Thơ - Truyện - Đồng dao tự sáng tác
Câu đố theo chủ đề
Tiết dạy tham khảo
Hoạt động của bé
Đồ dùng đồ chơi
Hình cho in - download
Trò chơi phát triển
Thơ - truyện mới
Thơ truyện mầm non
  Nhà trẻ  
  Mầm  
  Chồi  
    
Môi trường mầm non

Nước trường sinh


Xưa có một ông vua ốm thập tử nhất sinh, ai cũng cho là không thể sống được nữa. Ba con trai thấy vậy, buồn lắm.

Một hôm, ba người đang đứng trong vườn khóc, thì thấy một ông cụ hiện đến hỏi vì sao mà buồn. Ba người thưa với cụ rằng vua cha ốm nặng thuốc nào cũng không chữa khỏi, thế nào cũng chết. Cụ nói:

- Lão biết một thứ nước trường sinh. Nếu nhà vua được nước ấy mà uống thì sẽ khỏi. Nhưng thứ nước ấy khó tìm lắm.

Người con cả nói:

- Nhất định tôi đi tìm cho bằng được.

Hoàng tử bèn đến xin phép vua đi tìm nước trường sinh, vì chỉ có nước ấy mới chữa được vua khỏi. Vua phán:

- Ta thà chết còn hơn để con phải nguy hiểm!

Nhưng Hoàng tử nằn nì mãi, vua cha cũng phải chấp thuận. Chàng nghĩ bụng: "Nếu ta lấy được nước này về, cha ta sẽ yêu ta nhất và sẽ nhường ngôi cho ta". Thế là chàng lên đường.

Chàng ruổi ngựa đi mãi và gặp một người lùn. Người đó hỏi chàng đi đâu mà vội thế. Chàng xẵng giọng đáp:

- Đồ lùn ngu xuẩn không việc gì đến mày!

Rồi chàng lại đi.

Ngươi lùn tức giận, phù phép hại chàng. Chàng đi vào khe núi rất hẹp, càng tiến sâu núi càng xiết chặt, không đi được nữa. Quay ngựa cũng không được, xuống yên cũng không xong, chàng đành ngồi nguyên chỗ. Ở nhà, vua cha mong đợi mãi mà không thấy con trở về.

Hoàng tử thứ hai lại tâu vua:

- Thưa cha, cha để con đi tìm nước trường sinh.

Chàng nghĩ bụng anh chết rồi thì bây giờ ngôi báu sẽ về mình. Trước vua không cho, nhưng sau cũng đành phải chiều ý con. Chàng cũng đi theo con đường của anh và cũng gặp người lùn. Người ấy cũng giữ chàng lại và hỏi chàng đi đâu mà vội vã thế? Chàng đáp:

- Đồ lùn oát con, không việc gì đến mày!

Rồi chàng đi thẳng, không ngoảnh cổ lại.

Người lùn cũng lại phù phép hại chàng. Cũng như anh, chàng lại đi vào khe núi, không tiến thoái được nữa. Đó là hình phạt đối với kẻ kiêu ngạo.

Thấy hai anh không về, Hoàng tử thứ ba cũng lại xin phép vua cha đi tìm nước trường sinh. Cuối cùng, vua cha đành để cho đi. Chàng cũng gặp người lùn và khi người ấy hỏi chàng đi đâu mà vội vã thế, thì chàng dừng ngựa lại, ôn tồn đáp:

- Cha tôi hấp hối, tôi đi tìm nước trường sinh.

Người lùn hỏi:

- Chàng có biết ở đâu không?

- Thưa không ạ.

- Vì chàng cư xử lễ độ, không kiêu căng như hai anh chàng nên ta mách chàng tìm nước trường sinh. Trong sân một tòa lâu đài bị phù phép, có một cái giếng phun nước trường sinh. Ta sẽ cho chàng một que sắt và hai cái bánh để giúp chàng vào. Chàng lấy que sắt đập ba cái vào cửa sắt thì cửa sẽ mở tung ra. Ở trong có hai con sư tử há mồm đứng rình. Chàng vứt cho mỗi con một cái bánh thì nó yên. Rồi mau mau đi lấy nước trường sinh trước khi chuông đánh
mười hai tiếng, vì nếu không thì cửa sập lại, chàng sẽ bị giam ở trong.

Hoàng tử cám ơn người lùn, lĩnh que và bánh rồi lên đường. Chàng đến nơi và thấy mọi việc xảy ra đúng như lời người lùn đã bảo. Chàng lấy que sắt đập ba cái thì cửa mở tung và sau khi ném bánh cho sư tử ăn, chàng vào lâu đài.

