Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Ngôn ngữ của bé yêu



Bạn có bao giờ để ý xem đặc điểm chung của các bé sơ sinh là gì không? Đương nhiên rồi: Hầu hết các "tý nhau" đều có một điểm giống nhau là rất hay khóc nhè. Bạn có biết vì sao bé lại khóc không? Và những lúc ấy bạn sẽ làm gì?

Trước khi biết nói những từ dù đơn giản nhất thì cách duy nhất để gây sự chú ý của bé chính là tiếng khóc. Bé khóc khi đói, khi rét, khi thấy khó ở, khi buồn ngủ, khi sợ hãi, hay chỉ đơn giản là khi bé thấy cô đơn và muốn gọi người nói chuyện cùng. Những lúc bé khóc bạn nghĩ gì? Bạn có bao giờ đặt ra cho mình những câu hỏi như: "Nó đã quá chán vì phải nằm một chỗ? Nó ướt đít đòi thay tã? Bạn buộc tã cho nó quá chặt? Nó đói bụng rồi ư?..." Hay những lúc ấy bạn chỉ biết tức giận và chạy ra bế thốc bé lên khỏi cũi?

Những em bé sơ sinh có thể khóc mọi nơi, mọi chỗ, khóc vì trăm ngàn lý do khác nhau và nhiệm vụ của bạn là phải làm những phép thử, phải học cách đoán những đòi hỏi của bé. Nếu bé đã nằm quá lâu ở một tư thế, hãy thử bế nó lên một lúc, nếu tã buộc quá chặt hãy thử nới lỏng đôi chút, nếu cảm thấy bé đói thử cho bé "ti"....Bạn cứ để ý mà xem sau một thời gian "nghiên cứu" bé bạn sẽ dễ dàng phân biệt được từng kiểu khóc tức là từng đòi hỏi riêng của bé. Hãy học cách đoán ý nghĩ của bé để chiều bé đúng lúc, đúng chỗ bạn sẽ thấy nó ngoan ngoãn hơn hẳn và như thế bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm, yên tâm và hạnh phúc hơn. Đừng nên tin tuyệt đối vào những điều bác sỹ nói như tin vào một tiên đề không cần chứng minh vậy. Đừng quên rằng trên đời không đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào và biết đâu những điều mà con bạn cần lại là những thứ hoàn toàn khác. Hãy nghiên cứu các thói quen của bé và tập hiểu dần những đòi hỏi của nó.


Tâm sự của đứa trẻ hai tuần tuổi.

Các cơ quan cảm giác của trẻ bắt đầu hoạt động từ rất sớm, từ ngay khi nó vừa sinh ra. Điều đó có nghĩa là ít nhiều nó cũng có được những cảm giác như người lớn. Khi ngắm đứa con yêu liệu có khi nào bạn tự hỏi: "Lúc này nó đang nghĩ gì nhỉ?". Sẽ phải đợi nhiều năm tháng nữa đến khi nó có thể tự trả lời được câu hỏi ấy. Còn giờ đây chúng ta chỉ có một cách duy nhất là có gắng đoán biết những mong muốn của bé. Xin giới thiệu với các bạn trích đoạn trong cuốn sách "Tâm sự của em bé hai tuần tuổi" của nhà tâm lý học người Mỹ Virgin Satir:

" Ôi, tôi thấy đau lưng quá! Đã mấy tiếng đồng hồ tôi phải nằm ngửa thế này rồi! Cái bụng tôi bị vò nát ra khi quá đói và ngược lại muốn vỡ tung ra khi quá no. Mỗi khi đèn rọi vào mắt, tôi thấy nhức mắt quá vì tôi đã biết quay đầu hay lấy tay che mắt đâu? Nhiều khi thật chán khi lúc nào cũng chỉ nhìn thấy một màu trắng của trần nhà. Những lúc mẹ đưa tôi đi dạo tôi thấy lạnh sởn gai ốc. Tôi rất ghét khi những người lớn ôm tôi quá chặt và hôn tôi đến đau cả hai má, lúc khác có người lại bế lỏng tay đến nỗi tôi suýt rơi xuống dưới đất. Tôi cũng rất khiếp mỗi khi bất ngờ có ai đó đến bên giường tôi và dí sát khuôn mặt to sù của anh ta vào người tôi. Có đôi khi tôi rất thích những âm thanh du dương phát ra xung quanh tôi, nhưng cũng có những lúc người lớn cãi vã hay đạp phá đồ đạc làm tai tôi ù cả lên. Và thế là tôi bắt đầu khóc. Có lúc bố mẹ phát hiện ngay ra là tôi khóc nhưng cũng có khi họ bắt tôi phải gào đến khản hơi mơí thèm ỏ ê đến tôi. Họ bế tôi lên, cho ăn và ru tôi ngủ. Chắc chắn là họ cầu mong cho tôi những điều tốt đẹp, nhưng có đôi khi tôi cảm thấy họ chỉ mong sao tôi nín đi để họ còn làm những việc khác, vì những lúc ấy họ đung đưa cái nôi của tôi như đung đưa một chiếc giỏ đựng hoa quả cho đến khi tôi thôi khóc là họ lại để tôi nằm một mình.

Mẹ thường hay kể chuyện về tôi cho những người bạn của mẹ hay những người họ hàng nghe. Song chắc chắn có những điều hẳn là mẹ sẽ không nói ra nếu biết rằng nằm trong nôi tôi đã nghe thấy hết..... "

Theo Mevabe.vn