Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Ngành giáo dục quận Ninh Kiều: Những tín hiệu lạc quan


 
 Giờ hoạt động chiều của các cháu lớp mầm
Trường MN Anh Đào.
Nằm gần cuối góc đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, Trường Mầm non (MN) Anh Đào khá khang trang, sạch đẹp. Vào giờ hoạt động chiều, các cháu thuộc nhóm trẻ 25-36 tháng tuổi chăm chú sắp hình ngôi nhà, bày vật dụng nấu ăn... Cô Hồ Thu Trang, Hiệu trưởng Trường MN Anh Đào, giới thiệu: “Trường mới được thành lập hơn một năm nay, còn gặp không ít khó khăn. Nhờ sự đồng lòng vượt khó của cán bộ, giáo viên và sự hỗ trợ của ngành giáo dục, hoạt động của trường dần đi vào nề nếp. Tập thể cán bộ giáo viên luôn xác định chất lượng nuôi dạy trẻ là yếu tố nâng cao uy tín của nhà trường”.

Tại Hội nghị cán bộ viên chức đầu năm học 2006-2007, Ban Giám hiệu Trường MN Anh Đào đã triển khai một số tiêu chuẩn thi đua, như: ứng dụng phương pháp nuôi dạy mới, chăm sóc trẻ tốt... Ban Giám hiệu trường khẳng định phải thực hiện nghiêm qui chế kiểm tra, đánh giá giáo viên, học sinh, đảm bảo kết quả nuôi dạy trẻ được phản ánh chính xác, trung thực, khách quan. Để thực hiện được mục tiêu này, trường đề ra các giải pháp: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, quản lý, như ứng dụng phần mềm Nutrikids để xây dựng thực đơn, điều chỉnh bữa ăn. Cô Hồ Thu Trang nói: “Nhằm khuyến khích giáo viên học vi tính, chúng tôi hỗ trợ 50% học phí nếu như giáo viên có được bằng A hoặc B Tin học. Trường cũng đẩy mạnh bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên thông qua việc tổ chức các chuyên đề về chăm sóc giáo dục và nuôi dưỡng trẻ”.

Phát động phong trào thi đua và khen thưởng kịp thời cũng là động lực để các giáo viên nỗ lực nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ. Hàng tháng, trường đều xem xét kết quả nuôi dạy trẻ ở các lớp và thưởng cho những giáo viên ở các lớp có trẻ tăng kênh. Trẻ chuyển từ kênh C lên kênh B, giáo viên được thưởng 30.000 đồng/cháu; trẻ chuyển từ kênh B sang kênh A, giáo viên được thưởng 20.000 đồng/cháu. Học kỳ I năm học 2006-2007, trường có 1 cháu học lớp mẫu giáo từ kênh C chuyển lên kênh B, 1 cháu ở nhà trẻ và 9 mẫu giáo chuyển từ kênh B sang kênh A. Toàn trường có trên 90% trẻ đạt kênh A, không có trẻ ở kênh C. Trường còn có 2 giáo viên là giáo viên giỏi cấp quận, cấp thành phố... Cô Nguyễn Thị Thanh Như, giáo viên lớp Lá, cho biết: “Hiệu quả nuôi dạy trẻ cao, được khen thưởng khiến giáo viên chúng tôi rất vui. Tuy nhiên, quan trọng hơn là sự động viên, giúp đỡ của Ban Giám hiệu, của đồng nghiệp, phụ huynh càng làm cho tôi thấy rõ hơn trách nhiệm của mình và cố gắng học tập những điều mới, điều hay để nuôi dạy trẻ tốt hơn”.

