Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Vị thuốc từ cây tầm xuân


Rễ tầm xuân được dùng chữa kiết lỵ, đái dầm, đau lưng mỏi gối... Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú không được sử dụng thuốc này.

Tầm xuân còn gọi là hồng tầm xuân, hoa hồng dại, dã tường vi, tên khoa học là Rosa multiflora Thunb, thuộc họ hoa hồng (Rosaceae). Đây là một cây cảnh đẹp được trồng từ lâu đời ở các biệt thự, công sở, vườn hoa công cộng, vườn gia đình. Bộ phận dùng làm thuốc chủ yếu của tầm xuân là rễ, thu hái quanh năm, tốt nhất vào mùa thu, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô. Khi dùng, để sống hoặc sao vàng.

Theo y học cổ truyền, rễ tầm xuân vị đắng, chát, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, khu phong hoạt lạc, giải độc, sát khuẩn, được dùng trong những trường hợp sau:

Chữa đái tháo, vãi đái không cầm được, trẻ đái dầm: Rễ tầm xuân 20-30 g thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, uống làm hai lần trong ngày.

Chữa kiết lỵ: Rễ tầm xuân sao vàng, hạ thổ, dùng riêng hoặc phối hợp với vỏ quả lựu, rễ gai tầm xoọng, vỏ quả chuối hột, búp ổi mