Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

TPHCM: Khan hiếm giáo viên mầm non


Theo thông tin từ Sở GD-ĐT TPHCM, cuối tháng 7-2005, dù đã khóa sổ nhận hồ sở dự tuyển vào ngạch giáo viên mầm non (GVMN) nhưng mới chỉ có 448 hồ sơ dự tuyển, trong khi chỉ tiêu tuyển là 728 người, thiếu gần 50%. Tình trạng thiếu GVMN đã bắt đầu từ năm 2003 đến nay. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh – Trưởng phòng MN (Sở GD-ĐT TPHCM) cho biết, mỗi năm TPHCM có trên 100 phòng học hệ mầm non được xây mới, bình quân mỗi lớp học cần 2 giáo viên, nghĩa là mỗi năm học TP cần có thêm 200 GVMN. Đó là chưa kể nhu cầu của các trường dân lập, tư thục, nhóm trẻ gia đình đang gia tăng. Ngành GD-ĐT đã không dự liệu trước vấn đề này, nên việc đào tạo luôn không đủ cung ứng. Chỉ tiêu tuyển sinh của trường THSP MN nhiều năm rồi vẫn giữ nguyên con số trên 200người/năm. Trước tình trạng quá thiếu GVMN, Sở đã “ mở ” bằng cách cho phép trường được nâng chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy lên 500 người nhưng thực tế chỉ có 300 người được ngân sách tài trợ học phí! Việc 200 người đào tạo nhưng phải đóng học phí liệu có nâng được số GVMN theo ý của Sở? Một cách “khắc phục” khác là Sở chỉ bổ sung GVMN về những nơi quá thiếu hoặc quá khó khăn như vùng ven, ngoại thành, ở một số quận có điều kiện thì quận phải tự tuyển, kí hợp đồng, trả lương nhưng những trường hợp này buộc phải là người có hộ khẩu tại TPHCM. Riêng những trường bán công, do tự hạch toán nên tự chi trả lương và có quyền nhận người không có hộ khẩu tại TPHCM. Tại trường MNBC Nhiêu Lộc quận Tân Phú, bà hiệu trưởng Nguyễn Thị Vân Anh cho biết, những năm gần đây trường chỉ tuyển GVMN là người các tỉnh, đơn giản là các cô này được đào tạo tại trường CĐSP MN TW3 ( đóng tại TPHCM nhưng chỉ đào tạo cho các tỉnh). Thu nhập của các GVMN hiện nay bình quân ở mức 1,2 đến 1,3 triệu đồng/tháng. Cách làm của trường MNBC Nhiêu Lộc hiện cũng là cách làm của nhiều trường khác trong thành phố. Do đó, những giáo sinh trường CĐ TW3 tuy không có hộ khẩu ở TPHCM, nhưng vẫn dễ dàng tìm được việc làm tại các trường MN ở TPHCM. Đây là nguồn chính để bổ sung số GVMN đang thiếu ở các trường MN hệ bán công. Ở khối dân lập, tư thục thì việc tuyển GVMN khó khăn hơn nhiều. Bởi mức lương GV thấp, không đảm bảo được mức lương từ 1 triệu đồng – 1,2 đồng/tháng, không có các khoản bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Do vậy, đã dẫn đến tình trạng một số trường dân lập, tư thục và nhóm trẻ gia đình buộc phải lấy người chưa học qua sư phạm vào dạy trẻ, sau đó mới đưa đi đào tạo theo hệ tại chức. Phụ nữ.