Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trách nhiệm “Người đưa đò sang sông”!


Đã có rất nhiều bài viết về giáo viên mầm non. Nhân ngày 20/11 khi cả nước tôn vinh các thầy cô giáo, những người "đưa đò sang sông", web mầm non xin chia sẻ với các bạn về một góc độ khác của công việc của những cô giáo mầm non, những người vẫn từng ngày thầm lặng ươm những mầm non.

Công việc thường ngày của giáo viên mầm non là dạy dỗ và chăm sóc bé. Áp lực về chuyên môn: lên kế hoạch giảng dạy, làm sổ sách..., mọi người để ý cũng có thể thấy được. Nhưng có một công việc thầm lặng mà ít ai biết đến, một phần áp lực nặng nề luôn đè nặng lên vai những người làm công tác trong ngành mầm non: Áp lực về trách nhiệm.

Mỗi buổi sáng khi ba mẹ tươi cười gửi con vào lớp cho cô là lúc các cô giáo bắt đầu một ngày với trách nhiệm nặng nề trên vai. Trách nhiệm bảo vệ sự an toàn cho bé.

Một lớp 50 bé với 2 cô giáo, có nghĩa mỗi ngày mỗi cô phải đảm bảo sự an toàn cho 25 bé ngoài công tác dạy học và chăm sóc. Hạn chế tối đa những rủi ro cũng như tai nạn cho bé ở trường. Mỗi buổi chiều khi trả bé về cho ba mẹ lúc đó mới giảm được 50% áp lực về an toàn cho bé nhưng vẫn lo lắng không yên, chỉ đến sáng mai khi ba mẹ đưa con tới trường vẫn vui vẻ, tươi cười lúc đó cô mới thở phào và bắt đầu một ngày mới với trách nhiệm mới.

Để giữ được 20 đứa trẻ trong một lớp an toàn không phải là chuyện dễ, đó là tâm sự của một giáo viên có trên 15 năm trong nghề.

Chúng ta thử nhìn vào thực tế: một nhóm lớp trung bình khoảng 40 đến 50 bé, như vậy mỗi cô trung bình một ngày chịu trách nhiệm dạy dỗ, chăm sóc khoảng 20 bé. 20 bé với hai mươi tính nết đồng nghĩa với 20 trường hợp rủi ro luôn vây quanh bé, phải làm thế nào để đảm bảo an toàn tuyệt đối, điều này thật không dễ chút nào.

Bé đến trường mầm non không phải học một mình mà bé tham gia hoạt động cùng các bạn. Có hoạt động, có các mối quan hệ cùng bạn bè cộng với hệ vận động và xương khớp của bé đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện thì việc rủi ro và tai nạn thường khó tránh khỏi. Bé đang đi va vào bạn, té chống tay xuống đất bị trật tay, chạy xô vào bạn, té bị bầm tím. Đi vấp phải chân bạn đang ngồi cũng té, chơi ngoài sân chạy nhảy cũng té, đi va vào bàn, giành đồ chơi đánh bạn, cấu bạn, cắn hoặc xô bạn ngã là chuyện thường xảy ra.

Thậm chí, khi cô đang lên tiết dạy, các bé ngồi ngay trước mặt cô, nghe cô kể chuyện, nghe cô dạy hát vậy mà vẫn có bé bất ngờ quay qua cắn bạn, hoặc đánh bạn, những chuyện như vậy, làm sao cô ngăn kịp. Bé ăn, uống nước bị sặc... Tất cả những rủi ro đó xảy ra hàng ngày ở trường mầm non mà đôi khi giáo viên dù có cố gắng hết sức vẫn không thể phản ứng kịp và đôi khi hậu quả xảy ra thật khó lường trước. Đó là những tai nạn bé gặp phải khi tham gia hoạt động học tập, vui chơi và sinh hoạt tại trường do giáo viên quản lý, nhưng đôi khi có những tai nạn xảy ra gây hậu quả thật đáng tiếc lại một phần lỗi do chính sự bất cẩn của phụ huynh: bé bị bệnh, phụ huynh vẫn đưa đến lớp mà không báo cô, để đến khi cô giáo phát hiện thì bé đã sốt rất cao và cần cấp cứu kịp thời, hoặc có phụ huynh mang lộn thuốc cho con. Nếu giáo viên và nhân viên y tế không phát hiện kịp thời thì hậu quả thật khó lường.

