Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Vịt bông dễ thương mẹ làm tặng bé


 

   Ai cũng muốn dành cho con mình những thú bông làm từ vải an toàn, mềm mại, sạch sẽ và tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng tự may được bằng vải tự chọn. Bạn hãy thử với một mẫu vịt bông đơn giản này nhé, làm thành công một lần là sẽ tự tin hơn nhiều đấy!


Bạn cần chuẩn bị những nguyên vật liệu như sau:

- Vải cotton màu vàng lông vịt, có họa tiết chấm bi nhạt cũng được, không nên chọn vải có họa tiết sắc nét vì nó sẽ làm mất hết đường nét của thú bông.
- Bông chần loại mỏng
- Vải dạ màu cam làm mỏ và chân, nếu không có vải dạ thì dùng vải thô dày cũng được.
- 2 chiếc cúc, kim, chỉ, kéo, máy khâu (nếu có)
- Phóng to mẫu bên làm mẫu giấy, trung bình mẫu vịt cao chừng 1 gang tay sẽ tiện cho bé "cắp nách" chú vịt bông đi chơi cùng!


Bước 1:


Áp mẫu giấy lên vải rồi cắt theo số lượng sau:
- 1 miếng ngang đầu (hình thoi nhỏ), 1 miếng ngang bụng (hình thoi lớn)
- 2 miếng thân: bạn gập đôi vải lại rồi áp mẫu giấy lên cắt để có hai miếng thân vịt đối xứng nhau
- 4 miếng cánh: bạn gập tư vải lại rồi áp mẫu giấy lên cắt để có 4 miếng cánh, cứ 2 miếng sẽ được may áp trái chiều làm 1 cánh. Nếu vải không đủ gập tư thì bạn có thể cắt riêng từng miếng ở từng góc vải, tuy nhiên bạn phải chú ý về việc hai cánh giống nhau về hình dạng nhưng lại trái chiều mặt vải, vì một bên là cánh trái, một bên là cánh phải.


Bước 2: May thân vịt:

   Áp mặt phải của miếng ngang đầu và miếng thân vịt thứ nhất vào với nhau tại phần trên đầu vịt, may trong khoảng giữa hai đầu mút của miếng ngang đầu, chừa lại 2cm ở mỗi đầu (trên hình là may giữa hai điểm đánh dấu màu xanh).
   Tương tự áp mặt phải của miếng ngang bụng và thân vịt vào với nhau tại phần dưới bụng vịt, may trong khoảng giữa hai đầu mút của miếng ngang bụng, chừa lại 2cm ở mỗi đầu (trên hình là may giữa hai điểm đánh dấu màu xanh).


   Áp mặt phải miếng thân vịt còn lại vào bên đối diện thân vịt chưa may, may liền một đường bao quanh thân vịt chừa 7cm phần đuôi không may để còn có khe hở nhồi bông.
   Đường may sẽ ráp miếng thân thứ hai vào các phần chưa may của miếng ngang đầu, miếng ngang bụng và những phần kế cạnh của hai miếng đó trên thân vịt thứ nhất.


   Dùng mũi kéo bấm các góc chữ V vào đường may, mỗi góc V cách nhau chừng 2cm, nhờ bấm góc như thế mà khi lộn phải chú vịt, vải sẽ không bị co kéo nhăn nhúm mà trơn mịn mượt mà. Bạn cẩn thận không bấm đứt đường chỉ may nhé, cùng đừng bấm cách xa đường chỉ quá vì nếu không sẽ mất tác dụng của góc bấm.


Bước 3: May cánh vịt:

   Áp 2 mặt phải của 2 miếng cánh vịt vào nhau, tương tự với 2 miếng cánh còn lại, bạn sẽ có hai cánh với mỗi cánh là 2 miếng vải trùng khít.

