Dạy trẻ khả năng ước lượng.
ThS. Lê Thị Thanh Nga.
Trong cuộc sống đôi khi chúng ta gặp phải những trường hợp không cần thiết phải biết cách chính xác tổng số đối tượng, mà chỉ cần biết nó chừng khoảng bao nhiêu. Chẳng hạn để chuẩn bị cho một bữa tiệc lớn, chúng ta không thể xác định tổng số khách mời một cách chuẩn xác mà chỉ xách định một số lượng gần đúng; hoặc chúng ta chỉ có thể ước chừng số lượng người tham dự buổi triễn lãm tranh. Lúc này đòi hỏi chúng ta phải có khả năng ước lượng. Trên thực tế chúng ta còn gặp rất nhiều tình huống cần đến sự ước lượng: so sánh giá cả các mặt hàng; thay đổi số lượng thực phẩm trong các công thức chế biến thức ăn; xác định lộ trình tốt nhất khi lái xe; thẩm định lại kết quả tính toán của máy tính....
Cũng cần phân biệt giữa khả năng ước lượng và phán đoán. Khi đoán mình không cần phải tư duy xem thật sự sẽ phải có bao nhiêu, vì bất cứ một con số nào đó cũng có thể là kết quả của một sự phán đoán. Khi thực hiện việc ước lượng chúng ta cần phải tư duy một cách mạch lạc. Khả năng ước lượng chính xác là khả năng xác định số lượng hay kích thước của một vật nào đó một cách chính xác, nhanh chóng và hợp lý mà không cần phải đếm hoặc đo. Khả năng ước lượng thường bao gồm cả khả năng đếm và đo thông qua năng lực tri giác bằng mắt. Chẳng hạn nếu đưa cho trẻ một gói kẹo sô-cô-la N&M và đề nghị trẻ ước lượng xem gói kẹo có tất cả bao nhiêu cái, trẻ cói thể ước lượng tổng số dựa vào kích thước của một cái kẹo. Khả năng ước lượng cần được phát triển ở trẻ mầm non tuổi mầm non và củng cố khi vào phổ thông. Trẻ được trải nghiệm khả năng ước lượng và cần phải thực hiện việc ước lượng như thế nào sẽ giúp trẻ có thêm công cụ để giải quyết mọi vấn đề một cáh hợp lý hơn, trẻ trở nên tự tin hơn trong các tình huống, tiếp cận với các vấn đề bằng một cách thức tư duy độc đáo thay vì chỉ áp dụng các quy tắc và công thức một cách rời rạc.