Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trường Mầm non bán công Hướng Dương: ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy


Là trường chuẩn Quốc gia của tỉnh, trong những năm qua Trường Mần non bán công Hướng Dương đã không ngừng phấn đấu vươn lên về mọi mặt. Trong đó việc đưa công nghệ thông tin vào giảng dạy trong nhà trường là một chương trình mang tính sáng tạo và tính giáo dục cao.

* Hợp sức xây dựng môi trường sư phạm hiện đại

 
 Các bé tự học trên máy vi tính
Cô Trần Thị Ngọc Lan - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, xuất phát từ chương trình Techmax mà Ban giám hiệu nhà trường nảy sinh ý định ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Bởi qua tiếp xúc Ban giám hiệu thấy chương trình khá đa dạng về chủ đề, hình ảnh sinh động giúp các cháu hứng thú học tập, tiếp thu nhanh và phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của trẻ. Từ đó tạo mối quan hệ giao tiếp cởi mở giữa trẻ với nhau và với cô giáo. Tuy nhiên, để đáp ứng những nội dung yêu cầu giảng dạy theo chương trình mới, đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức và óc sáng tạo trong  vận dụng các hình thức, phương thức giảng dạy mới. Trước những yêu cầu mới về công tác giảng dạy, Ban giám hiệu nhà trường đã tạo mọi điều kiện cho giáo viên học tập nâng cao trình độ và trang bị máy móc phục vụ công tác giảng dạy. Ban đầu nhà trường cho toàn thể giáo viên học vi tính, sau giáo viên nào có nhu cầu học tập nâng cao nhà trường hỗ trợ thêm kinh phí. Sau khi có những kiến thức căn bản về tin học, nhà trường tiếp tục tạo điều kiện cho 100% giáo viên vay tiền ngân hàng trang bị máy vi tính để làm việc tại nhà.

Buổi đầu thực hiện chương trình đổi mới giáo dục, nhiều phụ huynh học sinh đã tỏ ra băn khoăn lo lắng và cho rằng “con nít mà học vi tính nỗi gì”. Thế nhưng cách nhìn nhận của phụ huynh học sinh đã thay đổi ngay sau khi chứng kiến con mình say mê với những bài học sinh động trên máy vi tính và tiếp thu một cách nhanh chóng các bài học. Chính từ đó nhiều phụ huynh học sinh đã chủ động quyên góp tiền mua máy vi tính, máy in và các trang thiết bị khác tặng cho nhà trường để nhà trường đưa vào giảng dạy. Không chỉ có phụ huynh học sinh, mà ngành giáo dục cũng vào cuộc. Ngoài việc trang bị thêm máy vi tính cho nhà trường, ngành còn trang bị máy chiếu, máy in phục vụ tốt nhất cho công tác giảng dạy của trường. Nhờ vậy mà cho đến nay trường đã có 26 máy vi tính /14 lớp học.

* Mẫu giáo cũng click chuột

 
 Các bé tại trường Mẫu giáo Hướng Dương
Cô Trần Thị Ngọc Lan cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy đã tạo ra sự lôi cuốn mạnh mẽ khả năng tập trung của trẻ về bài học. Chỉ bằng một cú click chuột, một thế giới mới sẽ mở ra với khá nhiều hình ảnh ngộ nghĩnh, âm thanh vui nhộn, các cháu thoả thích ngắm nhìn và biểu lộ cảm súc của mình. Từ đó các trẻ có khả năng phát triển ngôn ngữ, nhận biết đúng sai về những hình ảnh, đồ vật. Nếu so sánh giữa phương pháp giảng dạy truyền thống và phương pháp mới có ứng dụng công nghệ thông tin thì phương pháp mới sẽ khá thú vị. Chẳng hạn với đề tài “Côn trùng”, “Gia súc gia cầm”, “những con vật sống trong rừng” nếu như dạy theo phương pháp truyền thống thì giáo cụ trực quan của giáo viên là những bức tranh hoặc những đồ dùng do giáo viên tự làm để giảng dạy. Với phương pháp học truyền thống, các trẻ sẽ tiếp thu bài một cách thụ động. Tuy nhiên bằng phương pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, hình ảnh động và thật sẽ giúp các em hứng thú và nhận biết một cách hoàn toàn chính xác đâu là con vật sống trong rừng, đâu là con vật nuôi trong nhà, đâu là con vật sống dưới nước, đâu là con vật sống trên cạn…

 
 Trường Mẫu giáo Hướng Dương
Ngoài ra, giáo viên còn sử dụng phần mềm Happykid để ôn luyện cho các bé về kỹ năng so sánh, phân loại và phát triển tư duy qua việc làm quen với các biểu tượng toán học, số lượng, kích thước, hình dạng, không gian…  Cụ thể đối với môn làm quen chữ viết, giáo viên có thể dạy trên máy vi tính như cách hướng dẫn trẻ đồ chữ cho đúng phương pháp, phát âm và nhận biết chữ cái một cách chính xác…Hiện nay, một số nhà sản xuất về công nghệ thông tin đã cung ứng nhiều phần mềm để giáo viên có thể sưu tầm ứng dụng vào giảng dạy như chương trình vui học Kisdmart, Happykid, Bút chì thông minh, Bé tập tô màu… Từ những chương trình này, giáo viên có thể dùng làm tư liệu, hoặc khai thác các ý tưởng của các trò chơi để vận dụng vào việc tổ chức hoạt động cho trẻ hoặc làm thêm nhiều đồ dùng, đồ chơi phục vụ các hoạt động học tập, sinh hoạt của trẻ.

Từ phương thức giảng dạy trên, bắt đầu từ năm 2006, nhà trường phát động toàn thể giáo viên soạn giáo án điện tử và sau đó đã ứng dụng một số giáo án vào giảng dạy. Song song đó, phong trào thi đua làm đồ dùng học tập cho các bé cũng khá sôi nổi. Riêng năm 2006, nhà trường đưa ba bộ đồ dùng học tập đi dự thi Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai thì có 2 bộ đồ dùng đoạt giải II và III.

( Theo dongnai.gov.vn )