Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nước mắt cô nuôi dạy trẻ


Câu chuyện ứa nước mắt về những cô giáo mầm non ở quê, sống leo lắt bằng tiền hảo tâm, dạy trẻ kiêm việc đi đòi nợ...

Bao giờ "người ta" nghĩ lại?
Ở huyện Núi Thành (Quảng Nam) có 119 giáo viên mầm non thuộc diện hợp đồng. Ông Nguyễn Cường - Chủ tịch Công đoàn Phòng Giáo dục - Đào tạo Núi Thành, mỗi khi làm việc với Hội đồng nhân dân huyện hay cán bộ ngành cấp trên, nói tới các cô, ông lại rơi nước mắt.

Cô Trần Thị Lan (dạy trường Vàng Anh, Tam Hiệp) có bằng cao đẳng mầm non, dạy 12 năm, lương 770.000 đồng/ tháng. Nhà cô ở Tam Giang nhưng trường cô dạy là Tam Hiệp, cách 13 km. Chồng cô thất nghiệp. Cô một mình, một lương nuôi chồng, 2 đứa con.

Cô Trần Thị Lan đã dạy 12 năm, lương chỉ được 770.000 đồng/tháng (Ảnh: Cẩm Châu)

Ngoài việc dạy, cô Lan phải lo đòi tiền phụ huynh, mà chuyện này còn nhọc hơn đi dạy. Hiệu trưởng căn cứ trên "đầu" học sinh giao cho cô thu học phí, thu không đủ phải bỏ tiền bù vào. Cả huyện Núi Thành này, học phí mầm non 1 tháng chỉ có 35.000 đồng, cháu nào học bán trú thị nộp thêm 5.000 đồng tiền ăn/ngày, thế mà nhiều người... chạy làng. Có ai biết bao lần cô phải để con đói, bỏ tiền lương còi cọc của mình để đền cho phụ huynh.

Trường Hoa Sen có 15 giáo viên hợp đồng, trong đó có cô Dương Thị Thu, 52 tuổi, quê Tam Xuân, đi dạy mầm non từ năm 1976, 32 năm rồi mà lương chỉ có 1.015.000 đồng (hệ số 2.0 được xếp từ năm 2002 đến nay). Rồi cô Trần Thị Kim Thoa, 30 năm đi dạy, được xếp hệ số lương 1,76 mỗi tháng 900.000 đồng. Nếu so với những nữ công nhân ngành may Quảng Nam, bị giới chủ đối xử kém nhất thì xem ra thu nhập của họ vẫn cao hơn những người đi nuôi dạy trẻ hợp đồng.

Lỗi thuộc hiệu trưởng?
Ông Nguyễn Cường - Chủ tịch Công đoàn, nói rằng: Không tăng hệ số lương cho người ta đã ký hợp đồng lao động là lỗi thuộc các hiệu trưởng.

Cô Ngô Thị Nhân - Hiệu trưởng trường Vàng Anh, nói: Chúng tôi không thể tăng hệ số lương cho các cô vì đó là chỉ đạo của phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Núi Thành. Vào năm 2003, tài vụ của Phòng đã họp hiệu trưởng và kế toán của tất cả các trường mầm non và hướng dẫn cách tính lương như vậy.

Cô Nhân nói thêm: Mỗi năm phòng căn cứ trên "đầu" học sinh của trường tính ra tiền học phí (nhân với 35.000 đồng). Sau đó lấy số tiền này trừ cho lương cán bộ giáo viên (giáo viên hợp đồng được tính hệ số lương cố định), thiếu chừng nào thì Phòng bù. "Chúng tôi có bao nhiêu học sinh phải thu đủ chừng đó học phí, không sót đồng nào. Phòng đâu có biết chuyện phụ huynh chạy làng?".

Cô Nhân cũng nói không thể thỏa thuận tăng học phí với phụ huynh vì xã nghèo, tăng học phí, phụ huynh để con ở nhà, học sinh giảm, lớp giảm, phải sa thải giáo viên hậu quả còn tồi tệ hơn.

Vì những lý do nêu trên mà các hiệu trưởng đã buộc cô giáo hợp đồng phải cam chịu mức lương "chết đói". Như trường Vàng Anh có 5 lớp bán trú, theo quy định phải có 10 giáo viên nhưng trường chỉ tuyển 6 giáo viên. "Chừng đó giáo viên mà lương đã thấp, tăng thêm thì mỗi người còn được bao nhiêu trong khi khoản bù của phòng không tăng".

Mỗi lớp bán trú ở trường chỉ có 1-2 cô giáo, mà hầu hết là cô giáo hợp đồng, có người là giáo viên dạy giỏi, chiến sỹ thi đua cấp huyện 5 năm liền, họ lao động tích cực như thế, nhưng lương họ - những người có trên 10 năm công tác - chỉ 770.000 đồng/tháng (hệ số 1,52). Có vô lý không?

Theo Tin Tức