Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giáo viên mầm non hợp đồng : Chật vật theo nghề


So với các bậc học khác, giáo viên mầm non dù đã được vào biên chế cũng không thể sống được với nghề, với những giáo viên hợp đồng còn chật vật hơn vì hưởng mức lương quá thấp so với công sức bỏ ra để được theo nghề.

Trong thành phố, giáo viên hợp đồng bỏ nghề
Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện cả nước có 159.134 giáo viên nhà trẻ và mầm non, trong đó giáo viên trong biên chế chỉ chiếm 42%, còn lại 58% giáo viên mầm non ngoài biên chế. Các cô giáo mầm non dù là biên chế hay hợp đồng đều phải làm việc khá căng thẳng, có mặt từ 6h30 để dọn dẹp lớp, nếu ngày nào đến muộn 5 phút sẽ bị trừ lương, chiều phải chờ trả hết cáccon, dọn dẹp lớp rồi mới được về. Ban ngày chăm sóc trẻ, tối về lo soạn giáo án, thậm chí còn phải làm trên máy tính. Hằng tuần phải rửa đồ chơi, mỗi tháng lau nhà, cọ rửa từng khe gạch... Với từng đấy công sức bỏ ra, nhưng giáo viên hợp đồng chỉ nhận được mức lương quá thấp, trường nào cao là 1 triệu, trường thấp chỉ 600.000 đồng, quả thật là quá vất vả, đấy là nhận định nhiều người đưa ra khi bàn về vấn đề giáo viên mầm non hợp đồng.

Trường mầm non Tuổi Hoa (phường Láng Hạ, quận Đống Đa) là một trường điểm của quận, do số lượng học sinh trong một lớp đông (70 học sinh/lớp) nên trường được phép tăng thêm mỗi lớp một giáo viên theo đúng quy định. Cũng đồng nghĩa với việc lượng giáo viên hợp đồng tăng thêm. Bà Nguyễn Thị Báu, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Vấn đề làm chúng tôi trăn trở nhất trong bao năm qua chính là thu nhập của giáo viên mầm non quá thấp so với công sức bỏ ra. Với những giáo viên biên chế, mức lương đã có nhiều thiệt thòi, dù cô giáo ấy có tốt nghiệp ĐH, hay CĐ đi nữa, nhưng khi vào ngành đều được tính lương cơ bản theo trình độ trung cấp. Vì vậy, có những cô vào biên chế cả chục năm rồi, mức lương cũng chỉ được khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Ở trường Tuổi Hoa, giáo viên hợp đồng lương cứng chỉ được 800.000 đồng/tháng, cộng với một chút tiền thưởng, nhưng phải đảm bảo 100% học sinh không xảy ra sự cố gì, dù là nhỏ nhất.

Cô Thanh Ngà, giáo viên hợp đồng một trường công lập ở quận Cầu Giấy cũng tâm sự: Nhiều người bảo trông trẻ con thì đơn giản, nhưng với khoảng 6-7 môn học/tuần, lớp em có 50 trẻ, với 2 cô, phải căng sức để trông coi, dỗ dành, thậm chí hò hét theo trẻ trong mỗi buổi dạy. Trường quy định nhà vệ sinh, nền lớp học phải luôn trong tình trạng khô ráo nên hễ trẻ nghịch nước, tè dầm, hai cô lại "lăn lưng" ra lau nhà. Chỉ khi các cháu ngủ trưa, các cô mới tranh thủ ăn cơm. Mỗi bữa trưa với 6.000đồng/người chỉ có rau, cà, đậu và vài miếng thịt. Công việc nặng nề,áp lực trách nhiệm đổ lên đầu các cô rất lớn nếu để xảy ra một sơ suất nhỏ với các cháu, nhưng thu nhập chưa được một triệu đồng/tháng, làm sao đủ sống? Vì thế đã có nhiều bạn bè em bỏ nghề, học lại ngành khác.

Giáo viên bỏ nghề, cũng đang là vấn đề bức xúc với nhiều trường công lập trên địa bàn Hà Nội. Nói như hiệu trưởng trường mầm non Tứ Liên (Tây Hồ), hiện tại trường có 400 học sinh mà chỉ có hơn 20 giáo viên phụ trách. Đã không thể tuyển đủ giáo viên do lương thấp, lại còn phải chứng kiến cảnh nhiều giáo viên xin thôi việc để ra làm ngoài.

Với các trường mầm non nông thôn càng nghèo hơn
Cô giáo Nguyễn Thị Hường, giáo viên một trường mầm non nông thôn tại Sóc Sơn đã có thâm niên gần 30 năm trong ngành thì lương cũng chỉ 450.000 đồng/tháng, dù đã là giáo viên đạt chuẩn. Hay cô giáo Ðỗ Thị Bình, giáo viên dạy giỏi liên tục nhiều năm cũng chỉ nhận được mức lương bằng ấy. Các giáo viên mầm non nông thôn, nếu có tốt nghiệp ĐH, hoặc CĐ khi dạycũng chỉ hưởng lươngngoài biên chế như mọi giáo viên khác.

Công việc của giáo viên mầm non, diện hợp đồng còn nhọc nhằn hơn cả đồng nghiệp trong biên chế, họ cũng là giáo viên dạy giỏi, chiến sỹ thi đua nhiều năm liền... thế nhưng họ lại phải chấp nhận mức lương "giậm chân tại chỗ". Có những người số năm dạy hợp đồng lên đến hàng chục năm nhưng cũng không hề được hưởng một khoản trợ cấp nghề nghiệp gì như trường hợp của những cô giáo mầm non ở trường bán công của quận Hoàng Mai, dạy hợp đồng hơn 20 năm vẫn chỉ có mức thu nhập mấy trăm nghìn... Để gắn bó, cống hiến và sống được bằng nghề đang thực sự là cuộc vật lộn quyết liệt đối với họ.

Theo KTDT