Mang thai và sinh đẻ
Tài liệu > Góc mẹ > Mang thai và sinh đẻ
   Ngại đẻ

 

Kể từ khi có con, chị Nhung cảm thấy mình "nhàu nát, vô dụng vì chỉ quẩn quanh trong nhà" nên bàn với chồng sẽ không sinh thêm nữa.

Vợ chồng chị Nhung ở Nam Từ Liêm, Hà Nội kết hôn khi đã ngoài 30 và có con khá muộn. Khi mới chào đời, cậu con trai khóc suốt đêm khiến bà mẹ "nhìn vật gì trong nhà cũng tưởng sắp đổ" vì mất ngủ kéo dài, hoa mắt chóng mặt. Ba năm đầu, con đi viện nhiều hơn ở nhà buộc chị phải xin thôi chức trưởng phòng ở một trường đại học xuống làm nhân viên. Chồng chị là một doanh nhân bận rộn nên hầu như không phụ việc nhà.

Hiện tại, con đã học lớp hai, không còn ốm vặt, chị cũng chấm dứt cảnh phải xin đi muộn, về sớm. "Tôi như sống một cuộc đời khác. Vui vẻ với mọi người, không cáu gắt với chồng con. Cuối tuần nào cũng đi cà phê, đăng ký một khóa kỹ năng mình thích", Nhung nói. Khi chị chia sẻ quyết định chỉ sinh một con, chồng ủng hộ luôn.


Một trong những công dân 2021 đầu tiên của TP HCM chào đời tại Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh:Thư Anh.

Theo tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển xã hội, những cặp vợ chồng như chị Nhung ngày càng phổ biến. Thống kê năm 2020 của Vụ Quy mô dân số - Kế hoạch hóa gia đình, cho biết cả nước có 21 tỉnh, thành phố đang có mức sinh dưới hai con, chiếm 39% quy mô dân số. Trong đó, năm thành phố trực thuộc trung ương, đặc biệt TP HCM ở nhóm thấp nhất cả nước với mức sinh 1,39 con.

"Việc đẻ ít, đẻ thưa không phải vì các cặp vợ chồng ích kỷ mà do áp lực xã hội, áp lực kinh tế", bà Hồng nhận xét.

Chị Nguyễn Thu Quỳnh, 30 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội thấm thía hơn ai hết áp lực kinh tế của một gia đình đông con. "Thỉnh thoảng tôi vẫn mơ bị cô giáo gọi lên bảng vì chưa đóng học phí hay trận đòn của mẹ khi tôi đòi mua một chiếc váy mà bà không đủ tiền", chị kể về tuổi thơ trong một gia đình nghèo, đông anh chị em. Người phụ nữ này không muốn quá khứ lặp lại với con gái bốn tuổi.

Thu nhập hiện tại của gia đình chị mỗi tháng chỉ hơn 20 triệu đồng. Trong khi chi phí nuôi con một tháng khoảng 5 triệu đồng, trả nợ mua nhà 5 triệu đồng, tiền biếu nội ngoại 2 triệu đồng,..."Một bên là con nhỏ, một bên là cha mẹ già, tôi sợ không gồng được nếu có thêm con", Quỳnh nói.

Ngoài áp lực kinh tế hay nhu cầu hưởng thụ, hai năm Covid-19 tàn phá cũng phần nào khiến các cặp vợ chồng ngại đẻ. Một cuộc khảo sát từ Viện nghiên cứu chính sách Guttmacher ở New York cho thấy, 34% phụ nữ có chồng hoặc bạn trai ở Mỹ đã quyết định trì hoãn việc mang thai hoặc sinh ít con hơn vì lo lắng những tác động của Covid-19. Chuyên gia Hideo Kumano của Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life, Nhật Bản cũng có một nghiên cứu với kết quả tương tự.

