Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Ba Đình: Đưa bóng đá vào...mầm non


Thủ đô đang bận rộn chuẩn bị lễ kỷ niệm ngày thành lập ngành 27-3. Mỗi quận, huyện đều có cách tổ chức riêng. Ba Đình là đơn vị có cách làm khá táo bạo: lần đầu tiên tổ chức giải bóng đá mini khối mầm non. “Tôi nghĩ mãi rồi. Nếu lễ kỷ niệm ngày thành lập ngành vẫn diễn ra với các màn diễu hành, biểu diễn võ thuật, văn nghệ thông thường, thì sao mình không sáng tạo một cách làm mới, trẻ trung và sôi nổi hơn ? Đó là một lý do khiến anh em chúng tôi quyết làm thí điểm giải bóng đá mầm non trong dịp này” - Phó giám đốc Trung tâm TDTT Ba Đình Nguyễn Tiến Dũng cho biết. Giải khai mạc sáng 26-3 tại sân Quán Thánh với sự góp mặt của 16 đội bóng thuộc các trường mầm non của quận. Thực ra, nếu nói về việc thí điểm bóng đá mầm non thì hồi năm 1996 đã có một giải mini do Kodak tài trợ. Nhưng đó là giải toàn thành phố, với tất tật chỉ có 12 đội tham dự. Lần này, chỉ riêng một trung tâm TDTT cấp quận mà dám đảm nhận tổ chức và thu hút được 16 trường học tham dự, quả không dễ chút nào. Được cái, Ba Đình có ưu thế về môn bóng đá khi có gần 10 cán bộ, nhân viên là HLV, trọng tài bóng đá. Một HLV trẻ cười bảo: “Từ hàng tháng nay, anh em đều xuống các trường, tập huấn cho giáo viên để hướng dẫn tổ chức sân chơi cho các cháu. Làm sao để các cháu nhận biết cầu thủ, thủ môn, biết sút về phía cầu môn đối phương - thế đã là tốt lắm”. Vì sao Ba Đình không tổ chức một giải bóng đá tiểu học, hay THCS cũng “xôm trò” nhưng lại đỡ vất vả hơn ? Ông Dũng chia sẻ: “Đây là một sân chơi đúng nghĩa của nó. Các cháu chơi bóng với đầy đủ sự ngây thơ, trong sáng đáng yêu, các bậc phụ huynh, thầy cô vui với từng bước chạy của con em mình. Nói thực, tôi xem các cháu đá, thấy lòng nhẹ nhàng, vui vẻ, còn thấy vui hơn đi xem giải chuyên nghiệp bây giờ”. Ý tưởng tổ chức giải mầm non xuất hiện cũng vì nhiều lẽ khác. Hà Nội dự kiến xây dựng môn bóng đá bài bản với chiến lược đào tạo 10 năm, từ 2005-2015. Vừa rồi, Ba Đình cũng có người đi cùng đoàn cán bộ của Sở TDTT học mô hình đào tạo bóng đá ở Nghệ An để về triển khai thí điểm. Cán bộ thể thao ở đây muốn xây dựng bóng đá từ cơ sở, và tạo một tầm nhìn cho các bậc phụ huynh: làm sao bố trí để các cháu được vừa học, vừa chơi thật hài hòa. Đó còn là sự thay đổi nhận thức về bóng đá. Cùng với sự phát triển của xã hội, bóng đá đang trở thành một nghề và việc các cháu tập đá bóng ngay từ lứa tuổi mầm non không khác bao nhiêu so với việc các cháu chọn môn nhạc, họa... để phát triển năng khiếu, sau này có thể thành nghề, thành tài. Đá bóng cũng là một nghề trong tương lai. Nhưng trên hết vẫn là giá trị của một sân chơi thực sự. Nhiều phụ huynh thậm chí còn đóng tiền, mua giày, dép, quần áo và tài trợ cho đội bóng của trường, lấy ôtô riêng để chở các cháu đến sân tập, một cách quan tâm phát triển toàn diện cho con em mình. Với anh em cán bộ thể thao Ba Đình, giải là một kỷ niệm đẹp trước ngày họ bàn giao khu Quán Thánh để Chính phủ làm công trình khác. HNM