Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Người chuyên đi “xây” trường


Ra trường một năm, năm sau cô đã trở thành hiệu trưởng. 28 năm làm cán bộ quản lý, cô đã đi qua năm trường mầm non, trong đó có ngôi trường chỉ có trên giấy; có ngôi trường mới toanh được chỉ định phải gầy dựng thành trường chuẩn quốc gia...

Hết ngôi trường này đến ngôi trường khác và đem về hàng chục danh hiệu cho đơn vị, mặc dù chính cô vẫn chưa có danh hiệu cá nhân nào. Cô là Nguyễn Hồng Hoa, hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Ca 7, quận 11, TP.HCM...

Tướng chỉ có một quân!

Rời Trường trung học Sư phạm mầm non TP.HCM năm 1978, cô được phân công làm giáo viên (GV) lớp lá và nhóm trưởng khối 5 tuổi của Trường Mầm non 16. Ngành học mầm non bấy giờ của TP rất mới mẻ nên phong cách chủ động trong công việc của cô giáo trẻ đã thuyết phục hiệu trưởng, phòng GD-ĐT.

Sau một năm làm GV, cô nhận quyết định về làm hiệu trưởng Trường mẫu giáo phường 4. Cầm quyết định trong tay nhưng cô chẳng biết phải đến đâu, bởi ngôi trường cô được phân công về chỉ mới thành lập trên giấy, chưa có cơ sở, thậm chí chưa được qui hoạch tại địa điểm nào.

Cô hiệu trưởng trẻ chỉ có trong tay một “quân” là GV và hơn chục HS đủ cỡ tuổi. Không kinh nghiệm, không chuyên môn quản lý, trừ vốn liếng duy nhất cô có là nhiệt tình tuổi trẻ... Mượn một phòng học của nhà trẻ trong phường làm lớp học cho HS mẫu giáo của mình, mỗi sáng cô hiệu trưởng chạy xe đạp đến “trường”, đứng ngoài cửa sổ xem GV mình dạy học, rồi lẳng lặng đạp xe khắp phường tìm cơ sở mở trường.

Nhiệt tình của cô đã thu hút được sự hỗ trợ của các ban ngành trong phường. Cuối cùng mọi người cũng tìm được một căn hộ ba tầng có mặt bằng khoảng 64m2 là nhà kho của một xí nghiệp thuộc trung ương. Có địa điểm phù hợp nhưng xin được hay không lại là một lẽ bởi đây là một xí nghiệp thuộc trung ương quản lý. Cô tất tả chạy lo thủ tục, lên cả bí thư thành ủy, gần một năm trời cô mới có được ngôi trường, có được một chỗ ngồi làm việc.

Có trường, lại phải đi tìm học trò. Cô hiệu trưởng cùng GV “rủ rê” Đoàn thanh niên phường đi vận động được hơn 30 HS đủ cỡ tuổi ra trường. Chỉ vài chục HS nhưng cũng chia thành đủ các nhóm tuổi theo qui định, rồi cháu học vài bữa thì trốn mất, lại xuống thuyết phục ra lớp... Nguyên nhân là do phần đông HS người Hoa không biết tiếng Việt, còn cô giáo người Việt không biết tiếng Hoa, cô trò không hiểu nhau nên trò... chán cô chán trường.

Để giải quyết vòng luẩn quẩn này, cô đề nghị phụ huynh biết cả tiếng Việt lẫn tiếng Hoa chỉ dạy GV giao tiếp bằng tiếng Hoa. Với các cháu, cô cũng đề nghị cha mẹ dạy nói tiếng Việt “để sau này có thể làm việc với người Việt”. Hoạt động nào của trường cũng kéo phụ huynh tham gia. Những đứa trẻ đi học về sạch sẽ, ngoan ngoãn khiến phụ huynh tin tưởng cho ra lớp ngày càng nhiều.

Thế nhưng năm đầu tiên làm hiệu trưởng, trường cô bị đánh giá... yếu (!). HS phần không hiểu nhiều tiếng Việt, phần nhút nhát, đoàn thanh tra về hỏi gì các cháu cũng ngơ ngác nhìn không trả lời. Những ngày vắt sức đi tìm trường, tìm trò rồi giữ trò... nhưng công việc giảng dạy không hiệu quả khiến cô ngã bệnh.

