Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Sữa đậu nành và bé yêu!


Khi bé yêu bị dị ứng với sữa bò, bạn có thể chế biến sữa đậu nành cho bé uống. Sữa đậu nành là một trong những loại sữa có hàm lượng dinh dưỡng cao, được nhiều người khuyến cáo nên sử dụng. Các bác sĩ cũng thường khuyên những người trên 40 tuổi dùng sữa đậu nành mỗi ngày để bổ sung dưỡng chất. Vậy đối với trẻ em, sữa đậu nành có lợi hay không?

Tốt, nhưng chưa thể thay thế hoàn toàn

Xét về thành phần dinh dưỡng, sữa bò và sữa đậu nành khá giống nhau vì đều có chứa các loại Vitamin A, D, E, K. Chúng chỉ khác nhau ở thành phần chính là protein và đường.

Lượng protein trong sữa đậu nành có chất lượng cao. Nó có thể được dùng thay sữa bò. Ngoài ra, sữa đậu nành còn có các men có ích cho hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng: "Trẻ từ 1-5 tuổi có thể dùng sữa đậu nành để thay thế phần nào sữa động vật, không phải là thay thế hoàn toàn".

Cần lưu ý khi dùng sữa đậu nành

Một vài nghiên cứu phát hiện rằng: "Sữa đậu nành chứa một lượng nhỏ loại hóa chất giống với hormone nữ. Nếu dùng nhiều và thường xuyên loại sữa này, hormone trong cơ thể có thể bị xáo trộn". Tuy nhiên, cuộc nghiên cứu này vẫn đang được tiến hành để đưa ra kết luận chính thức. Mặc dù sữa đậu nành là loại thức uống vừa ngon vừa rẻ, nhưng khi sử dụng, bạn vẫn nên lưu ý một số điểm sau:


Lưu ý không nên uống sữa đậu nành khi đang đói...

Sữa đậu nành phải được đun sôi thật kỹ để làm tan hết các chất xúc tác trước khi uống. Nếu không có thể gây cồn cào ruột, buồn nôn, đau bụng và tiêu chảy.

Không cho trứng gà vào sữa đậu nành để uống. Chất trypsine của sữa đậu nành kết hợp với protein có tính miễn dịch của trứng sẽ sản sinh ra một chất gây ảnh hưởng đến sự hấp thu của cơ thể.

Không nên ăn cam, quýt trước hoặc sau khi uống sữa đậu nành khoảng một giờ. Chất axít và vitamin trong quýt tác dụng lên các protein trong sữa, kết thành khối ở ruột non làm ảnh hưởng đến tiêu hóa. Nó có thể gây đầy bụng, đau bụng hoặc tiêu chảy.

Tránh uống sữa đậu nành khi đang đói. Tốt nhất nên uống sau bữa ăn từ 1-2 giờ.

Không dùng đường đỏ để pha sữa đậu nành. Loại đường có axít hữu cơ này khi kết hợp với protein trong sữa sẽ sinh ra chất lắng đọng, có hại cho sức khỏe.

Không đựng sữa trong phích nước nóng. Chất  xúc tác của sữa sẽ tương tác với những cáu bẩn vốn có trong phích, sinh ra vi khuẩn. Khi đó, sữa có thể gây đau bụng, tiêu chảy.

Với trẻ bị tiêu chảy, bạn vẫn nên duy trì chế độ ăn bình thường. sữa đậu nành không làm ảnh hưởng gì đến hệ tiêu hóa của con bạn, ngoại trừ trường hợp bé bị dị ứng với sữa hoặc sữa bị nhiễm khuẩn.

Không dùng sữa đậu nành đã để qua đêm nhằm phòng ngừa những vi khuẩn độc hại.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Toản, trưởng khoa Dinh dưỡng, bệnh viện Chợ Rẫy: "Nếu trẻ dị ứng với sữa bột, sữa bò, sữa đậu nành, bạn có thể cho trẻ dùng thử sữa dê hoặc các sản phẩm chế biến từ sữa như: Phô mai, sữa chua, bơ... Để quan sát phản ứng của cơ thể với loại sữa mới, nhớ cho trẻ dùng với lượng nhỏ và từ từ."

Theo Mua Sắm