Bên cạnh Trường MN Anh Đào, Trường THCS An Hòa 1 là đơn vị thực hiện khá tốt việc thanh kiểm tra hoạt động chuyên môn của giáo viên, tổ chức thi cử nghiêm túc, đúng qui chế, nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục. Cô Nguyễn Thị Ngọc Thu, Hiệu trưởng Trường THCS An Hòa 1, cho biết: “Nhằm tránh tình trạng học sinh quay cóp, mỗi đợt kiểm tra giáo viên đều ra 2 đề. Trường hợp học sinh vi phạm qui chế thi, kiểm tra, sẽ bị điểm 0 và hạ bậc hạnh kiểm. Đối với giáo viên, để ngăn ngừa việc dạy thêm, nhà trường yêu cầu giáo viên đăng ký, báo cáo đầy đủ khi tổ chức dạy thêm và trường sẽ kiểm tra đột xuất tại nhà giáo viên”. Trong học kỳ I năm học 2006-2007, Ban Giám hiệu trường đã tổ chức kiểm tra đột xuất việc dạy thêm tại nhà của 6 giáo viên. Kết quả, đa số giáo viên chấp hành tốt qui định của ngành. Ngoài ra, trường còn kiểm tra định kỳ việc vào sổ điểm của giáo viên bộ môn để ngăn ngừa tình trạng sửa điểm, nâng điểm cho học sinh.

Trường THCS An Hòa 1 thường xuyên tổ chức các buổi dự giờ, thao giảng. Trường đẩy mạnh phong trào thực hiện “kỷ cương, tình thương, trách nhiệm” trong toàn thể cán bộ, giáo viên để hỗ trợ, động viên học sinh cá biệt. Chẳng hạn như trường hợp của T.P.T.H, học sinh lớp 8A3. Năm học 2005-2006, H. là học sinh cá biệt, học lực yếu, hạnh kiểm trung bình. Cha làm ăn xa, mẹ bị tù vì vi phạm pháp luật, H. sống với người cô ruột; không được gia đình quản lý chặt chẽ, H. thường xuyên quậy phá, cúp tiết học. Tìm hiểu và nắm rõ hoàn cảnh gia đình của H., Ban Giám hiệu phối hợp các tổ bộ môn, Đội thiếu niên tiền phong và giáo viên chủ nhiệm khuyên răn, giáo dục H. Nhờ vậy, H. dần thay đổi. Hiện nay, H. ngoan hơn, học lực trung bình, hạnh kiểm khá. Chính nhờ tấm lòng và trách nhiệm của các thầy cô, học kỳ I năm 2006-2007, trường có 338 học sinh đạt loại khá, giỏi, chiếm trên 50% tổng số học sinh so toàn trường, tăng trên 10% so với cùng kỳ năm học 2005-2006.

Theo đánh giá của ngành giáo dục quận Ninh Kiều, học kỳ I năm học 2006-2007, ở bậc học mầm non, các trường đã thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn mọi mặt cho trẻ. Cụ thể là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong việc ký kết hợp đồng mua thực phẩm, lưu mẫu thức ăn, kiểm tra, giám sát bữa ăn của trẻ nên không có trường hợp ngộ độc xảy ra. Trên 90% trường bán trú ứng dụng phần mềm Nutrikids xây dựng thực đơn, điều chỉnh chất lượng bữa ăn cho trẻ. Nhờ đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở các cháu nhà trẻ, mẫu giáo giảm từ 2,64% đến 6%. Ở bậc THCS, trên 50% học sinh có học lực khá, giỏi, tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm học 2005-2006.

Bà Lê Thị Thảnh, Trưởng phòng Giáo dục quận Ninh Kiều, khẳng định: “Sắp tới, ngành sẽ quan tâm hơn nữa chất lượng giáo dục học sinh, bồi dưỡng nâng cao tay nghề giáo viên. Ngành chỉ đạo các trường kiên quyết tổ chức kỳ thi kiểm tra giữa kỳ, kiểm tra học kỳ nghiêm túc, chất lượng. Đồng thời, Phòng Giáo dục quận sẽ đẩy mạnh thanh, kiểm tra thường xuyên ở các trường, đơn vị để điều chỉnh qui chế hoạt động, khắc phục những mặt hạn chế, góp phần nâng cao chất lượng của toàn ngành”.
Theo Cần thơ.