Không ít lời than phiền từ các phụ huynh rằng khi bé bắt đầu đi học mẫu giáo (lớp Mầm – 3 tuổi, hoặc nhỏ hơn nữa: lớp Cơm thường, lớp Cơm nát) thì bé rất hay bị bệnh. Có bé mới đi học 1 tuần, bệnh - nghỉ một tuần – đi học lại dăm bảy ngày, lại bệnh, nghỉ nữa. Thậm chí có phụ huynh còn cho bé nghỉ hẳn 1 -2 tháng rồi mới đi học lại, nhưng vẫn không cải thiện được tình hình. Tại sao?
(ảnh sưu tầm)
Đã bao giờ bạn phải rời khỏi ngôi nhà quen thuộc của mình để đến ở một nơi mới mà mình hoàn toàn chưa biết gì về nó, với toàn những người xa lạ xung quanh ? Hãy tưởng tượng những khó khăn mà con bạn - một đứa bé mới 3 tuổi, thậm chí còn nhỏ hơn - phải vượt qua để thích nghi được: con đói, con khát nước, con muốn đi tiểu, con muốn ngồi bô, con nhớ mẹ, món đồ chơi yêu thích của con đâu rồi, con không ăn được món này … sao không ai giúp con ? Chưa hết đâu: sao mà có lắm bạn nhỏ như con vậy ? Ở nhà có bao giờ con bị giành đồ chơi đâu ? Con đang khóc đây mẹ ơi, sao mẹ không dỗ con…?
Thường thì mỗi lớp học có khoảng 15 – 30 bé với 2 cô giáo. Ở cái tuổi lần đầu đến trường này, có những bé tiêu tiểu còn chưa biết kêu hoặc không biết kêu ai, nên dù các cô hết sức tận tâm, có khi loay hoay liên tục với các bé, nhưng chắc chắn rằng vẫn có bé không kịp thời nhận được bàn tay chăm sóc của cô khi cần thiết. Hơn thế nữa, ở thời gian đầu mới đến trường, đối với bé cô giáo vẫn là người lạ. Từ gia đình nhỏ của mình - nơi mà hầu hết các “tín hiệu” bé phát ra đều có người thân đón nhận, bé bước vào một tập thể lớn với khoảng hai, ba mươi bé cùng “phát tín hiệu” mà chỉ có 2 cô giáo “thu tín hiệu” mà thôi, nên dĩ nhiên là sẽ có những tín hiệu không được hồi đáp.
Việc ăn uống ở trường cũng là một vấn đề lớn. Phần lớn trẻ em giai đoạn đầu đến lớp thường không chịu ăn hoặc ăn ít vì có quá nhiều thay đổi, từ món ăn, khẩu vị, cách cho ăn, thời gian dành cho bữa ăn cho đến môi trường xung quanh bữa ăn. Trong khi đó, khác với người lớn, trẻ em cần ăn để phát triển thể chất (phải tăng cân nặng, tăng chiều cao), cần ăn để cung cấp nguyên liệu và năng lượng cho quá trình hoàn chỉnh dần các cơ quan, các chức năng, hay nói đơn giản hơn: trẻ cần ăn để lớn lên và khỏe mạnh. Do đó, khi thể chất trẻ phát triển không tốt thì hệ thống bảo vệ cơ thể cũng không thể hoạt động tốt.
Đó là chuyện ăn, rồi còn chuyện ngủ: bé ngủ trưa như thế nào? Việc giữ bé đủ ấm khi trời lạnh và đủ thoáng mát khi trời nóng bức chắc không thể nào chu toàn cho từng bé một.
Môi trường sống của chúng ta hiện nay còn nhiều ô nhiễm, tỉ lệ mắc bệnh của trẻ em dưới 5 tuổi còn cao. Trong một lớp học vài chục bé thì ngày nào cũng có vài bé ho, sổ mũi cũng là chuyện thường gặp. Chỉ mới ho, sổ mũi thôi mà, chẳng lẽ bắt bé nghỉ học? Ba mẹ bận đi làm, bé nghỉ học ai trông chừng bé đây? phải tiếp tục đi học thôi! Thế là các bé vẫn cùng ăn, cùng chơi, cùng ngủ và cùng chia sẻ với nhau chút ít mầm bệnh! Dĩ nhiên đó chỉ là những mầm bệnh thông thường: cảm, ho, sổ mũi, tiêu chảy nhưng cũng không loại trừ đôi khi gặp phải đối thủ đáng gờm.
Để bảo vệ bé yêu, mẹ đã truyền cho bé một đội quân bảo vệ chống lại các tác nhân gây bệnh ngay từ trong bào thai (các loại kháng thể). Nhưng đội quân này cũng chỉ đủ để bảo vệ bé từ lúc mới sinh đến khoảng 6 tháng tuổi mà thôi! Bé cũng tự tạo quân đội riêng cho mình được đấy, nhưng phải sau 3 đến 5 tuổi thì đội quân này mới đủ số lượng và “kinh nghiệm chiến trường” để chứng tỏ năng lực bảo vệ. Vậy là trong khoảng từ 6 tháng tuổi cho đến khoảng 3 - 5 tuổi là lúc khả năng phòng thủ của bé yếu nhất, do đó hầu hết trẻ bệnh tập trung vào lứa tuổi này, mà 3 tuổi lại đúng là tuổi bé bắt đầu đi mẫu giáo!
Vậy là, vừa lạ chỗ, lạ người, vừa rơi từ hàng “sao” trong gia đình xuống hàng “cá mè một lứa” trong lớp nên tâm lý bé bất ổn, lại thiếu bàn tay chăm chút thân thuộc của gia đình, cộng thêm mối “giao lưu mầm bệnh” với bạn bè cùng lớp làm cho hệ thống tự bảo vệ vốn chưa hoàn chỉnh của bé bị lung lay đang kể. Lúc này thì tùy thuộc “nội lực” của từng bé mà bệnh xuất hiện thường xuyên hay thỉnh thoảng, bệnh hơi hơi hay đến mức phải nghỉ học.
Vì vậy thời điểm bé bắt đầu vào mẫu giáo thường là thời điểm khó khăn không chỉ cho bé mà còn khó khăn cho cả cha mẹ nữa. Cần phải chuẩn bị tâm lý không chỉ cho bé mà còn cho cả gia đình, biết được vì sao bé hay bệnh trong giai đoạn này để không hoang mang và tăng cường chăm sóc bé một cách hợp lý để tích cực giúp bé vượt qua khó khăn trong giai đoạn này.
( Theo Bibi.vn )