Giáo dục mầm non
   Xóa biên chế với tất cả giáo viên tuyển mới
 

"Đến năm 2010, 100% giáo viên được tuyển dụng thực hiện chế độ hợp đồng, ai dạy tốt sẽ được ký hợp đồng tiếp, không có biên chế", Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nguyễn Hữu Châu trao đổi với báo chí, ngày 31/12.

GS Nguyễn Hữu Châu. Ảnh: M.Y.

- Ông có thể nói rõ hơn về chủ trương ký hợp đồng lao động với giáo viên mới?
- Chiến lược giáo dục đến năm 2020 có quan điểm tạo ý thức phấn đấu trong mỗi cá nhân, từ học sinh đến giáo viên. Một trong những giải pháp để nâng cao tính cạnh tranh là tạo sự phấn đấu cho người dạy.

Giống như nhiều nước, chúng ta sẽ tiến tới bỏ biên chế, thay bằng hợp đồng và khi làm tốt sẽ được ký hợp đồng tiếp. Đi các nước tôi thấy, những hiệu trưởng giỏi luôn có hợp đồng và ở những trường tốt, chúng ta cũng sẽ làm như vậy. Bộ đang có kế hoạch cụ thể, năm 2008 đã bắt đầu thí điểm và năm 2010 sẽ tiến tới 100% người được tuyển dụng thực hiện chế độ hợp đồng.

- Ngành giáo dục từng khủng hoảng thiếu giáo viên nên phải có giải pháp thu hút người. Nhiều người lo ngại chính sách mới này sẽ khó thu hút được lao động?

- Hiện, giáo viên tiểu học không thiếu, thậm chí còn thừa. Chúng ta thiếu giáo viên ở một số môn học đặc thù, nhất là giáo dục công dân, giáo dục thể chất, ngoại ngữ, tin học... Chủ trương tiến tới ký hợp đồng với giáo viên hoàn toàn là cơ hội để chúng ta có thể tiếp tục mời và ký hợp đồng với những người bên ngoài.

- Nhiều ý kiến cho rằng, đội ngũ giáo viên tồn tại cả diện trong biên chế (cũ)và hợp đồng (mới tuyển) sẽ khó tạo sự cạnh tranh lành mạnh. Là người tham gia soạn thảo chiến lược này, ông nghĩ thế nào?

Năm 2007-2008, cả nước có hơn 170.000 giáo viên mầm non, gần 350.000 giáo viên Tiểu học, hơn 310.000 giáo viên THCS, hơn 130.000 giáo viên THPT, gần 15.000 giáo viên TCCN, gần 60.000 giảng viên ĐH...

- Trong giai đoạn giao thời, sẽ vẫn có giáo viên trong biên chế và ngoài biên chế. Chúng ta phải chấp nhận thực trạng này nhưng sẽ có giải pháp hỗ trợ để vẫn tạo thái độ làm việc đúng mức, cống hiến nhiều hơn nữa của đội ngũ giáo viên biên chế. Bộ sẽ giao cho Vụ Tổ chức cán bộ lo việc này.

Những người trong biên chế rất dễ cậy mình đã yên vị. Do vậy, chúng ta sẽ có chính sách đánh giá thực chất từng người. Sinh viên đánh giá giảng viên, học sinh đánh giá giáo viên và trao quyền trả lương cho hiệu trưởng. Việc trả lương này sẽ được thực hiện thí điểm vào năm 2009. Tôi tin chắc, bằng cơ chế hiệu trưởng trả lương cho từng giáo viên, người trong biên chế cũng phải thay đổi.


Từ năm 2010, giáo viên mới được tuyển sẽ ký hợp đồng lao động. Ảnh: Tiến Dũng.


- Viện Khoa học Giáo dục vừa khảo sát việc đổi mới phương pháp giảng dạy ở các trường học và nhận thấy các trường sư phạm chậm đổi mới nhất. Ông có thể nói rõ hơn kết quả về vấn đề này?

