Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bán công hay Tư thục ?


Hiện cả nước có 8000 trường mầm non, thì có tới 5000 trường mầm non bán công đang hoạt động khá ổn định. Theo quy định của Luật Giáo dục 2005, sẽ không còn tồn tại loại hình trường mầm non này, và đến năm 2010, cả nước phải hoàn thành việc chuyển đổi từ trường mầm non bán công sang tư thục và dân lập. Tuy nhiên, trên thực tế, việc chuyển đổi này chưa được các nhà trường và xã hội chấp nhận, và cũng chưa có địa phương nào chuyển đổi thành công.

Tại một trường Mầm non bán công TP.HCM. Ảnh: vietmy.com.vn

Tại một trường mầm non bán công tại huyện miền núi Yên Thế, Bắc Giang. Mới vào đầu hè, nhưng lớp học thưa thớt, chỉ 1/3 số trẻ đi học. Nguyên nhân là do nghỉ hè, các anh chị lớn có thể ở nhà trông em, nhiều bậc cha mẹ cho con nghỉ, tiết kiệm được khoản tiền đóng học. Khoản tiền đó bao gồm: 15.000 học phí, hơn 100.000 tiền ăn, 20.000 tiền bán trú, tổng cộng chưa tới 150.000 đồng/tháng.

Hiện tại, tiền dân đóng góp đảm bảo khoảng 1/3 lương giáo viên; còn lại Nhà nước, chính quyền địa phương lo bù phần lương còn lại, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị học tập. Nếu chuyển từ loại hình bán công sang dân lập, tất cả những gánh nặng tài chính đó sẽ dồn vào vai những người dân đang tính toán tiết kiệm từng đồng học phí.

Theo bà Lê Thị Thu Oanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thị trấn Cầu Gồ, Yên Thế, Bắc Giang: "Gánh nặng đó người dân không thể đảm đương nổi. Nếu chuyển đổi thì cơ sở vật chất đã có, những giáo viên trong biên chế sẽ như thế nào, tính toán ra sao... Nếu chuyển đổi thì sẽ rất khó khăn, không thể đạt hiệu quả nuôi dạy trẻ..."

Lo ngại khi chuyển từ bán công sang dân lập, vậy chuyển từ bán công sang tư thục thì sao? Với những huyện nông thôn, miền núi, chỉ đóng góp trên dưới 20.000 học phí/tháng mà vẫn chỉ "kéo" được trên 50% số trẻ đến lớp. Vậy nhà đầu tư nào dám mua lại cơ sở vật chất, duy trì và phát triển trường mầm non ở các địa phương này?

Tỉnh Bắc Giang có 196 trường mầm non bán công trong diện chuyển đổi, nhưng chưa có một trường nào chấp nhận chuyển đổi. Luật Giáo dục ban hành đã hơn 2 năm, nhưng địa phương vẫn chưa nhận được Nghị định hướng dẫn thực hiện từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bà Nguyễn Thị Chính, Phó Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Bắc Giang cho biết: "Việc chuyển đổi vẫn ở giai đoạn dè dặt, tìm hướng đi cho phù hợp. Theo tôi, vẫn nên giữ loại hình trường bán công vì đang hoạt động rất tốt..."

Còn theo bà Nguyễn Thị Hợp, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non: "Hơn 5000 trường mầm non bán công hiện đang hoạt động khá ổn định. Nếu thực hiện chuyển đổi, trẻ em nông thôn, miền núi thấp sẽ bỏ học do bố mẹ không có tiền đóng góp, đời sống giáo viên đã khó khăn càng khó khăn hơn, thậm chí, hệ thống trường mầm non trên toàn quốc sẽ tan rã. Quan điểm của riêng bà Phó Vụ trưởng cũng không đồng tình với quy định về các loại hình trường mầm non trong Luật Giáo dục 2005".

Cũng theo bà Nguyễn Thị Hợp, chỉ nên có 2 loại hình công lập và tư thục. Tất cả những nơi điều kiện kinh tế khó khăn nên tồn tại hình thức trường công lập, và ở những vùng bớt khó khăn hơn, có thể quy định rõ về hình thức công lập tự chủ về tài chính...

Theo VTV