Một tháng nằm trong bệnh viện, có thời gian ngẫm lại quá trình làm việc của mình, cô nghiệm ra mình chỉ có nhiệt tình, thấy việc thì lao vào nhưng không có kế hoạch. Sang năm thứ hai, cô bắt tay xây dựng kế hoạch chi tiết, có trọng tâm trọng điểm. HS người Hoa gặp khó khăn trong việc giao tiếp tiếng Việt, môi trường xung quanh, cô họp GV tìm phương pháp phù hợp: sử dụng ngôn ngữ trực tiếp, ngắn gọn và hình tượng. Khó khăn được tháo gỡ, các cháu ăn nói lưu loát, mạch lạc, dạn dĩ, toàn bộ GV đều được đánh giá khá và tốt. Ngôi trường nhỏ liên tục đạt danh hiệu tiên tiến cấp quận rồi tiên tiến cấp TP.

Vẫn đầy nhiệt huyết...

Sau chín năm gầy dựng nên ngôi trường “trường ra trường, lớp ra lớp”, cô lại được điều về củng cố Trường Sơn Ca 10 vốn bị phân tán thành ba điểm lẻ: hai điểm mẫu giáo bình bình, một điểm nhà trẻ “yếu ớt”. Cô về giải tán khối nhà trẻ, xây dựng thành trường mẫu giáo mạnh chuyên môn. Mới ba năm, cô lại được gọi đi nhận nhiệm vụ quan trọng hơn: về củng cố Trường mẫu giáo Sao Vàng 15, một trường điểm của quận để chuẩn bị đón đoàn thanh tra toàn diện của Sở GD-ĐT.

Năm 1996, quận 11 khánh thành trường mầm non quận, ngôi trường mầm non có cơ sở khang trang nhất quận. Cô lại được điều về nhận trọng trách xây dựng nơi này thành trường chuẩn quốc gia đầu tiên của quận, tức xây dựng tất cả các mặt đạt chuẩn từ con số 0 (trừ chuẩn cơ sở vật chất).

Cô nhận ra khó khăn đầu tiên ở đội ngũ. Ngôi trường mới tinh này  chỉ có 1/ 4 là GV cũ từ nơi khác chuyển về, còn lại là GV mới ra trường. Riêng cô trước nay cũng chỉ có kinh nghiệm khối mẫu giáo, chính vì thế cứ rảnh rỗi là cô đến gõ cửa những cán bộ quản lý nhà trẻ khác để học hỏi.

Phải sắp xếp hơn 50% GV được đi học nâng chuẩn nhưng vẫn phải đảm bảo công tác, chất lượng nuôi dạy, không ảnh hưởng các hoạt động của lớp cũng không phải là chuyện đơn giản. Thế nhưng năm 1996 khánh thành thì năm 1998 trường nhận bằng khen của bộ, năm 2001 nhận bằng khen của Thủ tướng và cờ thi đua xuất sắc của TP.

Tám năm sau cô hoàn thành hồ sơ đạt chuẩn của trường, nhưng không chờ được đến ngày hái quả, cô lại tiếp tục được điều chuyển theo yêu cầu của Phòng GD-ĐT về xây dựng Trường Sơn Ca 7, nơi đang có vấn đề về nội bộ. Công việc tưởng hết sức cam go nhưng với cô mọi việc lại trở nên đơn giản.

Cô tâm sự: “Trong quản lý chỉ có hai chuyện dễ gây thắc mắc là tài chính và thi đua. Tài chính không minh bạch, thi đua không công bằng là có chuyện”. Cô cho tôi xem cuốn sổ kế hoạch thu chi, khen thưởng trong năm của nhà trường được cô thực hiện khá chi tiết. Sau khi tất cả thống nhất, mỗi CB-CNV trong trường được giao tận tay một bản để cùng giám sát, kiểm tra. Cô nói giọng nhẹ bâng: “Mọi người cùng nhau quản lý thì không thể thất thoát được và nếu thực hiện được qui chế dân chủ sẽ giải quyết được mâu thuẫn nội bộ”.

28 năm, cô cứ như người thợ xây cần mẫn, xây xong ngôi nhà khang trang lại ra đi đến một nơi khó khăn khác. Thế nhưng trông cô chẳng có chút ưu tư. Cô cười thật tươi: “Nói có thể người ta không tin, nhưng đến giờ trong tôi nhiệt huyết của những ngày đầu tiên đi tìm trường vẫn còn nguyên vẹn”.

Tuổi Trẻ