- Hiện, việc đổi với giáo dục ở phổ thông rất mạnh nhưng chưa thực chất, nhiều chỗ vẫn chỉ là hình thức. Người ta vẫn nghĩ rằng đổi mới phương pháp dạy và học phải là giơ tay phát biểu, chia nhóm... Nhưng thực ra đó phải là tận dụng những phương pháp truyền thống tốt nhất và làm cách nào để giới trẻ làm việc nhiều nhất. Có thể các em không giơ tay nhưng lại hoạt động rất tích cực về trí não.

Chúng tôi đã tiến hành khảo sát mang tính tình huống ở 10 trường sư phạm và nhiều trường đại học khác. Ở bậc học này, chủ yếu vẫn là thuyết trình. Trong khi thuyết trình nếu có mức độ thì tích cực nhưng lạm dụng thì sẽ mất tác dụng.

Hệ sư phạm những năm vừa qua làm chưa tốt, đào tạo người thầy chưa vững vàng kể cả kiến thức lẫn nghiệp vụ sư phạm. Trong đổi mới phương pháp giảng dạy, tồi tệ nhất là các trường sư phạm.

14 dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo đến năm 2020
1. Thực hiện phổ cập giáo dục mẫu giáo 5 tuổi, duy trì kết quả xóa mù chữ và phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, củng cố kết quả phổ cập trung học, và hỗ trợ phát triển giáo dục thường xuyên.
2. Đổi mới chương trình, sách giáo khoa và các tài liệu dạy học.
3. Đổi mới đánh giá và phát triển hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục.
4. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.
5. Thu hút đội ngũ trí thức Việt kiều và nước ngoài tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.
6. Đào tạo, bồi dưỡng học sinh, sinh viên tài năng.
7. Tăng cường chất lượng và hiệu quả giáo dục đạo đức trong nhà trường.
8. Xây dựng hệ thống thông tin về thị trường lao động và đào tạo theo nhu cầu xã hội.
9. Xây dựng các trường đại học và các khoa đạt trình độ quốc tế.
10. Tăng cường năng lực giáo dục nghề nghiệp.
11. Hỗ trợ giáo dục miền núi, học sinh dân tộc thiểu số, vùng có nhiều khó khăn và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác.
12. Tăng cường giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật.
13. Tăng cường cơ sở vật chất trường học.
14. Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục.

Theo Sở Giáo Dục

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Cần nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra những quyết định
Ngày gửi: 1/3/2009 10:19:03 PM

Là một giáo viên đã giảng dậy nhiều năm và hưởng lương trong biên chế nhà nước tôi thiết nghĩ đề án mà giáo sư Nguyễn Hữu Châu đưa ra là rất phù hợp với nền giáo dục những nước tiên tiến. Nhưng với thực tế hiện tại của nước ta thì hoàn toàn không phù hợp thiếu thực tế. Khi sự đãi ngộ giành cho giáo viên còn quá thiệt thòi thì tại sao chúng ta luôn chỉ đòi hỏi người giáo viên phải thế này, thế khác. Khi nền giáo dục ở các nước tiên tiến giáo viên được tạo điều kiện tối đa để nghiên cứu và giảng dậy thì ở nước ta còn bao nhiêu vùng giáo viên phải vật lội với cơ sở vật chất của trường lớp thiếu thốn, thiếu phương tiện dạy học. Vật lộn với đồng lương quá ít ỏi để tâm huyết với nghề. Nhất là bậc học Mầm Non ngay ở thu đô hay những thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh .... thì giáo viên cũng phải dậy học sinh với một sĩ số học sinh không tưởng - 2 cô với 50 - 60 học sinh một lớp ( Tính trung bình vì có những lớp sĩ số còn đông hơn rất nhiều ). Mức lương quá ít ỏi, học phí thu không đủ chi trả lương cho hợp đồng và 35% hỗ trợ trực tiếp giảng dậy, thiếu giáo viên Mầm Non đang là vấn đề khiến cho các nhà quản lý đau đầu nhức óc. Lớp có 2 giáo viên một giáo viên nghỉ không có người vào thay, giáo viên còn lại phải một mình đảm đương mọi công việc với 50 - 60 họ sinh. Các giáo viên mầm non bậc học đặc thù không chỉ là dậy học mà còn phải làm biết bao công việc khác, chăm sóc, vệ sinh cho trẻ, làm lao công dọn dẹp cả ngày ..... thời gian làm việc từ 10 đến 12 giờ một ngày. Thiết nghĩ dù có yêu nghề dạy học đến thế nào thì các giáo viên Mầm Non khó mà thực hiện được giấc mơ của mình.
Thực tế khi triển khai bất kỳ một đề án gì cần thực hiện đồng bộ nếu chúng ta chỉ giải quyết phần ngọn thì có lẽ khủng hoảng về giáo viên sẽ là một vấn đề nhãn tiền nhất là trong thực tại chúng ta đang thiếu trầm trọng những sinh viên sư phạm giỏi có chất lượng cao.