   Đặt mỗi cánh (gồm 2 lớp vải) lên miếng bông chần loại mỏng, rồi may theo vòng quanh cánh, chừa 3cm để tạo khe hở lộn phải cánh.


   Sau đó cắt bông chần theo đường viền vải của mỗi cánh. Sở dĩ bạn không cắt miếng bông chần theo hình cánh rồi xếp trùng khít nhau 3 lớp để may là vì bông chần dễ bai dão, lúc xếp chồng lên nhau có vẻ trùng khít nhưng khi may rất dễ xô lệch, bạn cứ may trước rồi cắt sau sẽ hạn chế được nhược điểm trên.

Dùng mũi kéo bấm góc chữ V trên đường may, các góc này cách nhau 1cm.


Bước 4: Nhồi bông:

   Lộn phải cánh, miết phẳng đường bao quanh rồi may đè một đường sát mép vòng quanh cánh. Từ bước 4 trở đi, bạn có thể thay mũi may bằng mũi khâu thưa với chỉ màu sợi to cho đậm chất handmade, thế nào mọi người cũng hỏi bé: "Mẹ con tự khâu chú vịt này cho con à?"
   Lộn phải thân vịt, nhồi bông từ khe hở để chừa, nhồi nhẹ nhàng và căng đều, sau đó khâu vắt phần khe hở nhồi bông cho kín lại, hoặc để đẹp hơn nữa bạn dùng cách khâu giấu chỉ - tham khảo cách khâu ở đây.


Bước 5: Làm chân vịt và mỏ vịt:

Dùng vải dạ màu cam cắt 2 miếng chân vịt và 2 miếng mỏ vịt.
   Nếu bạn không dùng vải dạ thì chân vịt cần cắt 4 miếng, có chừa thêm đường may để áp 2 miếng vào làm một rồi may viền xung quanh, chừa một khe nhỏ không may để lộn phải ra và may hoặc khâu đè một đường sát mép vòng quanh bàn chân vịt, như thế chân vịt sẽ không bị xổ sợi vải ra.


   Áp hai miếng mỏ vịt vào nhau rồi may hoặc khâu vòng quanh đường cung dài; đường cung ngắn không may để còn áp vào đầu vịt (tại vị trí mỏ vịt) để khâu ráp. Bạn không cần lộn phải mỏ vịt vì đường biên may/khâu sẽ tạo dáng bè ra tự nhiên của mỏ vịt. Khâu thường hay khâu vắt đều đẹp, nhớ ghim cho mỏ cân đối rồi mới khâu.


   Chân vịt cũng được may/khâu vài đường chia nhánh ngón chân, xỏ chỉ dài để đủ khâu đính luôn chân vịt vào thân vịt.


   Sau khi khâu hai chân vào bụng vịt bạn khâu hai hạt tròn làm mắt vịt, khâu đính hai cánh vào thân vịt, khâu đính cùng chiếc cúc trông rất dễ thương, nếu thích bạn có thể khâu cúc vào thân vịt còn phần cánh thì bấm và khâu một khuy để cài được cúc vào, như thế cánh có thể xoay quanh chiếc cúc một cách linh động:


   Chú vịt lũn chũn này đứng bằng phần bụng dưới phẳng phiu chứ không phải bằng chân vải mềm mỏng, nhưng như thế trông rất giống hình ảnh chú vịt lạch bạch ngoài thực tế đấy! Tùy theo sở thích mỗi bé mà mẹ làm vịt bông to để bé ôm vịt ngủ hoặc vịt bông nhỏ để cầm gọn trong lòng bàn tay hay vịt bông vừa vừa cho bé "cắp nách" người bạn thân yêu của mình cùng đi chơi!


   Chúc các mẹ thành công may chú vịt bông này nhé, sẽ còn nhiều mẫu thú bông làm từ vải mềm mại, an toàn và dễ thương dành cho các mẹ và bé nữa đấy!

Mai Anh, ảnh: sewlover - Theo MaskOnline