rõ ràng hơn VD: theo thông tư 48 quy định về chế độ làm việc cho giá viên mầm non mỗi giáo viên làm việc trức tiếp trên lớp 6 giờ/ ngày, 2 giờ còn lại do hiệu trưởng phân công câu này làm cho mỗi vùng miền, mỗi phòng, mỗi sở giáo dục hiểu một cách khác nhau, hay nói cách khác là họ cố tình lách luật, lách khe hở của văn bản để không trả đủ chế độ cho giáo viên; tôi có thể nêu một cách hiểu điển hình như sau:1 trường mầm non được biên chế 9 lớp và 18 giáo viên (2 giáo viên/ 1 lớp) trong trường hợp trường đó có 4 giáo viên nghỉ chế độ thai sản cùng 1 lúc vậy là
còn 14 giáo viên trực tiếp giảng dạy, mỗi giáo viên này làm việc 6 giờ/ ngày mỗi người còn dư 2 giờ (14x2= 28 giờ) số giờ này đủ bù cho (4x6 = 24 giờ của giáo viên nghỉ thai sản)vậy là trường đó không thiếu giáo viên không được thanh toán chế độ thêm giờ. Từ việc này dẫn đến những giáo viên mầm non khi có thai trở thành gánh nặng cho đơn vị, họ tự cảm thấy ái ngại vì mình mà mọi người phải vất vả, những người phải gánh cả công việc cho người khác mà không có thù lao cũng ấm ức... vậy nên chăng nhà nước cần quy định rõ 2 giờ còn lại là soạn và chuẩn bị bài, tổ chức các hoạt động ngoài giờ cho trẻ ... để khỏi bị hiểu lầm là 2 giờ đó vẫn phải đứng lớp cho người khác. Đó chỉ là một trong số vô vàn cách hiểu của các cấp giáo dục mà người bị thiệt thòi nhất lại là người lao động trực tiếp đo là giáo viên mầm non.
2 là: định mức lên lớp của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cũng phải roc ràng hơn: VD: hiệu trưởng lên lớp 2 giờ/ tuần; hiệu phó 4 giờ/ tuần. Nhưng có những đơn vị trường hạng 1 có 10 lớp với số trẻ là 245 học sinh bán trú chỉ có 1 hiệu phó vừa phụ trách chuyên môn vừa phụ trách mảng nuôi dưỡng (không có nhân viên kế toán) thì phó hiệu trưởng làm gì cong thời gian mà lên lớp, chuyên môn cũng vì thế mà hiệu trưởng phải tăng cường giúp phó hiệu trưởng thì mới hoàn thành được chưa nói đến việc làm phổ cập giáo dục ở vùng cao không biết mất bao nhiêu thời gian cho việc này. vậy nên chăng cần quy định rõ đối với những trường đủ biên chế quản lý theo quy định thì hiệu trưởng lên l lớp 2 giờ/ tuần, phỏ hiệu trưởng lên lớp 4 giờ trên tuần. Vì thực những người làm công tác quản lý đã từng là những giáo viên xuất sắc việc lên lớp với họ có gì là khó khăn đâu.
Tôi xin đóng góp 2 ý kiến nhỏ như vậy để các văn bản đều được hiểu rõ, hiểu đúng, tránh thiệt thòi cho người lao động.



guest
Đại học không được nâng bằng
Ngày gửi: 8/3/2014 10:36:05 PM


Kính gứi Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT Chúng tôi là những GVMN đời sông gặp nhiều khó khăn,nhưng chị em cũng cố gắng đi học thêm trước hết là nâng cao trình độ chuyên môn và sau nữa là mong được nâng lương theo bằng.Chúng tôi đã tốt nghiệp năm 2011 đến nay vẫn chưa được nâng bằng.Vậy chúng tôi Muốn hỏi Bộ trưởng như vậy có đúng không?



guest

Ban giám hiệu nhận 35% đứng lớp liệu có công bằng
Ngày gửi: 8/27/2014 11:33:08 AM