Chàng vào một phòng lớn trang hoàng rực rỡ, có những vị hoàng tử bị phù phép đang ngồi. Chàng tháo nhẫn đeo ở ngón tay các vị ấy và lấy một chiếc bánh và một thanh kiếm ở đó.
Trong một phòng khác, chàng gặp một nàng công chúa đẹp tuyệt vời. Khi trông thấy chàng, nàng mừng rỡ hôn chàng và bảo chàng biết rằng chàng đã giải thoát cho nàng khỏi phù phép.
Nàng hẹn chàng một năm nữa sẽ đến gặp nàng, bấy giờ sẽ làm lễ cưới, và nàng sẽ dâng ngôi cho chàng. Nàng trỏ cho chàng chỗ có nước trường sinh và khuyên chàng lấy cho mau trước khi nghe thấy chuông đánh mười hai tiếng.

Chàng đi nữa thì đến một phòng có một chiếc giường rất đẹp, mới trải khăn. Chàng đã mệt nhoài, nên muốn nghỉ một lúc. Chàng nằm xuống rồi ngủ mất. Chàng tỉnh dậy thì đồng hồ đánh mười một giờ ba khắc. Chàng vùng dậy, chạy đến giếng. Ở đó có một cái bình, chàng lấy cốc múc nước rồi vội vã ra về. Khi chàng đến cửa thì nghe thấy mười hai tiếng chuông, rồi cửa sập mạnh đến nỗi chàng mất một miếng gót chân.

Nhưng chàng đã lấy được nước thần rồi nên mừng lắm lên đường về. Chàng lại qua chỗ người lùn. Thấy chàng mang thanh kiếm và chiếc bánh, người ấy nói: "Chàng đã lấy được những bảo bối rất quí: kiếm có thể phá tan nhiều đạo quân, còn bánh thì ăn không bao giờ hết".

Nhưng Hoàng tử muốn các anh cùng về để trông thấy mặt cha, bèn nói:

- Bác lùn thân mến ơi, bác có biết bây giờ hai anh tôi ở đâu không? Hai anh tôi đi tìm nước trường sinh trước tôi mà chưa thấy về.

Người lùn nói:

- Ấy chỉ vì họ kiêu ngạo nên ta phù phép khiến họ bị kẹp giữa hai quả núi đấy.

Hoàng tử van lạy mãi, người ấy mới chịu tha cho hai anh, nhưng người ấy dặn chàng:

- Chàng phải đề phòng cẩn thận, họ xấu bụng lắm đấy.

Chàng gặp hai anh, vui mừng khôn xiết, kể cho hai anh biết chuyện mình tìm thấy nước trường sinh, lấy được một cốc đầy, giải thoát cho một nàng công chúa xinh đẹp; nàng sẽ đợi chàng một năm để cưới và dâng chàng ngôi báu.

Ba anh em cùng đi, đường về qua một nước đang bị cảnh chiến tranh đói kém. Vua nước đó cho là nhân dân cùng khổ thế thì phen này đến mất hết cơ đồ sự nghiệp. Hoàng tử đến yết kiến ông vua ấy, cho mượn chiếc bánh để toàn dân ăn no, thanh kiếm để dẹp tan quân giăc, nhân dân yên hưởng thái bình. Sau đó Hoàng tử lấy lại chiếc bánh và thanh kiếm,
rồi ba anh em lại lên đường. Ba anh em đi qua hai nước nữa cũng bị cảnh chiến tranh và
nạn đói. Hoàng tử cho vua các nước ấy mượn chiếc bánh và thanh kiếm, thế là cứu được ba nước.

Sau đó, ba anh em lên thuyền vượt biển về nước. Trong khi đi, hai ngươi anh bàn nhau: "Thằng út nó lấy được nước trường sinh về chứ không phải bọn ta. Cha sẽ cho nó nối ngôi,
còn chúng mình thì mất phần". Hai tên sinh lòng đố kỵ bàn mưu hãm hại em. Chúng chờ cho em ngủ thật say, rót nước trường sinh ở bình của em ra, đổ nước bể thay vào.

Tới nhà, Hoàng tử út vội lấy bình nước dâng cha uống cho khỏi bệnh. Vua vừa uống vài ngụm nước bể mặn chát thì bệnh lại tăng lên. Vua đang rền rĩ, thì hai con lớn đến tố cáo vu cho em mưu đầu độc cha. Chúng nói là chúng đã lấy được nước trường sinh thật mang về đưa cha. Cha vừa uống nước đó thì thấy khỏi bệnh ngay và lại khỏe như thời còn trẻ. Hai anh chế nhạo em:

- Chính mày đi lấy nước trường sinh về. Mày có công, còn chúng tao được hưởng. Lẽ ra mày phải khôn ngoan tỉnh táo hơn: khi qua bể, mày ngủ say, chúng tao lấy trộm của mày đấy. Sang năm, một trong chúng tao sẽ đến tìm công chúa đẹp kia. Nhưng mày khôn hồn thì đừng có nói lộ ra; cha chẳng tin mày đâu. Nếu mày hở ra một câu thì mày sẽ toi mạng. Muốn sống thì phải câm mồm.