Anh Hoàng Ngọc Hải (34 tuổi, ở quận 1, TP HCM) đang rơi vào cảnh ngộ này. Nghề hướng dẫn viên du lịch mất việc suốt hai năm qua khiến anh từ bỏ ý định sinh con thứ hai. Vợ Hải, một giáo viên tiếng Anh gồng gánh cả gia đình nhờ dạy online, nhưng thu nhập không đủ chi tiêu. Hai vợ chồng đã lạm vào khoản tiết kiệm. "Mới có một đứa con mà đôi lúc túng bí, vợ chồng còn cãi nhau vì tiền", anh nói.

Dịch bệnh càng giúp vợ chị Nguyễn Thanh Hòa (30 tuổi, ở TP HCM) củng cố niềm tin không có con là hợp lý. "Chúng tôi đã mua được nhà, có khoản phòng thân hơn 300 triệu đồng nhưng xác định kinh tế thật vững chắc mới đẻ", người phụ nữ kết hôn 5 năm trước, nói.

Bốn tháng thành phố giãn cách xã hội, vợ chồng chị không bị đứt thu nhập, không vướng bận con cái nên hạnh phúc khi được làm việc tại nhà. Trong khi đó, bạn bè họ hớt hải tìm mua bỉm sữa, thực phẩm cho con, căng thẳng vì vừa phải chăm con vừa lo kiếm thu nhập. Đặc biệt, Hòa thấy xót khi những đứa trẻ chỉ quẩn quanh trong bốn bức tường. "Sinh con ra mà mình căng thẳng, con đối mặt với đủ nguy cơ dịch bệnh, ô nhiễm không khí thì vui gì", chị lý giải.

Nhiều người ngại đẻ, mức sinh thấp hơn mức sinh thay thế cần thiết để duy trì dân số, trong khi chất lượng cuộc sống cải thiện giúp người cao tuổi sống thọ hơn, hệ quả là tình trạng già hóa dân số đang đe dọa sự ổn định của nhiều quốc gia.

Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, năm 2020 thế giới chỉ có hơn 33% dân số ở độ tuổi dưới 20, trong khi năm 1950 là 44%. Các nhà nhân khẩu học hiện dự đoán, vào nửa sau thế kỷ này hoặc có thể sớm hơn, dân số toàn cầu sẽ lần đầu tiên rơi vào tình trạng suy giảm liên tục.

Nhiều dấu hiệu của viễn cảnh đó đã xuất hiện. Một loạt phòng khám sản đã ngừng hoạt động ở Italy, trường học ở một số địa phương biến thành viện dưỡng lão. Những thành phố ma đang xuất hiện ở đông bắc Trung Quốc. Các trường đại học ở Hàn Quốc không thể tìm đủ sinh viên. Ở Đức, hàng trăm nghìn ngôi nhà đã bị san bằng, đất đai biến thành công viên. Tại Nhật Bản, tã dành cho người lớn bán chạy hơn tã cho trẻ sơ sinh.

Tốc độ già hóa dân số tại Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng. Ở các nước phát triển, quá trình chuyển đổi sang dân số già phải mất hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm, nhưng Việt Nam chỉ khoảng 17-20 năm. Dự báo đến 2050, Việt Nam sẽ trở thành "nước siêu già" với tỷ lệ người trên 65 tuổi chiếm 18%.

Theo các chuyên gia, tình trạng mức sinh thấp sẽ gây bất lợi cho cơ cấu nhân khẩu học và sự phát triển kinh tế xã hội trong tương lai. Giảm sinh sẽ tạo áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi, suy giảm về nguồn nhân lực đặc biệt là lao động trẻ. Sau này một đứa trẻ sẽ phải đối diện vấn đề cùng lúc chăm sóc hai bố mẹ và bốn ông bà nội, ngoại.

Dự báo sau năm 2035, cứ 4 người trong độ tuổi lao động phải gánh 3 người ngoài tuổi lao động.


Bà Nguyễn Thị Liệu (hơn 70 tuổi), chọn sống trong viện dưỡng lão ở Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội 6 năm nay, thay vì ra nước ngoài định cư cùng con gái. Ảnh:Phan Dương

Trước thực tế "ngại đẻ" của người dân, hai năm gần đây, Chính phủ đã thay đổi chính sách "khuyến khích sinh một hoặc hai con" sang "sinh đủ hai con". Thủ tướng đã phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030", trong đó khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi, sinh đủ hai con là lý tưởng nhất.