guest
Giải pháp không phải ở nước mình.
Ngày gửi: 1/4/2009 1:18:04 PM


Tôi đồng ý quan điểm với bài đã nêu. Ông Châu ở tận trên cao thì làm sao được gặp gỡ thống khổ với GV ở mãi vùng sâu như chúng tôi. Hay chỉ là về quê, tìm hiểu thực trạng ở vùng sâu xa thì lại được lãnh đạo chúng tôi rót xuống nào là phải làm thật tốt, hay đi mượn DD của trường bạn về đặt ở trường mình cho kiểm tra thật tốt không để sai sót gì. Trong khi đồng lương giáo viên hợp đồng là 540.000d, đi cả ngày vất vả con thì nhỏ phải nhờ ông bà già chăm nom. Thật sự ông Châu phải đặt vào hoàn cảnh như GV hợp đồng chúng tôi mới thấy được sự tủi nhục như thế nào. Đấy còn được gọi là nghề cao quý, thiêng liêng tự hào biết bao khi nói đến người GV Việt Nam với lương hợp đồng 540.000d.



guest

Băn khoăn trước những thay đổi về biên chế.
Ngày gửi: 1/5/2009 10:50:26 AM

Đối với ngành giáo dục việc thay đổi, chấn chỉnh là một việc cần làm và nên làm để phù hợp với nhịp độ phát triển của thời đại và nhu cầu xã hội. Tuy nhiên giáo dục có một đặc thù riêng là cần được cân nhắc trước khi làm bởi lẽ nếu có thể lấy người ra thí nghiệm cho hình thức đào tạo nếu đào tạo chưa đạt những lớp người này tương lai ra sao? Việc học được giáo dục ngay từ khi bé bắt đầu đến trường ( bậc học mầm non ). VD : Nếu bây giờ đã quen với ở các cấp lớp chưa hướng dẫn cách học sinh cách nắm bắt, trải nghiệm để tự học kiến thức cho mình rồi khi vào đến khi đại học làm sao mà sinh viên biết cách nắm bắt kiến thức, có chăng chỉ là hình thức. Còn thực chất là phải đến bộ môn hướng dẫn đóng các khoản phí gì gì đó để "cho qua", "cho xong" hoặc nếu giáo viên nào tội nghiệp bọn sinh viên quá thì chỉ cho chúng cho rồi (áo cơm cha mẹ bõ công học)thì chất lượng về lớp người đào tạo làm sao mà sánh . . Giáo dục nó phải là một hệ thống bắt đầu ngay từ còn bé làm quen với cách khám phá tự học lấy kiến thức và phát triển dần lên . Các khó khăn để điều thay đổi
Là chế độ làm việc và thu nhập của để trang trải đời sống giáo viên không ?.
Đã có điều kiện, phương tiện cho giáo dục đầy đủ chưa ?.
Đã có điều kiện để học tập và rút ra được cách dạy và phương pháp tối ưu nhất cho từng điều
kiện thực tế chưa ? ( Được huấn luyện phương pháp cũ đã cho học tập phương pháp mới chưa, tạo được những điều kiện đó đến đâu ).
Mới vừa chấn chỉnh về LƯƠNG GIÁO VIÊN VÀ SO RA MỨC THU NHẬP CHƯA GỌI LÀ KHÁ SO VỚI CÁC NGÀNH THÌ BÂY GIỜ LẠI DỰ KIẾN BỎ BIÊN CHẾ LẠI CHỌN LỚP GV MỚI THÌ THÍ ĐIỂM, CÓ LẼ NGÀNH GIÁO DỤC SẼ LẠI MẤT MÁT CHI PHÍ ĐÀO TẠO VÌ SẼ CÓ NHỮNG GIÁO VIÊN BỎ NGÀNH LÀM NGÀNH KHÁC. VÀ LIỆU TRONG CẢ NƯỚC SẼ ĐỦ KHOẢN LƯƠNG ĐỂ TRẢ CHO GIÁO VIÊN NĂNG LỰC MỨC LƯƠNG CẠNH TRANH KHÔNG HAY LÀ TRƯỜNG HỌC BIẾN THÀNH CÁI CHỢ CỨ KẺ VÀO NGƯỜI RA VÀ CHƯA KỂ CÓ SỰ CHÊNH LỆCH VỀ TRÌNH ĐỘ HỌC SINH SAU KHI ĐÀO TẠO, RỒI LẠI BẰNG CẤP TRƯỜNG NÀY THÌ TỐT MÀ TRƯỜNG KIA THÌ TỆ. ĐẾN LÚC ĐÓ LIỆU NHỮNG NGƯỜI CÓ THẨM QUYỀN /TRÁCH NHIỆM SẼ CÓ NHỮNG CÁCH GÌ CỨU VÃN HAY KHÔNG CHẤT LƯỢNG ?TRONG KHI NHU CẦU NGƯỜI HỌC NGÀY MỘT TĂNG CHỨ KHÔNG CÓ GIẢM?



