Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân: Rất quan tâm đến giáo dục mầm non, nhưng...


Chiều 12-11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết trong khoảng 100 phút cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, cần đề nghị tập trung vào các vấn đề số trường ĐH, CĐ thành lập mới quá nhiều gần đây liệu có đủ điều kiện và đảm bảo được chất lượng?

Về giáo dục mầm non là cấp học rất quan trọng nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Ở giáo dục phổ thông thì nội dung chương trình SGK quá nặng, mặc dù đã có ý kiến nhiều lần...


Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đang trả lời chất vấn của Quốc hội - Ảnh: Việt Dũng

Giáo dục mầm non đang bị bỏ ngỏ
Bậc học mẫu giáo vốn được xem là nền, là gốc của sự học, của việc hình thành tư duy nhân cách nhưng rất nhận được ít sự quan tâm của bộ. Trong khi đó bộ lại quá tập trung cho mở tràn lan các trường ĐH, CĐ nhưng chất lượng đào tạo ở nhiều nơi rất thấp.

Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) chất vấn: "Xin bộ trưởng cho biết có phải bộ đang làm quy trình ngược là chỉ lo cho phần ngọn mà ít quan tâm đến việc chăm sóc phần gốc. Bộ kêu gọi chống bệnh thành tích trong giáo dục nhưng chính việc làm của bộ lại đang tạo ra căn bệnh thành tích mới. Trách nhiệm của bộ trưởng đến đâu về vấn đề này?".

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân giải trình: Thực ra không phải bộ không quan tâm đến mầm non, nhưng trong điều kiện có hạn nhất định, bộ chỉ đủ sức tập trung cho một bậc nhất định. Sau năm 1975 chúng ta phát triển giáo dục và chọn khâu đột phá là phổ cập tiểu học và phấn đấu làm đến năm 2000 mới xong. Sau khi hoàn thành phổ cập tiểu học, bắt đầu phổ cập THCS, lúc đó cũng không đặt phổ cập THPT và phổ cập mầm non, vì sức có hạn.

Bộ muốn chi nhiều nữa cho mầm non, phổ cập cho mầm non nhưng chưa làm nổi vì đang còn mục tiêu THCS, nhưng trong ngành xác định trong khi chưa phổ cập được hết mầm non từ 0 đến 5 tuổi thì năm nay ngành đặt chương trình phổ cập mầm non 5 tuổi. Trong năm độ tuổi đó thì bậc 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1 chứ nếu toàn bộ thì không được.

Không thỏa đáng với giải trình của bộ trưởng, đại biểu Lê Văn Cuông nói thẳng: "Qua giải trình của bộ trưởng tôi thấy chưa đi thẳng vào vấn đề tôi cần hỏi và cử tri quan tâm. Vấn đề này không phải mới xảy ra mà từ nhiều khóa Quốc hội đã đề nghị phải đưa hệ mầm non vào Luật Giáo dục để được Nhà nước đầu tư gốc này cho vững rồi các bậc lên mới có điều kiện, nhưng quan điểm của Bộ cũng rất thờ ơ. Không biết bộ trưởng có thấy quan trọng không, nhưng cử tri phát biểu là rất quan trọng, bởi vì hình thành nhân cách là nền...".

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nói: Báo cáo cử tri là tôi rất quan tâm vì chính khi tôi về làm bộ trưởng, tôi là người chủ động đề xuất thực hiện chương trình phổ cập mầm non 5 tuổi. Chúng tôi có nói là sắp xếp làm sao tất cả trẻ mầm non không phải từ 1-5 tuổi đi học được thì riêng 5 tuổi đi học đủ để có vốn vào lớp 1. Các trường bán công ở vùng miền núi chúng tôi kiến nghị là chuyển sang công lập để trẻ em 5 tuổi đi học được.

Đại biểu H'Luộc Ntơr (Đắc Lắc) hỏi: "Đề án phát triển giáo dục mầm non nhằm thu hút tất cả các cháu 5 tuổi đến trường mẫu giáo học một năm trước khi học tiểu học. Thế nhưng giáo dục mầm non ở các tỉnh miền núi hiện nay vừa yếu về chất lượng, vừa thiếu về số lượng. Đề nghị giải pháp của bộ trưởng trong thời gian tới đối với các tỉnh miền núi hiện nay?".

