Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Ngày 20/10 viết về “Người Mẹ thứ hai”.


Nhân ngày 20/10, khi cả nước đang từng bừng kỷ niệm ngày Phụ Nữ Việt Nam. Chúng ta dành chút thời gian để nói về những Người Mẹ thứ hai của những đứa trẻ, những “Cô giáo Mầm non”.

Giờ hoạt động của cháu trường 30/04 Quận 1

Sau những tràng vỗ tay, những lời tán dương chúc tụng, giáo viên mầm non lại trở về với bộn bề công việc thường ngày: nào là giáo án, sổ sách, cho bé ăn, dỗ bé ngủ, áp lực từ cấp trên, phụ huynh, gia đình nhỏ của mình v.v.. Tất cả những điều trên, mọi người cũng đã viết nhiều. Nhân ngày Phụ Nữ Việt Nam, tôi chỉ muốn chia sẻ với những chị em giáo viên mầm non đang phải từng ngày vất vả bon chen với cuộc sống để tiếp tục với “cái nghiệp” mình đã chọn.

Giáo viên mầm non - một nghề được ca tụng nhiều nhưng ai biết được nó chứa đựng lắm nỗi gian nan! Khi nhắc đến giáo viên mầm non, người ta hay nói đến những danh từ: Mẹ hiền, Người Mẹ thứ hai của trẻ, những Bà tiên của trẻ…Người ta biết tới giáo viên mầm non với những bộ đồng phục lịch sự, những khuôn mặt luôn nở nụ cười, những lời nói nhẹ nhàng và dịu dàng khi tiếp xúc với trẻ và với phụ huynh, nhưng đằng sau những hình ảnh đó có ai biết rằng còn có một hình ảnh khác về giáo viên mầm non mà nếu không nói thì có lẽ chẳng ai biết được.

Với cuộc sống khó khăn như hiện tại, với mức lương eo hẹp hiện nay giáo viên mầm non đã làm gì để có thể tiếp tục theo đuổi con đường mình đã chọn. Để có thể tiếp tục thắp lên ngọn lửa yêu nghề, yêu người, giáo viên mầm non đã phải tất bật lo toan cho cuộc sống để rồi mỗi sớm mai lại đến lớp với vai trò là cô giáo, là mẹ hiền.

Nghe được tâm sự của các cô mới thấy được, để đi tiếp con đường mình đã chọn, thật quá gian nan. Một cô giáo trẻ ở quận 11 đã tâm sự, “Sau mỗi giờ làm, em vội ăn qua loa gì đó rồi chạy lên quận 1 để làm thêm buổi tối cho một phòng trà. Em làm thêm từ 19h cho đến 22h, hôm nào tranh thủ buổi trưa soạn giáo án thì khuya về được ngủ, hôm nào làm đồ dùng dạy học thì về tới nhà là em phải thức làm cho đến 1, 2 giờ sáng. Với mức lương trường công có 1,5triệu/tháng thì làm sao sống được ở thành phố hả chị? Làm chỗ này lịch sự và lương cũng khá nên cũng đỡ, trường của em phụ huynh cũng không giàu có gì nên cũng không trông chờ vào quà cáp của phụ huynh đâu, nhiều khi còn phải bỏ tiền túi ra để làm đồ dùng dạy học đó chứ”.

Còn cô M.H, đã 13 năm theo đuổi nghề dạy trẻ tâm sự mà rơi nước mắt, “Với những giáo viên dạy khối lá thì còn có thể dạy kèm chữ cho cháu ngoài giờ, thu nhập cũng khá, còn như giáo viên dạy nhà trẻ và lớp mầm như chúng tôi, với mức lương như hiện nay, có những cô giáo để lo cho con ăn học, mỗi tối đã phải đi giúp việc theo giờ cho những gia đình giàu có, những doanh nghiệp, đơn vị cần người giúp việc, tạp vụ buổi tối”.

May mắn hơn một chút, giáo viên mầm non có hoa tay thì làm hoa giấy rồi gửi vào các nhà sách và các quầy hàng lưu niệm nhờ họ bán dùm, cũng có giáo viên nhận đồ gia công về may, nhận dán nhãn, phong bì ngoài giờ .v.v…

Đấy là giáo viên mầm non ở thành phố, còn có việc để làm thêm. Các giáo viên ở vùng sâu, vùng xa thì sao? Từ sáng sớm tinh mơ tranh thủ cho mảnh vườn bé tí, tối về đến nhà là tất bật lo toan nội trợ,..Thu nhập thêm từ hoa lợi chẳng đủ cho con thêm hộp sữa, ngày mỗi ngày gánh nặng cứ nặng thêm, vậy mà họ vẫn là những “Cô giáo như Mẹ hiền”.

Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi công việc, nhưng để bám trụ được với nghề, họ đã phải bươn trải rất nhiều công việc chỉ mong sao có thu nhập đủ để trang trải cho cuộc sống.

Tôi đã đọc được ở đâu đó: “Nếu không sống được bằng lương thì phải sống bằng bổng (lậu)”, nhưng đâu phải giáo viên mầm non nào cũng có may mắn dạy ở những trường, lớp mà phụ huynh có điều kiện quan tâm tới giáo viên. Trước khi đợi người khác “quan tâm” đến mình, thì không ít giáo viên đã tự “cứu” mình bằng nhiều cách khác nhau và mục đích cuối cùng cũng chỉ để có thu nhập đảm bảo cho cuộc sống và ngày mai, họ lại đến trường là một giáo viên với nụ cười luôn ở trên môi.

Cũng như bao giáo viên mầm non khác, tôi mong rằng chỉ một ngày gần đây thôi, rồi mọi người sẽ hiểu, sẽ quan tâm đến ngành mầm non và có những chính sách, biện pháp tích cực để giúp đảm bảo đời sống của giáo viên mầm non, để mỗi cô giáo mầm non không còn mỗi tối tất bật lo toan “chạy sô” và mỗi chiều về, họ thanh thản mỉm cười và tự hào hát lên câu hát: Mùa xuân ai đi hái hoa, còn em cô nuôi dạy trẻ…

Kiều Thư mamnon.com