Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Từ 1-1-2006, 90 trường bán công ở TP.HCM: Chuyển đổi theo hướng nào?


Thời hạn 1-1-2006 thực thi Luật Giáo dục (sửa đổi) đang đến gần. Số phận các trường bán công (BC) ở TP.HCM sẽ được quyết định ra sao khi luật quy định các cơ sở giáo dục chỉ còn hai loại hình: công lập và tư thục? Đau đầu quản lý trường bán công Kể từ khi có hệ bán công trong giáo dục, cái được duy nhất của mô hình trường BC ở TP.HCM là tiết kiệm cho TP một lượng ngân sách khá lớn để phát triển giáo dục ngoại thành. Còn những cái chưa được của loại hình này thì ít được nhắc đến, nhưng người gánh hậu quả của những điều chưa được lại thuộc về số đông giáo viên và học sinh (HS). Chưa bao giờ những mâu thuẫn nội tại của loại hình trường BC lại bộc lộ nhiều như hiện nay. Từ các trường BC mầm non cho đến các trường trung học, các nhà quản lý đang đau đầu tìm lối ra nhằm giải quyết sự chông chênh giữa các cặp “phạm trù” chất lượng - sĩ số, đời sống giáo viên - học phí. Lương tăng - học phí bị giới hạn. Các trường muốn có đủ lương cho giáo viên thì phải thu nhận học sinh vượt chuẩn quy định. Việc nâng cao chất lượng dạy * học vì thế trở thành điều “không thể”. Tại cuộc họp với Ủy ban Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, bà Lê Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đã nêu lên thực trạng: TP.HCM có quá ít trường mầm non (MN) đạt chuẩn quốc gia là do có sĩ số quá cao, cho dù cơ sở vật chất của các trường ít có địa phương nào bì kịp, trong đó các trường MN BC luôn dẫn đầu về cơ sở vật chất và cả… sĩ số quá đông. Còn ở các trường BC bậc trung học, theo phân tích của Nhà giáo ưu tú Chu Xuân Thành, với cơ chế tuyển sinh như hiện nay, trường BC đang tạo nên sự bất bình đẳng trong giáo dục vì cùng một chương trình, cùng một điều kiện học tập như nhau nhưng HS trường BC lại phải trả học phí gấp 5 lần HS công lập. Đứng về khía cạnh sư phạm, trường BC đã triệt tiêu một mặt tích cực trong giáo dục là sự hỗ trợ giữa HS với nhau, giáo viên phải hạ thấp yêu cầu giảng dạy do trình độ đầu vào yếu hơn. Từ đó muốn nâng cao chất lượng thì chỉ có cách “vắt chày ra nước” bằng mọi biện pháp: tăng tiết, dò bài… Sự bất bình đẳng còn thể hiện ở chỗ HS học trường BC phần lớn thuộc về những gia đình thuộc tầng lớp lao động nghèo thiếu điều kiện đi học thêm nên không đủ điểm vào trường công lập nhưng lại phải gánh một khoản học phí nhiều hơn so với HS khá giả. Số phận các trường bán công ra sao? Quyết định số 20/QĐ-BGD&ĐT về phê duyệt Đề án “Quy hoạch phát triển xã hội hóa giáo dục giai đoạn 2005-2010” đã quyết định số phận của các trường BC là: “Có lộ trình chuyển đổi các cơ sở giáo dục BC sang loại hình ngoài công lập”. Để làm rõ hơn, trong văn bản số 6290/BGD&ĐT nêu: Có lộ trình và bước đi thích hợp cho việc chuyển các cơ sở giáo dục mầm non BC, THPT sang dân lập, tư thục”. Theo những văn bản này thì các trường BC mầm non và THPT đã được quyết định số phận trở thành những trường ngoài công lập. Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng GD-MN Sở GD-ĐT TP.HCM, nếu chuyển các trường BC sang tư thục thì mức học phí có thể lên đến trên 1 triệu đồng/tháng, nằm ngoài mức thu nhập của những bậc phụ huynh là đối tượng CB-CNV, người dân có thu nhập trung bình và đương nhiên là cả những người nghèo. Đồng thời, ngân sách dành cho bậc học MN sẽ giảm đi do TP không còn được thành lập các trường MN công lập mới. Điều này sẽ là một khó khăn lớn cho người dân TP vì vẫn còn 10 phường nghèo của TP.HCM chưa có trường MN công lập. Những học sinh nào sẽ học ở 14 trường THPT BC chuyển sang tư thục? Câu hỏi đó làm đau lòng những nhà giáo tâm huyết. Bởi theo phân tích của bà Hoàng Thị Hồng Hải, Trưởng phòng GD quận Tân Phú: “Việc đưa các trường ra dân lập, tư thục cũng đồng nghĩa là bán trường cho tư nhân hoặc cổ phần hóa. Mà cổ phần hóa thì rồi cũng vào túi tư nhân như những gì đang diễn ra ở các doanh nghiệp thôi”. Nhà giáo ưu tú Chu Xuân Thành cho rằng, với cơ chế tuyển sinh chỉ ưu tiên cho HS giỏi như hiện nay, HS nghèo sẽ trả học phí tăng thêm bao nhiêu lần nữa để học ở các trường tư thục này, hoặc các trường công lập tự hạch toán? Phải hiểu rằng các trường tư thục có quyền quyết định chất lượng cho mình và được quyền tuyển sinh. Còn số phận các trường BC THCS đi về đâu vẫn chưa có lời giải đáp. Với quan điểm vì HS, theo ông Lê Trường Kỳ, Trưởng phòng GD quận 3, chính sự tồn tại của các trường THCS BC đang tạo một áp lực học tập nặng nề cho HS tiểu học. Do đó, cách mà quận 3 sẽ chọn là đưa các trường THCS về công lập. Một khi HS không còn phải thường trực nỗi lo làm sao để khỏi rớt ra bán công thì các em mới có thể học tập nhẹ nhàng, dành thời gian cho những hoạt động khác mang tính phát triển toàn diện. Trong tham luận về xã hội hóa giáo dục mầm non của Sở GD-ĐT TP.HCM, bà Dương Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở cho rằng, xã hội hóa là để tăng thêm nguồn thu cho giáo dục từ nhân dân, không có nghĩa là bớt kinh phí nhà nước. Như một chiếc bánh tròn được chia thành nhiều phần, muốn diện tích của mỗi phần chia được tăng lên thì chỉ có cách chiếc bánh phải được to lên chứ không phải xén phần này bù đắp cho phần kia. Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến thời điểm phải thực hiện Luật Giáo dục (sửa đổi), nhưng xem ra việc chuyển hóa loại hình trường BC ở TP.HCM vẫn chưa rõ đường ra. ******* Hiện TPHCM có 90 trường bán công: * Bậc MN có 47 trường BC với 25.999 HS, chiếm 13,54%. * Bậc Tiểu học có 2 trường BC với 3.207 HS, chiếm 0,8%. * Bậc THCS có 27 trường BC với 48.612 HS, chiếm 15,6%. * Bậc THPT có 14 trường BC với 63.889 HS, chiếm 40,4%. Theo Sài Gòn Giải Phóng