Giáo dục trẻ
Tài liệu > Góc mẹ > Giáo dục trẻ
   Khi trẻ con thành nơi 'xả' của cha mẹ

 

Hai cô bé bị đuổi khỏi nhà giữa lúc thành phố giãn cách, một cậu bé bị mắng lúc 2h sáng, không ít trẻ khác bị đánh đập khi cha mẹ chúng bức bối cần phải "xả".

Trong ba tháng gần đây, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, ghi nhận số cuộc gọi tăng kỷ lục với 48.200 cuộc trong tháng 7, 50.800 cuộc trong tháng 8 và 46.800 cuộc tháng 9, gần gấp đôi bình thường. Nội dung các cuộc gọi xoay quanh chủ đề chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho trẻ em và xuất hiện thêm các cuộc gọi tư vấn chính sách Covid-19.

"Đặc biệt trong quan hệ cha mẹ và con cái, chúng tôi ghi nhận sự gia tăng phản ánh về tình trạng cha mẹ quát mắng, đánh đập, kiểm soát con", bà Lê Thị Thảo, Phó trưởng phòng Tổng đài 111 cho biết.

Tổng đài viên Phạm Việt Hồng đang tư vấn cho một ca, chiều 21/10 tại văn phòng Hà Nội. Chị Hồng gắn bó với công việc tổng đài viên của đường dây Tổng đài quốc gia 111 được 12 năm. Ảnh: Phan Dương.

Báo cáo từ các quốc gia đang bị ảnh hưởng bởi Covid-19 của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF mới đây cũng cho thấy, tình trạng hạn chế đi lại, giãn cách xã hội và những biện pháp ngăn chặn bệnh dịch khác, đi kèm với áp lực kinh tế tăng lên đối với các gia đình dẫn đến bạo lực tăng lên, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em gái. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, bạo lực gia đình tăng từ 30% đến 300%.

Hơn một tháng trước, lúc 2h sáng, Tổng đài 111 nhận được cuộc gọi từ một người dân ở Đông Anh, Hà Nội thông báo gia đình hàng xóm đang bạo hành đứa trẻ học lớp 3, bé khóc lâu chưa nín. Tổng đài viên Phạm Việt Hồng trực ca, liền kết nối với công an khu vực để đến hiện trường. Sau khoảng 40 phút, công an thông báo "ngôi nhà im lìm, đã tắt điện đi ngủ".

Ngày hôm sau, chị Hồng liên hệ cán bộ tại phường cùng đoàn công tác đến làm việc với gia đình. Phụ huynh giải thích do giãn cách không kiếm ra tiền, ở nhà nhiều nên vợ chồng mâu thuẫn, kiểm tra bài vở con thấy chểnh mảng nên la mắng. "Họ nói chỉ dọa chứ không đánh, cháu sợ nên khóc", chị Hồng kể. Phụ huynh này đã làm bản cam kết không tái phạm, đồng thời cán bộ xã phường tiếp tục theo dõi trường hợp.

Cũng vì bức bối trong thời gian dịch, một bà mẹ ở quận Thanh Xuân đuổi hai con 9 và 6 tuổi ra khỏi nhà. "Hai bé đi bộ ra đến chốt kiểm dịch đầu ngõ không được cho đi tiếp nên quay về. Người mẹ tiếp tục đuổi. Lần này bé mượn điện thoại của cán bộ chốt kiểm dịch gọi cho bố", tổng đài viên Việt Hồng kể.

Bố mẹ hai bé đã ly hôn vài năm trước và hiện đều đã đi bước nữa. Nhận được điện thoại của con gái, người bố đang sống Đà Nẵng, đã gọi lên tổng đài cầu cứu.

Khi đoàn cán bộ địa phương đến làm việc, người mẹ cho biết chị và dượng vẫn chăm sóc tốt các con. Sự việc xảy ra chỉ là "lời nói trong lúc tức giận". Tuy nhiên, bố các bé phản đối, đồng thời đưa ra bằng chứng. Cuối cùng, người mẹ thừa nhận hôm đó nóng giận đã đuổi hai bé đi. Chị cũng chia sẻ áp lực chăm con nhỏ mới sinh khiến chị lơ là quan tâm hai con lớn thời gian qua và thêm bức xúc vì không nhận được trợ cấp nuôi con từ bố hai bé.