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Cách làm của chúng tôi là chọn vấn đề phổ cập mầm non 5 tuổi là thí điểm của chương trình mầm non làm sao gắn được với điều kiện có thể cân đối cả về tài chính. Giải quyết vấn đề giáo viên đủ cho mầm non 5 tuổi, giải quyết nhà ở, lớp học cho đủ các em, giải quyết vấn đề chính sách.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đề nghị nghiên cứu lại chủ trương chuyển các trường mầm non từ công lập sang dân lập và tư thục, nhất là các vùng nông thôn, miền núi vì mức thu nhập của người dân ở đó còn rất nhiều khó khăn.

"Chính phủ chưa bao giờ có chủ trương chuyển trường mầm non công lập thành tư thục cả. Chúng ta chỉ bàn bán công, xưa nay bán công thì Nhà nước lo được cô hiệu trưởng và một giáo viên, còn lại là hợp đồng. Bộ đang làm là trường bán công ở vùng khó khăn chuyển thành trường công lập thì mới làm được phổ cập 5 tuổi. Tôi khẳng định lại không có vấn đề chuyển công lập thành tư thục, chỉ có bán công nơi thuận lợi có nhu cầu xã hội cao thì có thể chuyển thành tư thục và dân lập, còn vùng khó khăn phải chuyển từ bán công thành công lập" - bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết.

Bức xúc mở trường ĐH, CĐ ồ ạt
Đại biểu Hồ Quốc Dũng (Bình Định) cho biết một vấn đề đáng báo động hiện nay là Bộ đang và đã cấp giấy phép thành lập rất nhiều trường ĐH, CĐ nhưng trong đó nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập không thực hiện đúng các cam kết đã nêu trong đề án thành lập trường đã được Bộ phê duyệt. Nhiều trường ĐH, CĐ cơ sở vật chất, trang thiết bị, thư viện, phòng thí nghiệm rất nghèo nàn và sơ sài không đáp ứng được yêu cầu đào tạo.

Ông Dũng lấy ví dụ ở một số trường mà báo chí đã nêu gần đây, như ĐH dân lập Phú Xuân tuyển sinh và đào tạo 12 ngành nhưng chỉ có ba giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ, ĐH tư thục Công nghệ thông tin Gia Định mở bảy ngành đào tạo nhưng chỉ có một giảng viên cơ hữu ngành quản trị kinh doanh có trình độ tiến sĩ... Ông đề nghị bộ trưởng cho biết vì sao lại để xảy ra tình trạng này mà không xử lý kiên quyết.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng ĐH ngoài công lập chất lượng thực tế chưa đúng như đăng công bố là đúng. Đến năm 1997 cả nước có 110 trường ĐH, CĐ và 11 năm sau thành lập thêm hoặc nâng cấp có thêm 200 trường. Như vậy, trong 11 năm số ĐH, CĐ gần gấp đôi của 90 năm trước. Tuy nhiên, phần thiếu sót của Bộ vừa qua là chưa kiểm tra và xử lý xem chất lượng có đủ hay không. Hiện Bộ ban hành dự thảo tiêu chí thành lập ĐH mới và lấy ý kiến chuẩn bị công bố, tiêu chí này chặt chẽ hơn cái cũ, quy định giảng viên cơ hữu phải đảm bảo 60% khối lượng môn học chứ không phải 30%, quy định tỉ lệ các thạc sĩ, tiến sĩ.

Vừa qua Bộ đã tổ chức tổng kết 10 năm xây dựng và phát triển các ĐH, CĐ mới, và thấy rằng nhiều đơn vị không thực hiện đúng cam kết. Hiện nay Bộ đang chuẩn bị văn bản gửi các trường đề nghị trường phải đăng ký thực hiện cái còn thiếu sót và có lộ trình, trong ba năm liên tục Bộ sẽ đi kiểm tra, nếu kiểm tra không hoàn thành thì dần dần có biện pháp xử lý.

