Sự tích cây Thì Là
Ngày xửa ngày xưa, cây cối trên trái đất đều chưa có tên gọi. Trời bèn gọi các cây lên để đặt cho mỗi loại cây một cái tên. Nghe tin đó, đám cây cối mừng lắm và mỗi loại đều cử một cây lên trời để nhận tên.
Lên đến trời, trên một bãi rộng, các cây to, nhỏ, cao, thấp đứng chen chúc nhau. Trời ngồi trên một gò cao, lần lượt đặt tên cho các cây to rồi đến cây nhỏ. Trời trỏ tay vào từng cây và đặt tên:
– Chú thì ta đặt tên cho là cây dừa;
– Chú thì ta đặt tên cho là cây cau;
– Chú thì đặt tên cho là cây mít;
– Chú thì tên là cây nhãn;
– Chú thì tên là cây hồng…
Trời nói mãi, mỏi cả mồm mà vẫn chưa hết.
Vì vậy, lúc đầu trời còn nói câu dài. Về sau, trời chỉ nói vắn tắt:
– Chú thì là cây cải;
– Chú là cây ớt;
– Chú là cây tỏi…
Cho đến cuối ngày, khi ông Trời đã mệt, có một nhành cây nho nhỏ hớt hơ hớt hải chạy đến, chỉ xin tên gì cũng được. Nhành cây đó xin lỗi ông Trời đã đến trễ, vì nó phải chăm sóc bà của nó đang bị bệnh. Ông Trời thấy lòng hiếu thảo của nó thì cảm động lắm nên không phạt nó, nhưng ông không thể nghĩ ra được tên gì khác, cho nên ông ngập ngừng:
– Tên của con là… thì là…thì là…
Nhành cây nghe vậy, mừng quá hét toáng lên:
– Ôi tôi có tên rồi ! Tôi là Thì Là!
Nó vui quá nên vội vàng cám ơn ông Trời rồi chạy nhanh về nhà khoe bà của nó, và để xem sức khỏe của bà. Nó nào biết đâu rằng chữ “thì là” không phải là tên ông Trời dự định đặt cho, mà là sự ngập ngừng chưa nghĩ ra được cái tên cho nó.
Từ đó, muôn loài gọi nó là cây Thì Là, hay là Thìa Là. Tuy rằng cái tên đó rất bình dân, nhưng không một loài nào dám chế diễu, bởi vì lòng hiếu thảo của nó đã hơn tất cả các loại cây khác rồi.
Sưu tầm