guest
Đánh giá bài xóa biên chế tất cả giáo viên tuyển mới.
Ngày gửi: 1/5/2009 3:59:38 PM


Tôi nhận xét thấy điều mà một giáo viên mầm non vừa tâm sự là vô cùng hợp lý. Nước ta điều kiện từ CSVC, chế độ đối với giáo viên còn ở bậc quá nghèo nàn. Không phải cứ thấy nước ngoài về chất lượng cao mà ta chạy theo vì thực tế ở nước ngoài đồng lương giáo viên có thể nuôi sống cả gia đình một nhà giáo. Còn ở VN ta, ngay cả chính nhu cầu sống bản thân và một đứa con nhỏ xem ra không thấm vào đâu.
Trong khi đó, thời gian mà một giáo viên mầm non làm ở trường là một công việc không tưởng. Vừa là Osin, vừa là lao công. Nên tôi đề nghị khi dưa ra quyết định thực hiện này, thì trước tiên phải xem xét xem chế độ có đủ để họ yên tâm công tác và cống hiến chưa? Đừng xem phần ngọn mà hãy bắt đầu từ phần gốc. Đầu tư giáo dục là đầu tư từ đội ngũ, mà cụ thể nhất là đầu tư cho đời sống nhà giáo ( mà đặc biệt là giáo viên MN, vì khi đời sống họ được đảm bảo thì đó là động cơ để họ công tác tốt, và không có lý do gì để họ không cống hiến sức lực của mình cho giáo dục.




guest

Góp ý
Ngày gửi: 1/5/2009 8:38:15 PM

Em nghĩ rằng đề án của giáo sư đưa ra có thể hợp lý khi nước ta là một nước phát triển, còn hiện tại nước ta chỉ đang trên đà phát triển, đề án này quả thực hơi khó thực hiện được. Bởi lẽ chế độ dành cho GV hiện nay quá thấp, ở cả các cấp, không riêng gì mầm non. Khi mà đời sống GV chưa ổn định, đồng lương ít ỏi, lại lo lắng bị trừ điểm thi đua, bị cắt thi đua... thì liệu họ có thể chú tâm lo việc bồi dưỡng chuyên môn tay nghề được không??? Đã vậy, yêu cầu đặt ra cho người GV ngày càng cao, yêu cầu học phải thế này, thế kia, thử hỏi làm sao học làm nổi hết chứ?! Xin hãy thông cảm cho người GV của chúng ta, quan tâm đến học nhiều hơn nữa! Đừng tạo thêm áp lực phải thi đua nhiều quá, thi đua quá thì chất lượng sẽ thế nào???


