Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Hành vi và thái độ của Giáo viên mầm non


Hành vi và thái độ của giáo viên ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển tâm lý trẻ.

Lứa tuổi mầm non là lứa tuổi có sự phát triển mạnh mẽ về tâm, sinh lý. Đây là thời kỳ trẻ phát triển các quá trình nhận thức, hình thành nhân cách và ảnh hưởng, tác động rất lớn đến sự phát triển của các giai đoạn tiếp theo.


Đối tượng giảng dạy của giáo viên mầm non là trẻ từ 0-6 tuổi, lứa tuổi mà mọi hành vi nhân cách của trẻ đều phụ thuộc ở người lớn, đặc biệt là giáo viên mầm non.

Trẻ đến trường học và xem giáo viên là thần tượng. Vì vậy mọi hành vi của cô giáo ở trường đều tác động mạnh mẽ đối với trẻ, nhất là trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ và đầu tuổi mẫu giáo. Với trẻ, cô luôn luôn đúng và những gì cô làm là đúng.

Trong bữa ăn, khi người lớn nói chuyện, bé Na luôn nhắc nhở: “Khi ăn không được nói chuyện”, hỏi ra mới biết cô giáo bé dạy thế, hoặc: “Mẹ không được cãi lời ba, vì ba là anh của mẹ (bé nghe theo cách xưng hô), người nhỏ thì không được cãi lời người lớn” đó là lý lẽ của Tin (4 tuổi).

Những gì cô giáo dạy bé ở trường, hành vi và cách ứng xử của cô đều ăn sâu vào tâm trí bé và bé lấy đó làm chuẩn mực đúng để so sánh sự đúng và sai trong cuộc sống, qua đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển tâm lý trẻ. Trẻ phát triển như thế nào, phần lớn phụ thuộc vào sự giáo dục, dạy dỗ của giáo viên mầm non và cả cách ứng xử của giáo viên mầm non đối với bé, đối với đồng nghiệp và các mối quan hệ xung quanh giáo viên mà trẻ thấy được.

Một ngày thứ bảy ở nhà, chị Phương đã ngạc nhiên khi thấy con gái (bé Bo, 3 tuổi, học lớp mầm) chơi với búp bê. Bé đặt những con búp bê lên ghế, tay cầm một cái ống hút nhịp nhịp và nói, “Ngồi yên một chỗ nghe chưa, mấy người mà cấu nhau, cắn nhau là coi chừng với tui”. Khi chị Phương nhẹ nhàng trò chuyện cùng con gái và hỏi tại sao con lại nói với các em búp bê như vậy, thì Bo trả lời: “Ở lớp có mấy bạn hay cắn bạn, cô cho ngồi một góc và nói vậy”.

Còn bé Tin thường nạt em Bin (mới 2 tuổi), “Ăn nhanh lên”. Đôi khi Tin cũng nói mày tao với em, hoặc xưng tui với em mặc dù ở nhà không bao giờ ba mẹ lớn tiếng với nhau hay lớn tiếng với bé, cũng không bao giờ có ai nói mày tao v.v..

Bé Sơri lại khác, 3 tuổi mới bắt đầu đi học, trước khi đi học, ở nhà bé nhõng nhẽo, hay khóc nhè, bướng bỉnh và không biết vâng lời. Vậy mà mới đi học 2 tháng, bé đã thay đổi hẳn: biết nhường đồ chơi cho em họ, tối về bé cùng mẹ xếp quần áo (mặc dù mẹ phải chỉ bé nhưng bé vẫn chưa xếp ngay ngắn được), tự dọn đồ chơi sau khi chơi xong, đặc biệt là bé luôn biết chào hỏi khi gặp người lớn, điều này trước đây không hề có, dù mẹ đã nhắc nhở nhiều lần.

Với bé đầu tuổi mẫu giáo thì cô giáo là thần tượng, là người mẹ thứ 2 của bé nhưng với những bé cuối tuổi mẫu giáo thì quá trình tâm lý bé đã phát triển đến mức nhất định, bé có thể phân biệt đúng và chưa đúng ở một mức độ tương đối, vì vậy đôi khi bé có thể đưa ra những nhận xét từ chính hành vi của giáo viên: “Mẹ ơi, cô dạy con không được nói chuyện khi ăn, nhưng cô lại vừa ăn vừa nói chuyện”.

Bé không chỉ học hỏi từ cô giáo mà còn luôn để ý đến từng cử chỉ, hành động của cô giáo trong mối tương quan giữa cô và bé, giữa các cô với nhau và với phụ huynh để từ đó bé đưa ra những nhận xét mà đôi khi người lớn phải bất ngờ.

Chính vì vậy, để luôn là “Người Mẹ thứ hai” của bé, là “thần tượng” của bé trong những năm tháng đầu đời, là mẫu gương để trẻ noi theo và học tập, giáo viên mầm non hôm nay không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải rèn luyện bản thân trong cách ứng xử hàng ngày ở trường.

Khôi Nguyên mamnon.com