Dự thảo Đề cương Luật Dân số đang lấy ý kiến để trình Chính phủ, ưu tiên thực hiện các biện pháp khuyến khích vợ chồng sinh đủ hai con ở vùng có mức sinh thấp. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ một lần bằng tiền ít nhất tương đương một lần mức lương tối thiểu vùng khi phụ nữ sinh con thứ nhất; tương đương hai lần mức lương tối thiểu vùng khi sinh con thứ hai.

Anh Hoàng Ngọc Hải cho biết, kể cả khi dự thảo được thông qua, nếu thu nhập của hai vợ chồng vẫn bấp bênh, vẫn dừng lại ở một con. "Nuôi con là cả một hành trình dài, không phải đẻ ra là xong. Hơn nữa, để nuôi một đứa trẻ cần nhiều yếu tố, không chỉ tiền", anh nói.

Vợ chồng anh gửi tất cả tiền mừng đầy tháng, đầy năm, tiền mừng tuổi của con vào một tài khoản tiết kiệm, đủ 18 tuổi sẽ giao cho con. Ngoài ra, anh tính đóng bảo hiểm nhân thọ để về già không thành gánh nặng cho đứa trẻ.

Thay vì cho con một đứa em, chị Tuyết Nhung cho con nhiều kỹ năng nhất có thể. Hai vợ chồng cũng lập một quỹ riêng để vào viện dưỡng lão sống.

"Chúng tôi xác định ngay từ đầu là sẽ không dựa vào con khi về già, sau này đỡ thất vọng", chị nói.

Tên một số nhân vật đã thay đổi.

Nguồn VNE

 

 
 In Trang này    Chia sẻ lên Facebook  Email Trang này

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Thời điểm tiêm vaccine phòng cúm cho thai phụ (6/11)
 Làm sao để mang thai an toàn sau sẩy? (6/11)
 Đi tiểu ra máu khi mang thai (6/11)
 Chế độ ăn cho bà bầu bị đái tháo đường thai kỳ (6/11)
 Mẹ mắc bệnh gì không nên cho con bú? (6/11)
 Không phải mê tín, có sự khác biệt rất lớn khi sản phụ sinh con vào buổi sáng và buổi tối (6/11)
 Mẹ bỉm sợ hãi, tự ti vì bụng vừa đen vừa xổ, rạn ngứa gây đau đớn sau sinh đôi 2 con trai (6/11)
 "Đi bộ cho dễ sinh nở" là điều bà bầu nào cũng được thế hệ trước truyền lại, nhưng có 3 trường hợp không nên làm theo nhé (6/11)
 Sự ra đời của đứa trẻ có làm tình cảm vợ chồng phai nhạt? Phụ nữ khôn khéo làm được điều này, gia đình chỉ càng hạnh phúc hơn (28/10)
 Ra máu lúc mang thai 3 tháng đầu (28/10)
 Làm gì khi có thai ngay sau tiêm vaccine Covid-19? (28/10)
 Phụ nữ mang thai mắc Covid-19 sẽ thế nào? (28/10)
 Lưu ý khi dùng thực phẩm trong 3 tháng đầu thai kỳ (17/10)
 Sữa hạt có tốt trong thai kỳ? (17/10)
 Tiêm vaccine Covid-19 có ảnh hưởng điều trị hiếm muộn? (17/10)
 Có nên xét nghiệm chất lượng phôi? (17/10)
 Bất thường tinh trùng khó thụ thai (17/10)
 Chuyên gia giải đáp 8 câu hỏi thường gặp của sản phụ khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 (17/10)
 Nghiên cứu của Canada: Bà bầu ốm nghén càng nặng càng ảnh hưởng tới trí thông minh của trẻ (4/10)
 Nỗi sợ kinh hoàng của các mẹ bầu sắp vượt cạn (29/9)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i