guest
" Có thực mới vực được đạo"
Ngày gửi: 1/12/2009 9:21:10 PM


Tôi là một giáo viên mầm non hợp đồng ở Thành Phố Hòa Bình. Khi nghe trên phương tiện truyền thông về thông tin đến năm 2010 sẽ xóa biên chế cho giáo viên mầm non.... Thật sự chúng tôi cảm thấy rất buồn và thực sự lo lắng. Trong khi với đồng lương hợp đồng quá ít ỏi 540 nghìn đồng trên một tháng... không cần chứng minh nhiều thì quý vị cũng thừa hiểu cuộc sống của chúng tôi khó khăn mức độ nào. Chúng tôi luôn cố gắng phấn đấu trong công việc vì tâm huyết, " yêu nghề mến trẻ" và những mong có biên chế để đồng lương được đảm bảo chi trả cho những sinh hoạt cần thiết hàng ngày. Vậy mà, giờ nghe thông tin xóa biên chế chúng tôi không biết còn có thể hy vọng vào chế độ đãi ngộ gì của nhà nước nữa. Những người ở cấp cao hơn lúc nào cũng nói là luôn kêu gào cho giáo viên hợp đồng được nâng cao hơn về đồng lương để đảm bảo cuộc sống. Nhưng bao nhiêu năm nay... thật sự chẳng có gì thay đổi nhiều về chính sách đồng lương để giáo viên mầm non đủ sống chưa nói đến chuyện thu hút giáo viên mầm non.... Cá nhân tôi thực sự cảm thấy buồn và vô cùng thất vọng. Vì cứ như thế này thì chúng tôi dù có muốn yêu nghề cũng chẳng được. Ở tỉnh tôi, vì không có được cuộc sống đảm bảo do đồng lương quá eo hẹp, rất nhiều giáo viên mầm non đã bỏ nghề.... Tôi thiết nghĩ và cũng rất mong các cấp lãnh đạo hãy suy sét thật thấu tình đạt lý, đừng đứng bàng quan nhìn ở tận đâu đâu, hãy nhìn xuống những lo lắng và bức xúc của chúng tôi....... Muốn chúng tôi cống hiến hết mình, tron đời tâm huyết với nghề thì nên nghiên cứu thật kỹ câu " Có thực mới vực được đạo".... rồi đổi mới gì thì đổi mới.



guest

Nỗi niềm lo lắng.
Ngày gửi: 1/15/2009 3:32:33 PM

Tôi là sinh viên năm II theo ngành Mầm Non, khi nghe được thông tin này thực sự tôi không biết vui hay buồn trước tin giảm biên chế của các cấp lãnh đạo trên cao. Xin hãy nhìn lại thực trạng nước mình và những chính sách ưu đãi với giáo viên ra sao rồi hãy nghĩ đến các vấn đề khác. Khi mà đồng lương chính thức cũng chỉ đủ để nuôi sống bữa cơm cho bản thân thôi, vậy m2 bây giờ trả lương bằng hợp đồng. Hỏi sinh viên như tôi làm sao đủ tinh thần bước chân ra khỏi trường chứ. Mong các cấp xem xét về vấn đề trên.


guest
Là giáo viên dễ hay khó?
Ngày gửi: 1/24/2009 6:09:31 PM


Sáu tháng không phải là quãng thời gian dài nhưng đủ để tôi hiểu những khó khăn khi chọn cho mình nghề "giáo viên Mầm Non". Tốt nghiệp trường CĐSPTW, tôi thấy mình may mắn khi vừa ra trường đã có ngay công việc và cuối năm học được thi công chức. Tôi muốn đề cập đến một khía cạnh khác của vấn đề thi công chức. Với mức lương nhân hệ số 1.86 (dù tốt nghiệp ĐH, CĐ hay TC cũng như nhau) và phải chờ có đợt chỉnh lương thì hệ số mới được điều chỉnh theo bậc học là quá thiệt thòi. Cùng lớp tôi có một chị làm được 6 năm, đã học lên Đại học mà đến nay sau 2 đợt chỉnh lương thì mới được 1.9 triệu mà cũng chưa được thi công chức lần nào. Một chị khác đã làm được hơn 8 năm, vừa thi công chức năm 2008, ngay lập tức mức lương trở về ngày đầu mới đi làm như tôi. Vậy là bao năm cống hiến sau khi thi công chức đã không còn ý nghĩa. Đó là lương của quận thì ai cũng như ai còn lương của trường thì lại là một vấn đề khác. Mong nhà nước có mức điều chỉnh hợp lý.



