Yêu cầu cần đạt:
Trẻ hiểu cách thức tính giờ đơn giản của một chiếc đồng hồ. Phát triển kỹ năng quan sát, ghi nhớ, nhận xét và phát hiện hiện tượng. Củng cố kỹ năng đo, so sánh, sử dụng ký hiệu, chữ số.
Phương tiện:
Cọc gỗ 1m, dây đo, phấn, thẻ chữ số hoặc chữ số bằng nhựa.
Tiến hành:
Đầu tiên cô và trẻ sẽ phát hiện và chơi với cái bóng của mình trên sân. Có bạn có bóng, có bạn không.
GV : “Các con thử nhìn xem, đứng ở đâu thì có bóng nhỉ?”
T : “Đứng ngoài nắng”
GV : “Tại sao đứng ngoài nắng lại có bóng?”
T : “Vì ông mặt trời chiếu vào”
GV: “Bóng có dài hơn chúng mình không?”
T : “Có, bóng dài quá. Bóng của cô lại càng dài nữa”
GV: “Chúng mình có thích đo bóng không?”
Có thể cho 1 trẻ đứng, những trẻ khác đo bóng bằng bước chân của mình.
GV: “Hay lắm, hôm nay cô cùng các con sẽ tạo ra một cái đồng hồ đặc biệt để đo thời gian, nó được gọi là “đồng hồ bóng”
Trước hết chúng ta đóng 1 cái cọc ngoài nắng và các con nhìn xem: “Cái cọc có bóng không?”
GV: “Bây giờ 1 bạn sẽ lấy phấn vẽ theo độ dài của bóng cọc nhé”
Trẻ thực hiện.
GV: “Đây là độ dài của bóng cọc vào lúc này. Có ai biết bây giờ là mấy giờ rồi không? Chúng ta cùng đi hỏi nào.”
Sau đó cho trẻ viết thời gian hoặc gắn 1 thẻ số chỉ thời gian lên sân ở đầu độ dài của bóng cọc. Sau khoảng 1 tiếng cô trò lại ra đo lại , xác định và vẽ độ dài của bóng cọc và gắn lại 1 thẻ số chỉ thời gian lên đầu bóng.
Cô cho trẻ nhận xét chiều dài của chiếc bóng lúc này so với độ dài bóng cọc lúc đầu ra sân để trẻ thấy được sự thay đổi của thời gian qua sự thay đổi độ dài bóng cọc.
GV: “Bây giờ độ dài bóng cọc như thế nào nhỉ?”
Cô cho trẻ quan sát, nhận xét trong 1-2 buổi sáng sau đó cô có thể cho trẻ quan sát vào buổi chiều với hướng khác của bóng cọc.