Vua ngỡ là chính con út hại mình, nên tức giận, họp triều định quyết định xử bắn con một cách bí mật. Một thị vệ được phái đi săn cùng hoàng tử. Hoàng tử không nghi ngờ gì cả. Khi chỉ còn hai người trong rừng, Hoàng tử thấy y có vẻ buồn rầu, bèn hỏi:

- Sao ngươi có vẻ buồn thế?

- Kẻ bầy tôi không thể nói được.

- Ngươi cứ việc nói, ta lượng thứ cho.

- Trời ơi, hoàng thượng truyền cho kẻ hạ thần bắn Hoàng tử đấy.

Hoàng tử sợ hãi nói:

- Ngươi hãy để ta sống. Ngươi hãy mặc áo bào của ta để ta mặc áo của ngươi.

- Vâng, vâng, kẻ hạ thần không nỡ bắn hoàng tử.

Hai người đổi áo cho nhau. Người thị vệ về nhà, còn Hoàng tử trốn vào rừng.

Một thời gian sau, có ba xe tải nặng vàng ngọc đến cung vua tạ ơn hoàng tử thứ ba đã giúp ba ông vua thanh kiếm để dẹp giặc và chiếc bánh để cứu nhân dân khỏi chết đói.
Vua cha nghĩ: "Có lẽ con ta không có tội tình gì", rồi bảo quần thần:

- Ước gì con ta còn sống! Ta tiếc rằng đã sai giết nó.

Người thị vệ thưa:

- Tâu hoàng thượng, Hoàng tử còn sống. Kẻ hạ thần đã không đang tâm giết hoàng tử.

Rồi y kể đầu đuôi câu chuyện cho vua nghe. Lòng vua nhẹ hẳn đi. Ngài cho loan báo khắp các nước cho phép con về và hứa sẽ tha tội cho.

Trong khi đó công chúa đã sai làm trước cung điện của nàng một con đường lát vàng sáng nhoáng. Nàng dặn quần thần rằng ai cưỡi ngựa đi thẳng vào con đường ở giữa thì đúng là chồng thật, cứ để người ấy vào. Còn người nào đi bên cạnh mà vào thì không phải là người chồng thật, đừng cho vào.

Thời gian một năm sắp qua, Hoàng tử anh cả vội vã lên đường để đến nhận là mình đã cứu công chúa, hòng lấy công chúa và lên ngôi vua. Y ruổi ngựa đi. Tới trước cung điện, y thấy con đường lát vàng đẹp đẽ, nghĩ thầm: "Giẫm lên đó thì tiếc quá". Y bèn tránh cho
ngựa đi sang mé bên phải. Nhưng khi y đến cổng thì quân hầu bảo y không phải là người chồng mà công chúa chờ đợi, và không cho vào.

Liền ngay đó, Hoàng tử thứ hai đến. Ngựa vừa đặt chân lên con đường vàng thì y nghĩ là không nên làm hỏng con đường đẹp thế. Y cho ngựa đi sang bên trái. Khi y đến cổng, quân hầu bảo y không phải là người chồng mà công chúa chờ đợi, xin mời quay về ngay.

Thời gian một năm qua, Hoàng tử thứ ba ra khỏi rừng để đi tìm người yêu, mong tìm nguồn an ủi bên nàng. Chàng ra đi chỉ nghĩ đến nàng, tới gần cung điện mà cũng không để ý đến con đường lát vàng. Vì vậy chàng cho ngựa đi ngay giữa đường, tới cổng thì cửa mở toang.

Công chúa mừng rỡ đón chàng, nhận chàng là ân nhân và là chủ đất nước.

Lễ cưới linh đình. Sau đó, nàng báo cho chàng biết là vua cha đang gọi chàng về tha tội cho chàng. Chàng về cung, dự định sẽ tâu để vua biết là hai anh đã lừa chàng thế nào. Tuy vậy, chàng vẫn giữ kín chuyện.

Vua cha muốn làm tội hai người anh, nhưng họ đã xuống tàu vượt bể, không bao giờ về nữa.
Xitrum


 In Trang này   



Các bài viết khác:
 Nha sĩ của gia đình (09-10-2009)
 Chú cảnh sát giao thông (09-10-2009)
 Cô lao công (09-10-2009)
 Niềm vui nghề đánh cá (09-10-2009)
 Lời ru của mẹ (09-10-2009)
 Ru em ngủ (30-09-2009)
 Ba của con (30-09-2009)
 Chị Cả (30-09-2009)
 Bà bị ốm (30-09-2009)
 Mẹ là gió mát (30-09-2009)
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 ...