Thế giới kỳ diệu của trò chơi giả bộ.
(Tiếp theo)
Tô Nhi A
Phụ huynh có thể tham gia chơi cùng trẻ?:
Mặc dù là người lớn, luôn suy nghĩ mọi việc theo tình hình thực tế và căn cứ trên thực tế, nhưng các vị phụ huynh hoàn toàn có thể tham gia vào trò chơi giả bộ của trẻ với những gợi ý sau:
• Cung cấp những đồ dùng cho trò chơi giả bộ của trẻ. Phụ huynh có thể cho trẻ những thùng giấy bìa cứng khổ lớn để trẻ làm “nhà” của mình. Các khối gỗ không có các cạnh nhọn, những bộ quần áo cũ, những vật dụng mà trẻ có thể làm vật trưng trưng trong trò chơi của mình. Với hành động đơn giản này, phụ huynh đã tạo cho trẻ xây dựng nhiều hình ảnh tưởng tượng và biến đổi sinh động trò choi giả bộ của mình.
• Bày tỏ sự đánh giá của mình với trẻ. Trẻ luôn muốn biết rằng cha mẹ có chấp nhận trò chơi tưởng tượng của chúng hay không? Vì thế, đừng ngần ngại nói cho trẻ nghe những suy nghĩ của bạn về trò chơi này, bạn đánh giá thế nào về óc sáng tạo của trẻ. Người lớn cần để ý đến kịch bản và cách diễn xuất của trẻ trong trò chơi, vì tất cả những biểu hiện của trẻ trong khi chơi cho ta thấy trẻ đã tiếp nhận được những gì từ cha mẹ, từ thế giới xung quanh. Cần dành một khoảng thời gian cùng chơi với bé: giúp bé xây dựng kịch bản, điều chỉnh những thông tin chưa chính xác trong kịch bản: cách xử sự, các tính huống cần mang tính giáo dục hơn - nhưng cần phải cẩn thận, nếu không bạn sẽ vô tình làm hỏng đời sống cảm xúc của trẻ.
• Nhập vai. Nếu trẻ yêu cầu bạn trở thành một khách hang trong kịch bản “ Bán hàng tạp hóa” thì bạn nên vui vẻ nhận lời. Đây chính là cơ hội để bạn cùng chia sẻ trí tưởng tượng với trẻ. Không có một biếu hiện tán thành nào mà bạn dành cho trẻ tốt hơn việc trở thành một vai phụ trong trò chơi của chúng. Lúc này tránh những đóng góp của bạn về kịch bản sẽ được trẻ dễ dàng chấp nhận nhất.
• Tránh can thiệp vào trò chơi của trẻ khi trẻ chưa yêu cầu. Đôi khi bạn thấy trẻ lẩm nhẩm điều gì đó hoặc “nói chuyện” với một người bạn không hiện hữu trước mặt chúng. Đừng vội vàng ngắt lời và tự nguyện “làm bạn” của bé lúc này. Một người bạn không có thật cũng không sao. Từ những “hoạt động giao tiếp” này kỹ năng ngôn ngữ của trẻ sẽ được phát triển kỹ năng xã hội. Trẻ tự mình xây dựng, xử lý những tình huống xã hội, đây chính là nền tảng vững chắc để trẻ tiếp nhận các mối quan hệ xã hội sau này và hình thành được tinh thần hợp tác trong cộng đồng của trẻ.
( Theo Thông tin khoa học giáo dục Mầm non)