Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Món ăn bài thuốc hỗ trợ phòng ngừa viêm não B


Trà hoa cúc, nước ép hoa quả, rau củ, cháo đậu xanh, cháo lá sen có tác dụng rất tốt trong việc phòng ngừa viêm não B.

Viêm não B hay còn gọi viêm não Nhật Bản B là bệnh truyền nhiễm cấp do virus hướng thần kinh (Arborvirus), thường phát dịch vào mùa hè thu. Trẻ em độ tuổi 2-6 hay mắc hơn cả. Nếu không được phát hiện sớm, điều trị tích cực kịp thời, bệnh để lại di chứng nghiêm trọng.

Bệnh truyền do muỗi đốt. Đặc điểm lâm sàng: sốt cao, co giật (hội chứng viêm màng não). Phòng bệnh tích cực là tiêm vắcxin, tránh muỗi đốt. Điều trị quan trọng là ở giai đoạn đầu chưa có hôn mê, co giật. Thức ăn và thuốc phải có tác dụng chính là thanh thử, tiết nhiệt ích khí, sinh tân, khai khiếu, tức phong.

Dự phòng viêm não B

Trà ngân hoa: Ngân hoa 10g, lá trà tươi 5g, rửa sạch hai thứ cho vào ấm hay phích, hãm với nước sôi như vẫn hãm trà để uống. Có thể chỉ dùng kim ngân hoa hãm lấy nước uống.

Trà hoa cúc: Dùng kim cúc (cúc vàng) hoặc cúc trắng (bạch cúc) loại dùng làm thuốc hãm nước sôi uống. Trung Quốc có nhiều thành phẩm bán đại trà dùng rất tiện lợi.

Phòng chữa giai đoạn sơ khởi

Nước uống ép vắt từ hoa quả tươi: Dưa hấu (riêng ruột hoặc cả vỏ), dứa, thanh long, nho, táo. Đối với cam, chanh hoặc một số quả có vị chua khác có ý kiến không dùng vì chúng có tính liễm vào trong không có lợi khi có sốt. Hòa với đường cũng không nên vì đường sinh nhiệt hoặc dùng ít.

Nước ép vắt nấu từ rau củ tươi: Rau muống, củ năn (mã thầy), cà chua, giá đậu các loại nhất là đậu xanh, đỏ, đen.

Trà uống hằng ngày: Trà ngân hoa hoặc trà khổ qua hoặc trà lá sen. Mỗi thứ khoảng 5-10g. Cho dược liệu vào ấm hãm để nguội uống.

Nước nấu: Vỏ dưa hấu 250g, ngân hoa 10g nấu sôi để nguội lọc bỏ bã, uống.

Nước đậu xanh - bạc hà: Đậu xanh 100g, bạc hà 12g (đậu xanh đã đãi sạch). Nấu lên màu xanh bích để nguội lọc bã lấy nước uống.

Cháo thuốc

Cháo vỏ dưa hấu - lá sen: Vỏ dưa hấu 250g, lá sen 1 lá. Thái vỏ dưa thành hạt. Cháo chín nhừ cho hạt vỏ dưa vào. Úp lá sen lên trên cháo hầm tiếp 10 phút, bỏ lá sen ra để nguội ăn.

Cháo đậu xanh - lá sen: Đậu xanh 30g, gạo tẻ 150g, 1 lá sen. Đậu xanh đãi sạch hầm cho nở tách vỏ, cho gạo vào hầm thành cháo nhừ, lấy lá sen đậy tiếp 10 phút bỏ lá sen ra, cháo nguội thì ăn.

Cháo rễ sậy: Rễ sậy tươi 30g, gạo tẻ 50g, nước 1.500ml. Sắc rễ sậy còn 1.000ml bỏ xác, cho gạo vào nấu cháo.

Cháo sinh địa: Nấu nước sinh địa tươi 150ml cho vào cháo gạo trộn đều ăn.

Canh nấm rơm: Nấm rơm tươi 250g thái miếng, tỏi củ 15g bóc vỏ, giã nhuyễn gia vị vừa đủ.

Canh thuốc

Còn nhiều loại canh thông thường ăn mát, bổ tỳ ích khí, giải độc: Đậu xanh nấu bí đỏ, khổ qua (mướp đắng). Bí các loại (đỏ, đao). Mướp các loại.

Món canh có thể thêm ít thịt lợn nạc thăn cho các cháu dễ ăn, hoặc nấu với phần nạc cá diếc. Tùy khẩu vị của các cháu để các cháu ăn uống được ngon miệng, qua đó tăng sức đề kháng, đồng thời thanh khử ngoại tà.

Lưu ý: Các biện pháp trên có vai trò hỗ trợ đề phòng khi dịch chưa phát và hỗ trợ vào giai đoạn đầu: sốt cao, đau đầu, tâm phiền, miệng khát, mắt đỏ, khí thô, bợ lưỡi vàng, mạch hồng sác...

Sang giai đoạn sau cũng có thể sử dụng các món trên để hỗ trợ hồi phục khi chưa hết hư nhiệt, chính khí giảm sút. Điều cần nhớ là viêm não phải khám và điều trị sớm do vậy nếu trẻ có hội chứng não phải đưa ngay đến bệnh viện để được chẩn đoán chính xác và điều trị chu đáo, kịp thời theo phác đồ Tây y. Có thể kết hợp Đông Tây y khi có điều kiện.

Theo Sức khỏe & đời sống