Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Hội thảo đóng góp ý kiến thực hiện luật giáo dục sửa đổi và Nghị Quyết 05/2005 NQ-CP


Với sự chủ trì của Phó vụ trưởng Vụ Giáo Dục Mầm Non, bà Nguyễn Thị Ngọc Châm, với sự góp mặt của 2 đại biểu đại diện cho tổ chức UNICEF, quỹ phát triển dự án trẻ thơ văn phòng đại diện TPHCM, và sự tham gia của đại diện các phòng mầm non- Sở GD&ĐT của 32 tỉnh thành phía Nam, Hội thảo Giáo Dục Mầm Non thực hiện luật giáo dục sửa đổi và Nghị Quyết 05/2005 NQ-CP của Chính Phủ đã diễn ra tại TPHCM trong tuần vừa qua.

Tại hội thảo đã có 5 bài tham luận được trình bày với các nội dung: Xã hội hoá Giáo Dục Mầm Non theo nghị quyết 05 (đơn vị TPHCM); Chính sách khuyến khích phát triển đào tạo, tư thục (đơn vị Đà Nẵng); Những vấn đề lớn của Giáo Dục Mầm Non khi thực hiện luật giáo dục sửa đổi và NQ 05 (đơn vị Bà Rịa Vũng Tàu); Dùng ngôn ngữ trong dạy trẻ dân tộc (đơn vị Gia Lai); Thực hiện chương trình đổi mới (đơn vị Khánh Hoà)

Sau khi nghe các bài tham luận, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến đóng phản ánh tình hình thực tế ở các địa phương. Kết thúc hội thảo, tổng hợp ý kiến của các đại biểu xoay quanh các vấn đề sau:

Về chuyển đổi loại hình mầm non, các đại biểu cho rằng: Bộ GD, các Cơ quan chức năng nên sớm chỉ đạo lộ trình chuyển đổi, không nên chuyển đổi đồng loạt cũng không chờ đợi mà cần phù hợp với bước đi của từng địa phương. Ngoài ra, Bộ cần xem xét việc chuyển ngược bán công sang công lập. Sử dụng loại hình công lập có thu đối với vùng thuận lợi và loại hình công lập của nhà nước cho vùng khó khăn. Đặc biệt, cần có đầu tư của nhà nước cho tất cả các loại hình mầm non.

Về sử dụng ngôn ngữ trong trường MN, các đại biểu khẳng định “việc dạy tiếng Việt cần dựa trên nền tảng tiếng dân tộc. Do đó, các giáo viên dạy ở vùng dân tộc nên biết tiếng dân tộc của vùng đó. Qua thực tế cho thấy giáo viên người Kinh dạy ở vùng dân tộc thường có kết quả tốt hơn giáo viên dân tộc.

Về việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, yêu cầu đặt ra là cần sớm có bồi dưỡng giáo viên theo vùng miền, bổ sung một số sách theo chuyên đề. Bên cạnh đó, sách cần có nội dung giáo dục cụ thể hơn theo nội dung chủ đề, chủ điểm. Nhiều đại biểu cùng kiến nghị, nếu chỉ đạo đại trà chương trình này vào năm học 2007-2008 sẽ rất khó khăn vì mặc dù chương trình hay nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện nay còn thiếu thốn, chưa đáp ứng nhu cầu cần thiết.

Về vấn đề đầu tư cho giáo dục mầm non, việc tiếp tục tăng cường giáo viên, đầu tư xây dựng lớp mẫu giáo, kiên cố hóa trường lớp cho các vùng khó khăn, tăng ngân sách đảm bảo  tối thiểu là 10% là yêu cầu cấp bách. Song song đó, Vụ cần chỉ đạo tốt chương trình mầm non mới chuẩn bị (Sơ kết vào tháng 12), chỉ đạo trường đạt chuẩn Quốc gia (Sơ kết tháng 1/2006). Việc ứng dụng CNTT, khai thác trang Web mầm non, sử dụng các phần mềm đã được Bộ duyệt cần được đẩy mạnh hơn nữa.

mamnon.com