Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Vì sao trường mầm non khó đạt chuẩn quốc gia ?


Trường MNBC 19-5(Q.10) tưng
bừng trong ngày đạt chuẩn
Tính từ tháng 12/2001 khi Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia (giai đoạn 2002-2005) đến nay, TP.HCM mới chỉ có 22 trường được công nhận, 6 trường đang lên kế hoạch xét duyệt từ nay đến cuối năm. So với con số 549 trường mầm non trong toàn thành thì đây thực sự là một kết quả quá nhỏ nhoi.

Hai tiêu chí "diệt chuẩn"

Văn bản quy định để công nhận trường mầm non chuẩn quốc gia của Bộ GD-ĐT cần đạt 5 tiêu chí sau: Tổ chức quản lý nhà trường (1); Cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên (2); Quy mô trường lớp, cơ sở vật chất và thiết bị (3); Chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ (4); Thực hiện xã hội hóa giáo dục (5), nhưng có yêu cầu riêng cho đối tượng thuộc khu vực nông thôn hay thành thị. Tại thời điểm này, tiêu chí 2 và 3 rất khó đạt được trong thực tế...

Trong số 549 trường mầm non tại TP.HCM thì chưa đến 90 trường có cơ sở vật chất và thiết bị hiện đại, phù hợp nhu cầu học tập theo chương trình mới. Số trường còn lại chủ yếu được cải tạo từ nhà dân, xây dựng từ cách đây gần 30 năm. Đó là những nhà phố, biệt thự cũ, dẫn đến tình trạng một trường học sinh phải học ở nhiều địa điểm khác nhau. Đối chiếu với yêu cầu về quy mô trường, lớp, các trường nội thành tối thiểu phải đạt 10m2/học sinh, diện tích phòng học cho lớp mẫu giáo tối thiểu là 55m2, phòng ngủ 42m2, sĩ số 30-35 học sinh/lớp... thì đây sẽ là bài toán khó cho các trường trong nhiều năm tới.

Về trình độ giáo viên, một trong những yêu cầu của tiêu chuẩn này đối với trường nội thành là phải có 50% giáo viên đạt trình độ cao đẳng trở lên. Nhưng đa phần các trường mới chỉ đạt khoảng 20-30%. Do đó, dẫn đến tình trạng nhiều trường cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng nhu cầu nhưng vẫn chưa được công nhận như Trường Vườn Hồng (Q.2) hoặc có trường được công nhận nhưng cho nợ tiêu chí này do có giáo viên đang học các bậc nâng cao phù hợp với yêu cầu.

Các trường chuẩn quốc gia thường áp dụng các chương trình giáo dục đổi mới hiệu quả.
Ảnh các bé trường MNBC Nhiêu Lộc trong giờ học toán ở các góc học tập. Trong ngày 26/10 sắp tới, trường cũng đạt chuẩn quốc gia

Thay đổi cách đào tạo

Qua tìm hiểu được biết, nguồn gốc của vấn đề này bắt đầu từ chính tình trạng thiếu giáo viên chung của toàn thành phố. Hằng năm, chưa kể hệ dân lập, tư thục, các quận, huyện cần khoảng gần 800 giáo viên mầm non nhưng Sở chỉ cung cấp được trên 400 chỉ tiêu. Giáo viên mầm non của thành phố được đào tạo chủ yếu từ 2 trường CĐ Sư phạm và Trung học Sư phạm mầm non.

Hiệu trưởng một trường mầm non tại Q.1 lo lắng: "Hằng năm chúng tôi có thu nhận số giáo sinh chưa đủ "chuẩn", sau một thời gian tham gia giảng dạy lại phải gửi họ đi đào tạo tiếp. Thế là phải bỏ lớp của mình cho giáo viên khác phụ trách. E rằng không có nhiều điều kiện quan tâm chu đáo đến trẻ sẽ rất nguy hiểm". Bên cạnh đó, vì danh hiệu chuẩn, có trường sẽ cho giáo viên đi học nâng cao trình độ một cách ồ ạt.

"Chuẩn không phải là đồ trang sức mà nó phải thật sự mang lại cho trẻ điều kiện tối ưu giúp trẻ phát triển thành con người tốt nhất khi còn rất nhỏ", bà Kim Thanh, Trưởng phòng Mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định. Phải chăng thành phố cần tính đến chuyện đào tạo giáo viên có trình độ CĐ chính quy ngay từ đầu là phù hợp nhất, thiết thực nhất, không mất thêm nhiều thời gian, công sức đào tạo và quan trọng là giáo viên toàn tâm cho việc giảng dạy của mình. Đã có nhiều ý kiến đóng góp cho rằng TP.HCM nên sáp nhập Trường Trung học Sư phạm mầm non thành một khoa trong Trường CĐ Sư phạm giống như cách làm của 63 tỉnh, thành trong cả nước những năm gần đây.

Bích Thanh(TN)