Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Góp ý về chương trình chăm sóc, giáo dục mầm non mới


Năm học 2006-2007, chương trình chăm sóc, giáo dục mầm non mới của Bộ GD-ĐT được triển khai tại 30 trường mầm non Hà Nội. Sau gần 2 năm thí điểm, dù đã thể hiện nhiều ưu điểm, song đợt khảo sát vừa qua của bộ đã cho thấy vẫn còn đôi điều băn khoăn.

Theo ý kiến chung của các cô giáo, trong chương trình có một số thuật ngữ chưa gần gũi, thậm chí khó hiểu, khó truyền đạt, như “khám phá khoa học”... Thực tế, “tìm hiểu môi trường xung quanh” và hoạt động “khám phá khoa học” có nội dung gần như nhau, nên để như cách gọi trước đây. Hoặc cách đặt tên cho hoạt động: “hoạt động có chủ đích” chưa phù hợp. Vì mọi hoạt động trong ngày của cô và trò đều có chủ đích, không có cái nào là “vô đích” cả, nên chăng vẫn dùng là “hoạt động chung”.

Trong 5 lĩnh vực phát triển của trẻ, gồm: phát triển thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm xã hội, thẩm mỹ, lĩnh vực nào cũng có những hoạt động đặc thù tổ chức ở các hoạt động chủ đích. Song riêng lĩnh vực phát triển tình cảm xã hội là không có. Giáo viên chỉ xây dựng các nội dung thuộc lĩnh vực đó ở hoạt động vui chơi (hoạt động góc). Trong tài liệu có gợi ý một số hoạt động tổ chức thực hiện, nhưng nên đưa vào hoạt động tạo hình (lĩnh vực phát triển thẩm mỹ) thì hợp lý hơn. Bởi nó được thực hiện chủ yếu bằng các kỹ năng tạo hình. Ví dụ: làm quà sinh nhật tặng người thân, làm quà nhân dịp Noel…

 Vì là chương trình thí điểm, để giúp cơ sở thực hiện có hiệu quả hơn, đề nghị: Ban soạn thảo chương trình cần xây dựng các bài tập khảo sát và tiến hành khảo sát 5 lĩnh vực phát triển của trẻ với từng độ tuổi để đánh giá chính xác sự phát triển của trẻ ở từng giai đoạn. Từ đó điều chỉnh các hoạt động cho phù hợp. Đồng thời, cần bổ sung những tài liệu hướng dẫn việc thực hiện chương trình của cô và sách cho trẻ. Đó có thể là những bài tập phát triển các lĩnh vực qua tranh, hình, những câu chuyện minh họa.

Việc nhận biết cái đẹp, hướng tới cái đẹp và làm theo cái đẹp đã hình thành ở trẻ từ rất sớm nên cần bổ sung mục tiêu phát triển thẩm mỹ với trẻ nhà trẻ, đặc biệt là hoạt động giáo dục âm nhạc. Nuôi dưỡng những tâm hồn biết cảm nhận, yêu và làm theo cái đẹp, cái thiện - cũng chính là giúp trẻ phát triển hoàn thiện.

                                ( Theo Hà Nội Mới )