Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nỗi khổ của giáo viên mầm non công lập: Khó sống với lương hợp đồng


Các trường mầm non của quận Tây Hồ đang rơi vào tình trạng khủng hoảng thiếu tới 49 giáo viên và việc tuyển giáo viên cho các trường là hết sức khó khăn. Ngay sau đó, nhiều bạn đọc đã gọi điện đến Tòa soạn chia sẻ, thông cảm với nỗi khổ của giáo viên mầm non, đồng thời có kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết vấn đề này.

Áp lực ngày càng cao
Bạn đọc Ngô Thị Loan thay mặt nhiều người dân phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng nêu ý kiến: Thật là tủi thân cho nhiều cô giáo mầm non ở quận Tây Hồ vì mỗi tháng chỉ được hưởng mức lương khiêm tốn chưa đến 1 triệu đồng. Trong khi ngày nào các cô cũng phải đứng lớp từ 7h sáng đến 17h chiều để chăm sóc, dạy dỗ các cháu. Ngày nghỉ, các cô phải dành thời gian chuẩn bị giáo án, tranh ảnh phục vụ cho lớp học. Thử hỏi, với mức thu nhập quá ít ỏi trong thời buổi giá cả "leo thang" như hiện nay thì cuộc sống của các cô có đảm bảo không và ai dám chắc rằng với thu nhập như vậy, các cô sẽ tận tụy, yêu nghề "trồng người"?

Bà Vũ Tuyết Minh ở quận Thanh Xuân vốn là giáo viên mầm non đã nghỉ hưu nhìn nhận vấn đề trên ở một khía cạnh khác. Đó là việc dạy trẻ hiện nay không đơn giản. Giáo viên thiếu mà học sinh thì đông, thậm chí quá tải. Các cô vừa dạy vừa trông nom, phục vụ các cháu tận tình, chu đáo, kể cả phục vụ các cháu đi vệ sinh. Nhưng chỉ cần sơ sẩy để các cháu ngã, nghịch bẩn hoặc quát cháu hơi to và khi phụ huynh biết là làm to chuyện ngay, đề nghị cô giáo và nhà trường có giải trình, xin lỗi, thậm chí phải bồi thường thỏa đáng!


Giờ học hát tại trường Mầm non công lập Lê Quý Đôn, quận Hai Bà Trưng

Mới đây, có phụ huynh còn đề nghị một số cơ quan báo chí vào cuộc đưa tin việc con mình đang theo học tại một trường mầm non bị cô giáo có hành vi "quá tay", gây thương tích cho con. Có thể nói, áp lực đối với giáo viên mầm non ngày càng nặng nề.

Thiếu giáo viên công lập - Trách nhiệm của ai?
Về vấn đề thiếu giáo viên mầm non tại quận Tây Hồ, bạn đọc Nguyễn Tiến Chữ ở quận Hoàng Mai thẳng thắn: Trách nhiệm giải quyết vấn đề trên thuộc về lãnh đạo UBND và Phòng Giáo dục - Đào tạo quận Tây Hồ.

Bạn đọc này nêu câu hỏi: Việc thiếu giáo viên có đồng nghĩa với kém chất lượng dạy và học không trong khi Liên Bộ Giáo dục - Đào tạo và Nội vụ đã có Thông tư liên tịch ngày 28-11-2007 về việc "Hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập" nêu rõ lớp có trẻ bán trú: 2 giáo viên phụ trách một lớp có từ 25 đến 30 trẻ và lớp mẫu giáo nếu nhiều hơn 10 trẻ thì được bố trí thêm một giáo viên.

Rõ ràng khi một giáo viên phụ trách một lớp có số học sinh vượt quá mức quy định thì không thể đảm đương chăm sóc, dạy các cháu đạt chất lượng.

Một số bạn đọc cũng cho rằng, để "hút" giáo viên về với trường mình, ngành giáo dục cần nâng mức lương khởi điểm cao hơn, đồng thời có chế độ thi tuyển công chức, không để giáo viên "chung sống" mãi với mức lương hợp đồng thì các cô mới yên tâm phục vụ lâu dài. Không thể trông chờ vào khoản đóng góp của phụ huynh học sinh để giảm bớt khó khăn cho các cô vì đó chỉ là giải pháp tạm thời. Hơn nữa, nếu các mức đóng góp này không đúng quy định hiện hành sẽ gây phản ứng tiêu cực từ phía cha mẹ học sinh.

Được biết, không chỉ quận Tây Hồ mà một số quận khác trên địa bàn thành phố đang thiếu giáo viên mầm non. Để giải bài toán này, thành phố cần chỉ đạo ngành Giáo dục - Đào tạo phối hợp với các ngành liên quan có chính sách ưu đãi cho đội ngũ giáo viên bậc học mầm non, nhất là các cô giáo trẻ mới tốt nghiệp từ các trường đào tạo chuyên ngành.

Để khẩu hiệu "Vì tương lai con em chúng ta" đi vào cuộc sống, đạt kết quả cao thì trước hết chúng ta cần phải chia sẻ, thông cảm với nỗi khổ của các cô giáo, giúp đỡ các cô vượt qua khó khăn, cải thiện đồng lương, thu nhập chính đáng...

Theo Tin Tức