Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Người ươm mầm lặng lẽ.


 

Thời gian vừa qua đã xảy ra một số vụ bạo hành đối với trẻ em trong các nhóm trẻ gia đình gây lên trong dư luận nhiều vấn đề bức xúc. Vì vậy khi nghe đến cụm từ "nhóm trẻ gia đình" nhiều người đã không mấy thiện cảm. Thế nhưng có thể chúng ta chưa hiểu hết, cũng như chưa có được cái nhìn toàn diện về vấn đề này.

Điều chúng ta dễ dàng nhận thấy là vốn liếng duy nhất và quý giá nhất để những cô giáo không chuyên bước vào nghề là tình yêu đối với trẻ. Điều đó giúp họ gắn bó với công việc nhiều vất vả này mấy chục năm trời, cũng chăm sóc, cũng dạy dỗ thương yêu và hàng ngày họ vẫn làm những công việc mà các cô giáo Mầm Non thường làm. Tự chịu trách nhiệm về sự an toàn của trẻ và không hề có một chính sách nào dành cho họ từ phía nhà nước ngoài những đóng góp ít ỏi từ phía phụ huynh. Nhưng chưa một lần trước dư luận xã hội họ được bênh vực đòi quyền lợi.

Đối tượng nào thường gửi con vào nhóm trẻ? Đa số họ đều là người dân lao động vất vả mà thời gian lại không ổn định, thường xuyên đi sớm, về trễ. Với thời gian ấy họ không thể đáp ứng được cách sinh hoạt, giờ giấc đưa đón ở trường công lập, còn các trường tư thục thì thời gian có vẻ linh hoạt hơn nhưng bù lại mức phí thường quá cao so với thu nhập bình quân nên cuối cùng giải pháp duy nhất là gửi con vào nhóm trẻ gia đình.

Có một thực tế là trong số những người đứng ra thành lập nhóm trẻ chỉ có một số ít là được đào tạo chuyên môn còn chủ yếu là người nội trợ hay đã quá tuổi lao động. Họ làm việc dựa trên sự quen biết và tin tưởng lẫn nhau, đặc biệt là dù không có chuyên môn, không nhận được sự giúp đỡ hay bảo hộ của bất cứ tổ chức nào nhưng họ vẫn làm tốt nhiệm vụ của mình. Hàng ngày, hàng giờ chăm sóc, dạy dỗ các em.

Họ không có ngày 20 - 11 và các ngày lễ họ cũng thường không có quà như các cô trong trường nhưng mối quan hệ giữa họ với phụ huynh vẫn luôn tốt đẹp, bởi đó không chỉ dựa trên nền tảng quan hệ giáo viên - phụ huynh mà hơn nữa là mối quan hệ tình cảm giữa những người cùng cảnh với nhau, vì vậy họ sẽ không bao giờ phải đối mặt với những băn khoăn "mua hay không mua cô giáo Mầm Non".

Như đã nói ở trên, những người nhận chăm trẻ cũng phải làm tất cả những công việc từ sáng đến tối với việc cho trẻ ăn, giặt giũ, hát hò cùng trẻ. Nếu tính mức thu khoảng 600.000 vnd/ một trẻ và một người nhận giữ khoảng 5 đến 6 em, trừ chi phí sinh hoạt, ăn uống cuối cùng họ cũng nhận về mình khoản thu nhập khoảng 1 triệu cho một tháng lao động vất vả có khi tới 8 - 9 giờ tối mới có phụ huynh đến đón con về.

Công việc vất vả mà thu nhập thấp nhưng họ vẫn gắn bó với công việc của mình lý do giản dị thôi mà nghe sao ấm tình người quá " coi chúng nó như con, như cháu trong nhà". Đúng vậy với họ mỗi đứa trẻ đều là một đứa con, đứa cháu. Đó không phải là cái gì sâu xa nhưng lại là nền tảng giúp họ đứng được với nghề. Xin chia sẻ với những người mẹ thứ hai - những cô giáo mà chưa bao giờ có ngày 20 - 11 của riêng mình sự cảm thông và kính trọng bởi chính các cô cũng là những người hàng ngày thầm lặng ươm mầm cho tương lai.

 HT mamnon.com