Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Ngộ độc Vitamin D


Do có tác dụng chống còi xương nên vitamin D được các bà mẹ dùng thường xuyên cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nếu dùng quá nhiều trong một thời gian dài, dưỡng chất này sẽ trở thành độc chất.

Có nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng chứa vitamin D với nhiều dạng khác nhau. Việc bổ sung không đúng có thể dẫn đến thừa vitamin D và gây tăng canxi huyết, dẫn đến yếu mệt, ngủ gà, đau đầu, chóng mặt; chán ăn, khô miệng, buồn nôn, nôn, chuột rút ở bụng, táo bón.

Thừa canxi cũng gây ù tai, giảm trương lực cơ, đau cơ, xương, dễ bị kích thích. Một số ít người lớn lạm dụng vitamin D còn bị suy giảm tình dục, nhiễm canxi thận, rối loạn chức năng thận, dẫn đến rối loạn tiểu tiện, tăng huyết áp, loạn nhịp tim...

Các triệu chứng ngộ độc vitamin D thường không rõ, dễ nhầm lẫn.

Tại sao dùng thừa?

Dùng không đúng mục đích: Các chế phẩm liều cao có tác dụng kéo dài (như Auxergyl D3, vitamin D3 BON) chỉ được dùng chữa một số bệnh nhất định như còi xương, nhuyễn xương do thiếu vitamin D, cơn co giật do thiếu canxi huyết. Nếu dùng với mục đích khác (cho trẻ không thiếu vitamin D uống với hy vọng làm tăng chiều cao) thì rất dễ dẫn đến quá liều.

Dùng liều cao kéo dài: Khi bị còi xương do dinh dưỡng, liều dùng mỗi ngày thông thường là 1.000 UI. Tuy nhiên, có trường hợp vì bệnh nặng cản trở đến hô hấp hoặc chỉ vì muốn khỏi nhanh mà dùng mỗi ngày tới 3.000-4.000 UI.

Sau đợt điều trị, cần khám lại, chẳng hạn sau một đợt 3 tuần với liều mỗi ngày 1.000UI thường sẽ có biểu hiện khỏi bệnh trên phim Xquang, cần giảm rồi ngừng dùng. Nếu không biết, cứ dùng liều cao như cũ sẽ quá liều.

Dùng trùng lặp thuốc: Khi bị loãng xương, căn cứ tình trạng bệnh, chế độ ăn mà thầy thuốc cho dùng bổ sung vitamin D (mỗi ngày khoảng 600 UI) nhưng sau đó, người bệnh lại dùng thêm quá nhiều loại “thực phẩm chức năng” có vitamin D3 như sữa, bích quy.

Tương tự, khi trẻ ngủ không yên giấc, hay giật mình, cha mẹ cho dùng thuốc chữa chán ăn kiddipharmaton (chứa vitamin D3) trong khi vốn đang dùng thuốc Sterogyl (chứa vitamin D2). Hai nguồn vitamin D cộng lại sẽ gây thừa.

Theo DS. Hà Quảng
Sức khỏe & đời sống