Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chỗ học cho trẻ mầm non Hà Nội: "Liệu cơm gắp mắm"


Giờ học của các cháu trường Mầm non Hoa Sữa (quận Long Biên). Ảnh: Trung Kiên
Sức hút tự nhiên của Thủ đô cùng với sự gia tăng dân số cơ học trong vài năm gần đây đã khiến ngành GD-ĐT Hà Nội đứng trước bài toán khó giải về việc đáp ứng chỗ học cho HS, đặc biệt là với trẻ trong độ tuổi mầm non..

Thiếu chỗ học
Theo thống kê sơ bộ của Sở GD-ĐT Hà Nội, sau khi mở rộng địa giới hành chính, ngành học mầm non có 767 trường học, 423 nhóm lớp và gần 800 nhóm, lớp tư thục, thu hút khoảng 285.000 trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Năm học trước, Hà Nội huy động được 17% bé ở độ tuổi nhà trẻ, 90% trẻ mẫu giáo (trong đó có 99,8% trẻ mẫu giáo 5 tuổi) ra lớp. Do có sự thay đổi khi mở rộng địa giới, năm học này Hà Nội cố gắng huy động 23% trẻ nhà trẻ, 82% trẻ mẫu giáo ra lớp. Con đường tới trường của 18% trẻ mẫu giáo và 77% trẻ nhà trẻ còn lại đang xuất hiện những gập ghềnh...
Theo quy định, mỗi phường/xã đều có một hệ thống trường từ mầm non, tiểu học tới THCS để phục vụ HS tại địa bàn nhưng chỉ tính riêng khu vực nội thành, đã thấy ít nhất có 2 quận còn một số phường chưa có trường mầm non như Đống Đa (3 phường), Hai Bà Trưng (2 phường)... Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Long Biên... đều thiếu trầm trọng chỗ học cho trẻ mầm non.

Tình trạng mỗi lớp phải “nhồi” từ 50 đến 60 trẻ khá phổ biến ở các huyện. Vài năm trước, tình trạng xếp hàng từ đêm để đăng ký cho con, cháu học mẫu giáo chỉ có ở vài trường nội thành, giờ đã lan về huyện. Việc chọn ai, bỏ ai trở thành bài toán chung khó giải với nhiều trường. Vậy mới có chuyện, Ban giám hiệu trường nọ phải chọn cách bắt thăm tuyển sinh, bất kể là con cháu ai, quan hệ thế nào... Thiếu phòng học, nhiều trường ở khu vực khó khăn phải tổ chức cho HS học lớp ghép. Trường mầm non Tiên Phương (huyện Chương Mỹ) có 18 lớp ở 6 điểm lẻ, nhiều điểm lẻ chỉ có một lớp ghép cho cả 3 độ tuổi; trường mầm non Liên Phương (huyện Thường Tín) có 8 lớp, hầu hết đều có sĩ số trên dưới 60 cháu...

Tìm lời giải cho bài toán khó
Theo quy định của Điều lệ trường mầm non và Quy chế nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ mầm non, sĩ số trẻ nhà trẻ là 30 HS/lớp, mẫu giáo bé - 35 HS/lớp, mẫu giáo lớn - 40 HS/lớp. Nhưng, hiếm có nơi nào thực hiện được theo quy định này bởi số lượng HS trong độ tuổi ra lớp ngày càng nhiều. Ông Đặng Văn Trường, trưởng phòng GD-ĐT quận Hoàng Mai cho biết: Dân số quận ngày mới thành lập là 17 vạn người, nay tăng lên 28 vạn, nhưng con số 18 trường mầm non vẫn không thay đổi. Chưa kể tới hàng loạt khu đô thị mới như Linh Đàm, Định Công, Pháp Vân - Tứ Hiệp... không có trường mầm non. Số trường, lớp mầm non hiện có chỉ đáp ứng cho 10 nghìn trẻ trong tổng số 25 nghìn trẻ trong độ tuổi. Tương tự, quận Ba Đình có 19 trường mầm non, đủ cho khoảng 12 nghìn trẻ ra lớp, theo tính toán là còn thiếu khoảng 6 - 7 trường. 3 trường mầm non của phường Sài Đồng (quận Long Biên) năm nay cũng chỉ đáp ứng chỗ học cho 75% trẻ trong độ tuổi (1.200 HS), chưa kể tới diện HS con các gia đình đăng ký tạm trú trên địa bàn phường...

Thực tế ấy cho thấy, để đạt tỷ lệ huy động 23% trẻ nhà trẻ, 82% trẻ mẫu giáo ra lớp như mục tiêu đề ra, các trường sẽ phải tiếp tục gồng mình. Mục tiêu đạt trường chuẩn quốc gia lại càng xa vời. Trong điều kiện ấy, như bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết, Hà Nội cố gắng giữ vững số lượng và tỷ lệ trẻ ra lớp như hiện nay và tạo điều kiện tối đa để số trẻ đã được đến trường đều được bảo đảm chế độ nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ...

Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Việc giải quyết tình trạng thiếu trường, lớp cho trẻ mầm non sẽ được triển khai trên cơ sở điều kiện thực tế từng khu vực. Cụ thể, với các quận nội thành khó khăn về quỹ đất, Sở tập trung đẩy mạnh công tác xã hội hóa với việc mở thêm nhiều các trường, nhóm lớp ngoài công lập; kêu gọi sự chung tay của các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn dành quỹ đất cho giáo dục. Với các khu đô thị mới xây, Sở kiến nghị với thành phố yêu cầu chủ đầu tư phải có quy hoạch cho trường học, đồng thời khẩn trương điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học. Các trường mầm non ở địa bàn Hà Tây cũ và một số xã của Hòa Bình, Vĩnh Phúc sắp tới sẽ được cấp định mức 2 triệu đồng/trẻ/năm như với các trường ở Hà Nội hiện nay nhằm giúp các trường tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, ổn định đội ngũ để phục vụ công tác chăm sóc, giáo dục trẻ tốt hơn. Ngoài việc gom các điểm lẻ ở gần nhau lại, việc xóa phòng học tạm, học nhờ và xây dựng khu trung tâm kiên cố (với các trường có nhiều điểm lẻ) cũng đã được đưa vào chương trình mục tiêu của ngành. Những nỗ lực ấy sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu trường, thiếu lớp hiện nay nhằm thực hiện mục tiêu bảo đảm mọi trẻ đến tuổi đều được đến trường, được chăm sóc, giáo dục trong môi trường an toàn. Việc tìm lời giải cho bài toán này rõ ràng không chỉ cần sự vào cuộc của ngành giáo dục, mà còn của toàn xã hội.

Theo Hà Nội Mới