Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tranh cãi chuyện truy thu thuế trường tư


 
 Đánh thuế trường mầm non tư thục, trẻ em và phụ huynh phải chịu thiệt thòi - Ảnh: Thu Hồng
Việc thông báo đánh thuế và truy thu thuế các trường mầm non tư thục tại TP.HCM gây tranh cãi và bị cho là không công bằng khi cả nước chưa nơi nào áp dụng...

Chỉ có TP.HCM thông báo truy thu thuế trường tư!

Sau khi Báo Thanh Niên đăng loạt bài về việc các trường mầm non tư thục TP.HCM đang lo ngại về những thông báo và truy thu thuế của ngành thuế TP.HCM, Thanh Niên đã nhận được nhiều ý kiến bày tỏ sự lo lắng của các trường mầm non tư thục tại Hà Nội về thông tin này. Một chủ trường gọi điện thoại đến tòa soạn Báo Thanh Niên tại Hà Nội, băn khoăn: 'Tôi đang làm thủ tục mở trường, tôi được tư vấn các trường học là đối tượng được Nhà nước khuyến khích và cho hưởng ưu đãi chưa thu thuế. Bây giờ lại nghe thông tin trên về các trường mầm non tư thục TP.HCM nên tôi lo quá, không biết có nên tiếp tục mở trường không!". Không chỉ tại Hà Nội mà nhiều địa phương khác hiện vẫn chưa có thông báo giống như của các cơ quan thuế TP.HCM. Nếu các trường tại TP.HCM bị buộc truy thu thuế theo thông báo ngay, thực tế sẽ là một bất công so với các trường khác trên địa bàn cả nước.

Theo khảo sát mới đây của PV Thanh Niên tại các trường mầm non tư thục, nhiều chủ trường và cả lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội đều cho biết, chưa nhìn thấy văn bản nào của cơ quan thuế yêu cầu hay hướng dẫn việc thu thuế đối với trường mầm non tư thục. Bà Minh Hải, Hiệu trưởng trường Mầm non tư thục Minh Hải (Đống Đa, Hà Nội) - trường mầm non tư thục đầu tiên của Hà Nội đạt chuẩn quốc gia cho biết: "Từ khi trường thành lập đến nay, tôi chưa hề nhìn thấy hay biết đến một văn bản nào hướng dẫn nộp thuế. Chưa bao giờ có ai yêu cầu tôi báo cáo về thu nhập doanh nghiệp". Còn bà Nguyễn Thị Hòa, chủ trường Mầm non tư thục Nam Thắng (Hoàn Kiếm), một trong những trường mầm non tư thục lâu năm của Hà Nội cũng khẳng định: "Trường thành lập từ năm 1997 đến nay, tôi cũng chưa từng được ai nhắc đến việc nộp thuế".

Phải phân biệt "đi buôn" với làm giáo dục

 Theo công văn số 1402/TCT-PCCS ngày 11.4.2007 của Tổng cục Thuế: "Lớp mầm non tư thục là loại hình cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập cho nên phải tuân theo các quy định tương ứng của Điều lệ trường mầm non và việc quản lý thu, chi tài chính từ các nguồn tài chính của lớp mầm non tư thục phải tuân theo các văn bản quy phạm pháp luật về thuế hiện hành và Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25.5.2006". Cũng theo công văn này thì trường mầm non tư thục phải nộp thuế môn bài và mức thuế này được hướng dẫn tại Điều 2 Thông tư 42/2003/TT. Về thuế thu nhập doanh nghiệp, theo Nghị định 53/2006/NĐ-CP ngày 25.5.2006 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập, quy định các đối tượng được áp dụng mức ưu đãi trong thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó các cơ sở giáo dục-đào tạo ngoài công lập (bao gồm cả bậc học mầm non) sẽ  được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm kể từ khi có thu nhập, và giảm 50% trong 3 năm tiếp theo, trong 5 năm tiếp theo chịu 10% thuế thu nhập doanh nghiệp. Để được hưởng ưu đãi theo nghị định này, các chủ trường phải đăng ký với UBND quận, huyện, đảm bảo đúng các thủ tục về pháp lý thành lập, có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập, có con dấu và tài khoản riêng được mở tại ngân hàng thương mại hoặc kho bạc Nhà nước, thực hiện đầy đủ chế độ sổ sách kế toán theo quy định.

