Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cô giáo mầm non: Những “siêu nhân”


Sau một thời gian đưa đón con đi học nhà trẻ, tôi đã giật mình tự hỏi : tại sao công việc của một cô giáo mầm non lại vất vả và nhiều áp lực đến thế ? Hàng ngày, ngoài việc chăm sóc các cháu như một bảo mẫu (theo tôi biết, hiện nay rất ít trường công trong thành phố có đủ kinh phí để có hai chế độ bảo mẫu và giáo viên giảng dạy riêng), các cô còn phải làm vô vàn sổ sách, đi học các khoá học nâng cao, thực hiện các phong trào thi đua nhiều như bươm bướm của trên đưa xuống. Trong khi đó, chế độ hậu đãi, phúc lợi lại chưa nhiều. Vậy thì họ lấy đâu ra đủ sức lực (và cả tình cảm) để chăm sóc các cháu ? Có dịp lăn lộn giúp đỡ các cô giáo trong việc trang trí và làm đồ dùng dạy học trong trường mầm non, tôi thực sự khủng hoảng với hàng đống công việc mà một giáo viên mầm non phải làm. Các yêu cầu của ngành mầm non ngày càng đòi hỏi các cô giáo quá nhiều thứ, có thứ có lý, có thứ vô lý. Mà theo tôi, thứ vô lý nhiều gấp mười, hơn mười lần thứ có lý. Nhiều lúc tôi có cảm tưởng (thành thật xin lỗi), các vị ở phòng giáo dục khi đề ra những ý tưởng ấy, họ đã để trí tưởng tượng của họ đi quá xa, xa hơn khả năng thực hiện của một con người. Đôi khi những yêu cầu ấy chỉ để chạy theo thành tích, để hơn phong trào của một trường khác, để được tiếng là lạ, là mới, là có khám phá. Còn trẻ con thật sự có cần những thứ đó không, họ không cần biết (!). Đó là chưa kể đến công việc trang trí đầu năm, ngoài việc phải đẹp, phải mỹ thuật, phải liên tục thay đổi theo từng tháng, các cô còn phải tạo góc chơi theo những tên gọi thật dễ thương : góc gia đình, góc khoa học, góc bé vui học toán…Những công việc hoàn toàn thiên về tài năng và mỹ thuật, đôi khi lại rơi vào những người quá bình thường ! Vậy là cả ngày trôi đi trong giấy màu, mút xốp, xơ dừa, hạt cườm…Cô nào không thể làm nổi vì tài năng hạn chế hoặc gia đình kinh tế khá giả thì thuê hẳn một chuyên gia về lãnh vực ấy để làm giúp. Và những cuộc thi đua trang trí vẫn tưng bừng, mọi người vẫn khen ngợi các bàn tay khéo léo của các cô giáo mầm non rối rít. Các tiêu chuẩn thi đua vẫn không dừng lại ở đó, càng ngày, các đề tài càng khó hơn, càng…quái ác hơn và càng đi xa hơn cái mục đích ban đầu là trang trí cho bắt mắt trẻ con, cho các cháu được sống trong bầu không khí sinh động, vui tươi. Có nhiều cái lúc đầu là hay ho sau đã trở nên quá đáng và phung phí. Ví dụ như về việc sử dụng “nguyên liệu mở”: lúc đầu là hộp thuốc, vỏ chai dầu gội đầu, rơm rạ, lá cây…nói chung là những thứ không còn xài được hoặc có thể kiếm được từ thiên nhiên để tiết kiệm và qua đó các cháu được tiếp xúc với đời sống thật. Nhưng dần dần người ta bắt đầu lao vào cuộc hơn thua bằng cách trình diễn đủ loại “nguyên liệu mở” lạ mắt. Tôi đã từng chứng kiến vì thiếu nguyên liệu trang trí, các cô mua hàng loạt nón lá, rổ rá tre mới tinh về xả ra làm “nguyên liệu mở”. Thật là uổng phí ! Rồi vô số những việc linh tinh khác phải làm, phải thực hiện mà phần lớn nguyên liệu phải đi mua vì xin mãi cũng phải ngại, phải hết…Trong khi đó, con cái chúng ta cứ việc lê la, nhếch nhác, bẩn thỉu. Trong những ngày trang trí lớp, các cô chẳng còn đủ thời gian và hơi sức để chăm sóc, để mắt kỹ lưỡng đến các cháu. Tối, còn phải soạn giáo án, cái gì không làm kịp ở lớp thì tranh thủ đêm về cắt cắt, dán dán. Trách các cô thì không nỡ nhưng im lặng thì ngậm ngùi cho các cháu bé bỏng. Chúng thật sự có cần những phong trào thi đua ồ ạt đó không ? Hay đơn giản chúng chỉ cần một lớp học sạch sẽ, thoáng mát trang trí đẹp vừa phải và thay vì lao vào những cuộc “đua” thì cô giáo tranh thủ cột cho chúng những chiếc đuôi tóc xinh xinh, đút cho chúng những muỗng cháo với gương mặt thật tươi cười, được sự gần gũi và chăm sóc ân cần, để khi ra trường rồi, chúng sẽ thật sự bâng khuâng khi hát những lời con trẻ với các cô trong lễ ra trường : “Tạm biệt búp bê thân yêu, tạm biệt gấu Misa nhé, mai em vào lớp 1 rồi, nhớ lắm quên sao được, trường mầm non thân yêu…” Đã đến lúc những người phụ trách giáo dục nên xem lại công việc mình làm, đặt vị trí mình vào những cô giáo để cân nhắc công việc nặng nhẹ,để giảm bớt sổ sách linh tinh và muôn ngàn công việc vượt quá những gì mà một giáo viên mầm non có thể làm. (Phụ Nữ)