guest

Xóa biên chế ..
Ngày gửi: 2/3/2009 1:42:24 AM

Tôi lại suy nghĩ như này: Biên chế hay xóa biên chế không quan trọng bằng việc bình đẳng về công việc, công bằng về thu nhập, nhân tài được xếp đúng chỗ, người giỏi phải được phát huy, người kém phải nỗ lực phấn đấu...Biên chế cũng bằng không nếu như tiêu cực còn đầy rẫy. Tôi ví dụ: Một GV giỏi thực sự, có thâm niên công tác, có khả năng quản lý GD, có uy tín với phụ huynh, đồng nghiệp...nhưng thiếu ngoại giao, thiếu sự giúp đỡ, xin mời...cứ làm GV. Mặc dù các GV khác rất tôn trọng, mến phục. Một ví dụ nữa: Thông tư 05 dã giúp cho rất nhiều cô giáo Mầm non được vào biên chế nhà nước bằng cách...làm CBQL trước...sau đó...mới thi công chức...hơi ngược một chút nhưng lại hay. Còn những cô giáo giỏi, tâm huyết, có khả năng, nhưng thiếu "các Ngoại" thì cứ vui vẻ chấp nhận sự quản lý về mọi mặt của các CBQL....Tồi.


guest
Xóa biên chế ư..?
Ngày gửi: 5/13/2009 3:13:14 PM


Ở trên Bộ muốn xóa hoặc thay đổi gì tôi cũng hưởng ứng cả. Nhưng tôi có đôi điều như sau:
- Trong thực tế số giáo viên dạy có chất lượng chẳng có bao nhiêu mà cứ bám trụ ở trong trường để hưởng lương và còn làm trì truệ các hoạt động của trường, ù lì, không năng nổ làm việc, làm việc không hiệu quả đến trường chỉ lo đi "nhiều chuyện, tụ tập tán gẫu, bới móc, đâm thọc chuyện người khác, gây mất đoàn kết trong chị em đồng nghiệp..." Những giáo viên ấy khi cuối năm xét đánh giá thi đua thì không công nhận chuyên môn yếu kém chỉ là giáo viên có trình độ chuyên môn: KHÁ - TỐT mới chịu, việc đánh giá chuẩn giáo viên cũng không trung thực phản ánh khả năng thực có của mình. Trong khi tôi trong trường chuyên môn nắm vững, làm việc có hiệu quả được sự công nhận của Ban Giám hiệu thế nhưng tôi chỉ nằm ở mức KHÁ của "Đánh giá chuẩn giáo viên mầm non" tôi thấy không thẹn với lòng mình khi mình thật sự trung thực và biết đánh giá khả năng của mình. Tôi thiết nghĩ cần có sự chọn lọc những giáo viên thật sự có tâm với nghề, làm việc có hiệu quả... thì xây dựng mức lương cao, còn giáo viên làm việc không hiệu quả và chất lượng thấp thì có mức lương theo khả năng, có như vậy mới thúc đẩy sự phát triển của ngành học mầm non. Tôi thiết nghĩ hiện nay cần xây dựng những con người mới của "TÁC PHONG CÔNG NGHIỆP HOÁ" trong ngành giáo dục để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Những giáo viên nằm trong biên chế mà làm việc không hiệu quả thì có cần thiết để "BIÊN CHẾ" không...? Theo tôi là nên xóa bỏ.




guest

Tiêu cực
Ngày gửi: 3/27/2011 8:21:59 AM

giáo viên nói chung và giaó viên mầm non nói riêng . nếu giao cho hiệu trưởng kí hợp đồng lao động thử hỏi xem có giáo viên bị thiên vị không?