Ngoài ra, khi mở trường phải công khai cam kết chất lượng đào tạo, công khai nguồn lực giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng, công khai tài chính. 70% các trường ĐH phải làm kiểm định chất lượng. Đến năm 2010 tất cả các trường ĐH phải làm kiểm định nội bộ và tiến đến kiểm định bên ngoài.

Thay đổi sách giáo khoa, chỉnh sửa chương trình?
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắc) đặt vấn đề: "Bộ chủ trương tiếp tục duy trì 7-8 năm tới về chương trình và SGK hiện hành, như vậy có đúng không? Tôi hiểu rằng thay đổi SGK sẽ có xáo trộn lớn và gây nhiều tốn kém nhưng có thể vẫn giữ SGK. Nhưng nhất thiết cần thay đổi chứ không phải điều chỉnh chương trình để sao cho không quá tải và không sai khác quá nhiều so với chương trình giáo dục phổ thông của các nước khác".

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân giải trình: Chương trình đã được thông qua và áp dụng cho thời gian tương đối dài, còn SGK là công cụ để thực hiện chương trình, do đó khi đánh giá chương trình và SGK có thay đổi không, phải có căn cứ khoa học. Vừa qua Bộ đã tổ chức đánh giá chương trình giáo dục phổ thông, xem xét đáp ứng các vấn đề: đảm bảo tính khoa học, sư phạm, khả thi... Về cách làm, bộ đã thu thập các ý kiến của các chuyên gia, các cơ quan và lấy ý kiến của 20.000 trường phổ thông trong cả nước, chiếm 50% số trường phổ thông. Trên cơ sở ba tháng triển khai tại cơ sở, ngày 18-5-2008 bộ đã tổ chức hội nghị toàn quốc lần đầu tiên về đánh giá chương trình và SGK.

Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông có sáu ưu điểm, tuy nhiên cũng có bốn thiếu sót, hạn chế. Chẳng hạn, nhìn khái quát, chương trình giáo dục phổ thông chưa đảm bảo sự cân đối giữa "dạy chữ" và "dạy người", còn nặng về kiến thức, chưa coi trọng việc hình thành nhân cách cho trẻ em; yêu cầu của chương trình là cao đối với bộ phận học sinh có học lực yếu kém, học sinh nhóm dân tộc thiểu số và học sinh sinh sống ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn... Mảng chương trình có hạn chế thiếu sót nên trong thời gian tới sẽ thông qua đánh giá hằng năm và xác định đến lúc nào sẽ thay đổi chương trình.

Về SGK có bốn ưu điểm, mặt khác cũng có bốn thiếu sót, hạn chế... Bộ đã triển khai ngay các biện pháp để khắc phục những hạn chế của SGK. Năm nay mới bước vào năm đầu tiên của chương trình SGK lớp 12 mới nhưng cần sớm triển khai bộ phận nghiên cứu để xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới để triển khai sau năm 2010. Khi chúng ta thay đổi chương trình giáo dục phổ thông thì việc biên soạn SGK sẽ phải thay đổi theo. Với chương trình đang có thì một chương trình có thể sẽ có nhiều bộ SGK.

Về giải pháp trước mắt, Bộ đã điều chỉnh khối lượng để giảm quá tải (điều chỉnh chương trình học một năm từ 35 tuần lên 37 tuần); một số môn học phải hình thành nhóm; tiếp thu sai sót phải sửa. Chương trình học sẽ tiếp tục dùng trong thời gian tới và SGK sẽ sửa hằng năm nếu phát hiện được, việc đánh giá này sẽ thực hiện đến năm 2010, làm bốn năm liên tục và sau đó sẽ quyết định có chỉnh sửa chương trình hay không.

Trong vòng 100 phút đã có 14 lượt ý kiến các vị đại biểu Quốc hội chất vấn và trao đổi ý kiến với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân. Tuy nhiên, nhiều lần Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phải lưu ý Bộ trưởng GD-ĐT không nói lòng vòng mà hãy đi thẳng vào trọng tâm câu hỏi.

Theo Tuổi Trẻ