Gia đình bình thường là chốn về bình yên để bảo vệ trẻ, nhưng khi trường học đóng cửa, một số ngôi nhà trở thành nơi ngược đãi trẻ. Nhiều em không chỉ bị bạo lực bằng lời nói mà còn cả đánh đập.

Gần đây Tổng đài nhận cuộc gọi cầu cứu của bác một bé gái ở Thanh Hóa. Cô bé lớp 5, đang được hai bác cưu mang. Mẹ cháu sau nhiều lần bị bố bạo hành đã bỏ đi. Người cha mất việc chìm trong rượu chè, không còn ai trút giận nên thường xuyên trút lên con. "Bé đang học bên nhà tôi bị bố bất ngờ tiến lại tát vào mặt, vào đầu", người bác kể.

Gia đình đã làm việc với chính quyền địa phương can thiệp nhưng không có kết quả. Hiện cán bộ tổng đài tiếp tục làm việc với chính quyền địa phương để can thiệp bảo vệ bé.

Sự phức tạp của đợt dịch lần thứ 4 đã đẩy tình trạng thất nghiệp lên mức cao nhất trong gần 2 năm bùng phát Covid-19, khiến hàng triệu gia đình Việt bị ảnh hưởng. Trong số hơn 69.000 người lao động được VnExpress cùng Ban IV khảo sát hồi tháng 8, có tới 50% người chỉ đủ tiền trang trải cuộc sống trong một tháng.

"Thảm họa kinh tế của đại dịch trực tiếp gây ra mức độ căng thẳng của các bậc phụ huynh và người gánh chịu cuối cùng lại là những đứa trẻ", bà Thảo nhận định.


Covid-19 đã khiến nhiều đứa trẻ phải ở trong nhà thời gian dài, gây ra nhiều vấn đề sức khỏe và tinh thần cho trẻ. Ảnh: Phan Dương

Chuyên gia tâm lý Hồng Hương, Thường trực Thư viện Lưu trú thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, cho rằng nguyên nhân thực sự của vấn nạn ngược đãi trẻ em là do người lớn chưa bao giờ nghiêm túc học cách quản lý "rác tinh thần". Đại dịch như một mảnh đất màu mỡ để phụ huynh "xả rác" và điều tệ hại là không ai hướng dẫn họ, huấn luyện họ phải xả vào đâu cho đúng, nên theo bản năng sinh tồn họ sẽ xả vào những người yếu thế hơn.

"Chẳng gì an toàn hơn là xả rác vào những đứa trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ. Chúng không biết phản kháng, chúng thất thủ hoàn toàn", nhà tâm lý phân tích và nhận thấy trong hầu hết trường hợp, sau khi trút hết "rác" lên con, phụ huynh thấy ân hận, muốn bù đắp cho con, nhưng rồi sau đó mọi việc lại tái diễn.

Trong thời gian dịch, chuyên gia tâm lý Kim Thành (Hà Nội) cũng nhận được nhiều cuộc gọi của phụ huynh và con trẻ. "Có ngày tôi nhận được ba cuộc gọi từ ba người mẹ khóc nức nở, nói rằng quá mệt mỏi và bất lực vì con không nghe lời và chỉ muốn chết cho xong", nhà tâm lý kể.

Theo bà Thành, nếu trong tâm trạng tốt, không đến mức khiến người mẹ phải "tìm đến cái chết". Nhưng trong bối cảnh dịch thì một chuyện nhỏ như con không nghe lời cũng như đổ thêm dầu vào lửa, làm cảm xúc tiêu cực bùng lên, chỉ muốn đánh mắng con và thậm chí là hủy hoại chính mình.

"Trong trường hợp cơn giận bùng lên, cha mẹ cần ngay lập tức đi lấy một cốc nước uống cho hạ hỏa, hít thở sau để điều hòa khí trong người và chuyển sang làm những việc khác mình thích để chuyển hướng suy nghĩ. Chỉ dạy con khi bình tĩnh", bà Thành khuyên.