guest
Vừa phải thôi mấy ông tướng!
Ngày gửi: 12/8/2013 7:09:17 PM


Mấy ông có giám xóa toàn bộ biên chế không! kể cả các ông luôn! chúng tôi sẻ ủng hộ! các ông đem cái mốc 2003 ra để xóa thì quả là các ông khùng! quá khùng! đa số kẻ ăn không ngồi rồi ở các cơ quan, trường học là U40 trở lên đó mấy ông! Các thử xóa đi xem!



guest

T
Ngày gửi: 6/11/2016 5:24:58 PM

Ôi việc trả lương do HT quyết định ư? Việc trả lương do cả một bộ máy XH quyết định GV còn ko sống nổi bây giờ quyền sinh quyền sát lại mằm trong tay chỉ có 1 người thì ko biết sẽ thế nào? Bác này là bác nào và đang sống ở đâu ko biết nữa mà có thể nghĩ ra kế hoạch có thể nói là nếu thực hiện được cũng đồng nghĩa với việc có nhiều GV giỏi sẽ bỏ nghề


guest
Hãy suy ngẫm...!
Ngày gửi: 6/11/2016 8:16:32 PM


Nếu xóa biên chế, đưa ra sự cạnh tranh giữa các gv, thì tôi nghĩ rằng ngành sư phạm trong vài năm tới sẽ k còn ai theo học, nganh gv rất thanh cao, nhưng mức lương rất thấp, bởi sự ổn định,với lòng đam mơ giảng dạy, vì những thế hệ tương lai, và vì khi về già được có lương hưu, được sự tôn trọng của tất cả mọi người, nên chúng tôi mới có động lực bước vào ngành gv này, nếu vào ngành mà quá áp lực thì tôi nghĩ cả gv, hs sẽ k chịu nổi. Hãy si nghĩ thật kĩ trước việc mình làm.



guest

Liệu có nảy sinh tiêu cực?
Ngày gửi: 6/12/2016 6:42:43 AM

Tôi thấy việc nâng cao chất lượng giảng dạy, thu hút người có tài, có tâm huyết với nghề là tốt nhưng ai mới là người công tâm để đánh giá giáo viên? Chỉ việc đánh giá thi đua hàng năm thôi với mức thưởng chênh lệch không là bao còn chưa thực sự công bằng nói chi đến đánh giá để xét lương. Làm thế liệu có nảy sinh tiêu cực? Và chắc gì đã chọn được người có tài,có tâm thực sự?


guest
xem xét vấn đề
Ngày gửi: 6/12/2016 6:44:35 AM


Đứng về góc độ là một học viên. Tôi nghĩ có biên chế hay ko biên chế ko quan trọng. Nhưng chúng ta bị chảy máu chất xám quá nhiều, vì giáo viên là người truyền đạt kiến thức cho thế hệ trẻ, bỏ nhiều tâm huyết cho thế hệ tương lai, có trình độ cao mà lương lại quá thấp, cần phải nâng lương cho giáo viên, để họ ko phải chật vật dạy thêm, làm ngoài, yên tâm nghiên cứu chuyên môn, cống hiến hết mình.


Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Đánh giá giáo viên bằng các kỹ năng của trẻ (2/1)
 Năm 2011 trẻ mầm non học chương trình mới (31/12)
 Giáo Dục Mầm Non Thành Phố Hồ Chí Minh họp giao ban (31/12)
 Học sinh nghỉ Tết nhiều hơn mọi năm (29/12)
 Mái nhà xanh - ngôi nhà thứ hai của bé (25/12)
 Thiếu trường mầm non nhưng sợ vốn kích cầu (24/12)
 Chuyện bây giờ tiếp tục kể: Nỗi niềm cô giáo Mầm non (phần 3) (23/12)
 Chấm dứt giáo viên biên chế: Sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực? (23/12)
 Chuyện bây giờ tiếp tục kể : Nỗi niềm cô giáo Mầm non (phần 2) (22/12)
 Nhân rộng mô hình nhà trẻ dân nuôi (22/12)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i