Thực tế chẳng có bAN GIÁM HIỆU NÀO XUỐNG ĐỨNG LỚP,MÀ VẬN NHẬN 35% PHỤ CẤP ĐỨNG LỚP,


guest
Tuyển biến chế nấu ăn trong trường mầm non
Ngày gửi: 9/8/2014 11:28:29 AM


Kính gửi Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT. Tôi nghi Bộ trưởng phải xem xét lại vấn đề tuyển dụng nhân viên nấu ăn trong trường Mâm Non. Phải tuyển những người có bằng có bằng cấp nấu ăn hay chứng chỉ để con em họ được ăn uống an toàn và hợp vệ sinh, cho thi tuyển công chức nấu ăn trong các trường Mâm Non



guest

Tuyển nhân viên nấu ăn chính thức trong trường MN
Ngày gửi: 9/8/2014 3:49:02 PM

Việc cho trẻ ăn bán trú ở trường rất quan trọng nên tuyển dụng những người có năng lực thực sự. Thế cho công bằng tôi thấy nhà bếp trong các trường Mầm Non toàn là những người anh em của HT, HP hoặc người người quen trong gia đình. Để đảm bảo tính công bằng cho dân chúng thì nên công bố thi tuyển nấu ăn trong tất cả các trường MN


guest
MAM NON
Ngày gửi: 9/8/2014 4:10:48 PM


ĐẢM BẢO CHẾ ĐỘ CHĂM SÓC SỨC KHỎE VÀ AN TOÀN VỆ SINH CHO TRẺ TRONG CÁC TRƯỜNG MẦM NON CẦN CÓ NGƯỜI NẤU ĂN CÓ BẰNG CẤP HỌC QUA TRƯỜNG LỚP.



guest

Cần chỉnh sửa thêm nghị định 71
Ngày gửi: 9/8/2014 4:12:52 PM

Nghị định 71 nên cho thêm việc tuyển viên chức cho ngành nấu ăn


guest
Tuyển biến chế nấu ăn trong trường mầm non
Ngày gửi: 9/8/2014 5:01:07 PM


Cần thi tuyển công chức nấu ăn cho các nhà trẻ mầm non



guest

Nỗi buồn cùng ai?
Ngày gửi: 10/16/2014 7:30:08 PM

Đối với giáo viên Đại học thì dạy 5 tuoi ,vậy ai có bằng DH cứ dạy 5 tuoi mãi , suốt đời là giáo vien không biết gì đến lớp 3, 4 tuổi ???. Mà trong lớp học SPMN ở độ tuổi tuổi nào cũng dạy được kể cả nhà trẻ ......?


guest
Y tế học đường bị bỏ rơi
Ngày gửi: 11/16/2014 3:14:12 PM


Là nhân viên ytề học đường trong trường mâm mon mà phải xuống nhà ăn làm việc từ 7h sáng đến 5h chiều một ngày tôi phải làm việc 10h .tối về mới được làm sổ sách ytế trong lúc đó lương tôi chỉ được nhận mỗi tháng 1500.000₫ biết kêu ai bây giờ .làm kiêm mà không được nhận lương kiêm .ytế tong đang còn bip xem thường.


Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Yêu cầu về bồi dưỡng giáo viên mầm non (21/3)
 Chỉ Thị Về chấn chỉnh, nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ ở các trường, lớp, cơ sở giáo dục mầm non tại TP.HCM (21/3)
 Quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non (21/3)
 Công văn V/v Tăng cường công tác quản lý chỉ đạo thực hiện chăm sóc sức khoẻ, đảm bảo an toàn cho trẻ trong các cơ sở Giáo dục mầm non. (14/12)
 Đảm bảo chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ các trường, nhóm lớp mầm non dân lập tư thục (30/10)
 V/v: Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ Năm học 2007- 2008 bậc học Mầm non (28/8)
 Về tham luận Hội thảo chuyển đổi loại hình cơ sở GDMN (14/6)
  Số 999/GDĐT - MN ( V/v kiểm tra cuối năm và họat động hè 2007 nghành GDMN.) (8/6)
 CV số 1707/ BGDĐT – GDTH, ngày 02 - 3 - 2007 (V/v: dạy chương trình của nước ngòai tại TPHCM) (17/4)
 Quy định V/v đánh giá các đề tài/ giải pháp dự thi sáng tạo KHKT TP.HCM năm 2006 (17/4)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i