Theo chuyên gia tâm lý Hồng Hương, để giảm thiểu tình trạng "xả rác" lên con, từ phía cộng đồng cần tăng cường tuyên truyền và giáo dục các bậc phụ huynh trong kỹ năng chăm sóc và bảo vệ trẻ em đúng cách.

Từ phía phụ huynh, đã quyết định sinh con, ngoài nuôi dưỡng về mặt thể chất nên ý thức về cả vấn để sức khỏe tinh thần cho con. Tổn thương về tinh thần thời thơ ấu có thể gây những lệch lạc trong tư duy và lối sống khi con trẻ trưởng thành và để chữa lành mất rất nhiều thời gian, có những tổn thương không thể chữa lành.

Phụ huynh nên hỗ trợ con phát triển cách thể hiện những hành động yêu thương. "Một khi trẻ sở hữu lối sống chủ động và biết thể hiện tình yêu thương thì cha mẹ dù có bực bội cũng không thể cáu kỉnh trước những hành động đáng yêu của con trẻ", chuyên gia nói.

Cha mẹ nên tập luyện quản lý cảm xúc theo nguyên tắc 25/60, tức cứ mỗi 25 phút hãy dành "phút lặng" để quay về chính mình xem mình đang làm những hành động gì; cứ mỗi 60 phút dành "phút lặng" hỏi cảm xúc của mình đang như thế nào. Nếu bạn đang khó chịu, nổi nóng... thì đó là dấu hiệu cần nghỉ ngơi ngay lập tức. Hãy tìm cách giải tỏa cảm xúc để không gây ảnh hưởng tiêu cực cho người khác.

"Phương pháp này 90% đạt hiệu quả cao và bền vững không chỉ trong vấn đề ứng xử với con mà cho các mối quan hệ khác, tuy nhiên cần nghiêm túc tập luyện", chuyên gia tâm lý Hồng Hương khuyên.

Nguồn VNE

 
 In Trang này    Chia sẻ lên Facebook  Email Trang này

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Đừng trách con mặc cảm, hèn nhát hay tham tiền! Nếu không có quan niệm nghèo nàn này của phụ huynh, đứa trẻ sẽ không trở nên như vậy (28/10)
 Phương pháp nuôi dạy con nổi tiếng từ chuyên gia bố mẹ nên biết (28/10)
 Bài toán khó nhất của mọi phụ huynh thời hiện đại chắc chắn là “làm bố mẹ một cách ôn hoà”: Yêu nhưng không được cho roi vọt! (17/10)
 8 sai lầm nuôi dạy con ai cũng mắc (17/10)
 7 hành động của cha mẹ đẩy con ra xa (17/10)
 Băn khoăn của phụ huynh về thời điểm mở cửa trường học (17/10)
 Tại sao kỷ luật lại tốt cho trẻ (17/10)
 4 việc bố nên làm cùng trẻ (29/9)
 Không cần ra lệnh và quát mắng mà con vẫn nghe lời, bố mẹ đã thử chưa? (29/9)
 Chuyên gia giáo dục: Trẻ mặc cảm, tự ti thường hay nói 4 câu này (29/9)
 Nếu con cái được nuôi dưỡng bởi 4 kiểu người mẹ này, tương lai sẽ trở nên xuất sắc (17/9)
 10 cách giúp con lớp 1 học trực tuyến hiệu quả (5/9)
 Muốn con tự lập, mẹ nhất định phải nhớ điều này (5/9)
 Làm theo những bước này, cha mẹ sẽ yên tâm để con tự học (5/9)
 Những sai lầm thường thấy của cha mẹ khiến việc học online của con kém hiệu quả (5/9)
 Các trường dạy online thế nào cho học sinh tiểu học? (28/8)
 Bốn cách giúp trẻ gỡ bỏ lo lắng khi trở lại trường (28/8)
 3 dấu hiệu chỉ cần nhìn thoáng qua cũng đã có thể nhận ra trẻ đang thiếu thốn tình cảm (15/8)
 Sự khác biệt giữa những đứa trẻ thường xuyên bị la mắng và không bị la mắng, bố mẹ cần chú ý (4/8)
 Muốn con có tinh thần tự giác đọc sách từ khi còn nhỏ, bố mẹ chỉ cần dành 10 phút mỗi tối để làm việc này cùng con là đủ (4/8)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i