Ngoài những tai nạn trên thì còn rất nhiều những tai nạn bất ngờ ở trường mầm non mà kể không thể hết. Giáo viên phải cố gắng hết mức để hạn chế đến tối đa tai nạn xảy ra nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ. Tuy nhiên dù đã cố gắng thế nào thì tai nạn xảy ra vẫn là điều không thể lường trước.
Khi tai nạn xảy ra ở trường mầm non cho bé, dù chỉ là những tai nạn nhỏ nhặt nhất thì việc xử trí tai nạn cũng không hề đơn giản chút nào.

Năm nào các cô cũng được đi tập huấn về xử trí tai nạn trong trường mầm non, nhưng khi học thì dễ, đến khi về lớp có một tai nạn xảy ra thì việc xử trí bị chi phối bởi nhiều yếu tố: bé tò mò bu lại xem, lớp nhốn nháo, trẻ hoảng sợ... đôi khi những yếu tố trên gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc xử trí tai nạn kịp thời cho trẻ.

Tai nạn xảy ra, ai là người đầu tiên chịu trách nhiệm?
Ở bậc học mầm non, thường khi tai nạn xảy ra dù bất cứ lý do gì thì giáo viên luôn là người chịu trách nhiệm nặng nề nhất. Nếu phụ huynh hiểu thì không có chuyện gì để nói, nhưng cũng không ít phụ huynh có tư tưởng "con tôi là cục kim cương", vì vậy khi tai nạn xảy ra, thay vì phối hợp cùng nhà trường giải quyết thì lại làm lớn chuyện, đòi kỷ luật, thôi việc giáo viên, lôi báo chí thông tin vào cuộc, làm um sùm những chuyện không đáng đến mức độ như vậy.

Thế mới biết giáo viên mầm non chịu áp lực về chuyên môn một thì áp lực từ trách nhiệm đảm bảo an toàn cho bé gấp nhiều lần. Áp lực về an toàn cho bản thân bé, áp lực từ phụ huynh, từ dư luận luôn đè nặng lên đôi vai những người làm công tác giáo dục mầm non. Công việc âm thầm mà trách nhiệm về sinh mạng con người thật nặng nề, chỉ một phút sơ xuất là tai nạn ập đến. Dù luôn phải vui vẻ, cười nói, dịu dàng với trẻ nhưng giáo viên mầm non luôn căng thẳng trước trách nhiệm về sinh mạng của chúng. Phải làm sao để cuối ngày ở trường không có sự cố gì xảy ra và mỗi tối không phải nghe những cuộc điện thoại mắng vốn của phụ huynh thì lúc đó giáo viên mầm non mới có thể ngủ ngon giấc.

Về phần những người làm công tác quản lý giáo dục mầm non, trách nhiệm về an toàn cho trẻ cũng thật nặng nề, không chỉ giáo viên mà những người làm công tác quản lý cũng phải chịu trách nhiệm trước phụ huynh và trước dư luận khi có sự cố xảy ra.

Có cô giáo làm công tác quản lý trường mầm non đã phải sử dụng 2 sim điện thoại, một cho công việc luôn mở 24/24 và một để liên lạc với bạn bè, người thân. Số điện thoại cá nhân thì có thể tắt mỗi khi mệt mỏi, nhưng số điện thoại liên hệ với phụ huynh thì không bao giờ được tắt.

Chúng tôi từng được nghe trưởng phòng mầm non của một sở giáo dục tâm sự: "Chỉ khi nào đến 30/5, khi tất cả các trường và các phòng mầm non gửi báo cáo về không có một sự cố gì xảy ra cho trẻ trong năm học qua chúng tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm".

Công việc thầm lặng, trách nhiệm nặng nề, đó là những gì giáo viên mầm non vẫn đang tiếp tục với công việc của mình. Chỉ mong những hy sinh thầm lặng đó được xã hội hiểu và quan tâm hơn, đưa ngành giáo dục mầm non lên đúng vị trí của mình cũng như có những sự quan tâm thiết thực và kịp thời đối với giáo viên mầm non, giúp họ giảm bớt gánh nặng đè lên vai không chỉ là cơm áo gạo tiền mà còn là áp lực về công việc.

Theo TNT mamnon.com