Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giáo dục song ngữ cho học sinh mầm non và tiểu học ở các vùng dân tộc thiểu số


Việc giáo viên và học sinh sử dụng tiếng dân tộc và ngôn ngữ phổ thông thành thạo sẽ đem lại hiệu quả trong giảng dạy và học tập tại các vùng dân tộc thiểu số…

Chiều 6/6, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục-Đào tạo tổ chức hội thảo “Nghiên cứu thực hành giáo dục song ngữ” cho học sinh mầm non và tiểu học ở các vùng dân tộc thiểu số.

Hiện nay, cả nước có 11.190 trường mầm non và 3.200 trường tiểu học. Tại các vùng dân tộc, số lượng trường mầm non và tiểu học rất ít (chỉ khoảng 10% số trường mầm non và tiểu học trong cả nước). Việc giảng dạy và học tập bằng tiếng dân tộc đang gặp phải một số khó khăn như: Giáo viên không nói rõ tiếng dân tộc, học sinh không nói rõ tiếng Việt. Điều này dẫn đến tình trạng giảng dạy và học tập tại những nơi này còn hạn chế. Chính vì vậy, nâng cao chất lượng giáo dục ở các vùng dân tộc thiểu số đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của ngành Giáo dục.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Đặng Huỳnh Mai cho biết: Song song với triển khai chương trình và sách giáo khoa mới thống nhất trong cả nước thì Bộ Giáo dục-Đào tạo đang áp dụng một số biện pháp tăng cường giáo dục tiếng Việt cho 
học sinh các dân tộc như: Chương trình làm quen với tiếng Việt ở mẫu giáo, xây dựng tài liệu "Hướng dẫn dạy tập nói tiếng Việt" cho trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 và "Hướng dẫn dạy tăng cường tiếng Việt" trong các môn Toán, Tiếng Việt Tự nhiên - Xã hội. Các chương trình này có thể thực hiện theo hình thức: Dạy nói trước dạy đọc và viết sau.

Ông Siu H’Noan, Chuyên viên Ban nghiên cứu dân tộc, Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Gia Lai cho biết: Việc có chương trình và sách giáo khoa chưa đủ để giúp học sinh học tập tốt hơn mà cũng cần phải có đội ngũ giáo viên đọc thông, viết thạo, nói lưu loát tiếng dân tộc. Vì thế, cần đào tạo giáo viên nói tiếng dân tộc lưu loát để thuận tiện hơn trong việc giao tiếp với học sinh.

Tại hội hội thảo, nhiều cán bộ giáo dục đã đưa ra cách thức giải quyết mối quan hệ giữa tiếng dân tộc thiểu số và ngôn ngữ phổ thông trong khu vực.  Đó là soạn thảo những chương trình học tập sử dụng cả tiếng dân tộc và ngôn ngữ phổ thông…/.

                          ( Theo VOV )