Tuy nhiên trên thực tế, cách hiểu chung của các chủ trường mầm non tư thục đều cho rằng: các cơ sở giáo dục-đào tạo thuộc đối tượng ưu tiên, không bị đánh thuế! Hầu hết các trường mầm non tư thục ở Hà Nội đều không có hệ thống sổ sách kế toán, nếu có thì chỉ có sổ sách quản lý nuôi (hệ thống sổ sách nuôi), nhiều trường vẫn "vô tư" thu-chi không cần đến "hóa đơn đỏ", không sử dụng mẫu hóa đơn của cơ quan thuế. Ngay trên phiếu thu tiền học phí, tiền ăn... hằng tháng của học sinh, cũng mỗi trường một mẫu khác nhau.
"Cách đây khoảng chục năm, loại hình trường mầm non tư thục còn mới mẻ ở Việt Nam. Tôi mở trường có ai, có đơn vị nào đứng ra hướng dẫn đâu. Tôi phải tự mày mò, tự làm, tự rút kinh nghiệm. Sau 4 năm trường tôi mới có đủ học sinh, đến bây giờ sau biết bao cố gắng mới có được cơ ngơi thế này, thế mà đòi xếp tôi vào với doanh nghiệp để tính thuế", bà Minh Hải bức xúc nói. Bà Nguyễn Thị Hòa thẳng thắn: "Nếu cứ áp kinh doanh giáo dục với các hình thức kinh doanh khác thì ngay khi có thông báo nộp thuế trường này sẽ trả lại giấy phép, đóng cửa luôn. Phải phân biệt "đi buôn" với làm giáo dục chứ".

"Nếu buộc phải đóng thuế thì có khả năng nhiều trường mầm non tư thục sẽ phải tăng học phí. Tiền học cao đương nhiên người dân phải gánh chịu vì chủ trường không chịu giữ mức học phí như hiện nay để chấp nhận nộp thuế" - bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, nhận định. "Khi có chủ trương của Nhà nước thì các trường phải thực hiện, nhưng nếu coi trường học như tất cả các doanh nghiệp kinh doanh khác thì phải có cách gì đó để tạo điều kiện cho nhà trường phát triển, ví dụ như chính sách "hoàn thuế" chẳng hạn, nếu không việc thu thuế sẽ gây khó khăn cho xã hội hóa giáo dục mầm non. Chúng ta đang khuyến khích xã hội hóa loại hình này mà lại đánh thuế cao đối với các trường tư thục thì làm sao khuyến khích họ mở trường cho dân được", bà Bích nói.

Các chủ trường đều bày tỏ bức xúc về tiền ăn của trẻ cũng bị đánh thuế. Mức tiền ăn trung bình mà nhiều trường mầm non tư thục ở Hà Nội đang thu hiện nay là từ 7.000 đồng đến 10.000 đồng/ngày/trẻ. Một số trường mầm non "chất lượng cao" thu từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng/ngày/trẻ. Nếu trong tháng trẻ nghỉ có lý do (có phép) thì những ngày nghỉ ấy nhà trường sẽ thanh toán lại tiền ăn cho phụ huynh (số tiền ăn quy định cho mỗi ngày). Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích cho rằng: "Đánh thuế tiền ăn của trẻ là không thể chấp nhận được. Phải tách riêng tiền ăn ra để tính toán một cách kỹ lưỡng trước khi có ý định áp dụng một mức thuế. Vì đánh thuế tiền ăn của trẻ là ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng bữa ăn của trẻ, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng chăm sóc trẻ". Một số chủ trường cũng khẳng định: "Chúng tôi chỉ "giữ hộ" phụ huynh tiền ăn của trẻ để chi tiêu hằng ngày giúp phụ huynh, không thể dùng tiền ăn của trẻ chi tiêu những việc khác. Thực tế, với những trường thu tiền ăn 10.000 đồng/ngày/trẻ không thể coi là "rủng rỉnh" để mua và chế biến đồ ăn, thức uống cho trẻ. Chưa kể, các trường phải đối mặt với sự leo thang của giá thực phẩm".

Không thể phủ nhận Nghị định 53 về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập, quy định các đối tượng được áp dụng mức ưu đãi trong thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó có các cơ sở giáo dục-đào tạo ngoài công lập là hợp lý. Tuy nhiên, những băn khoăn, trăn trở của các trường mầm non tư thục đáng để cơ quan thuế và các cơ quan chức năng phải xem xét và tính toán các mức thuế phù hợp với đặc trưng của các cơ sở giáo dục-đào tạo. Các chủ trường khẳng định, cách duy nhất để các trường mầm non tư thục có thể nộp thuế, đó là phải tăng học phí. Như vậy, gánh nặng học phí lại đổ lên đầu những người lao động, nhân viên nhà nước có thu nhập thấp, và sẽ tái lập hiện tượng phụ huynh cố "chen chân" cho con vào các trường công lập (vốn đã quá tải sẽ càng trở nên quá tải) để được hưởng mức học phí thấp hơn.

( Theo Thanh Niên )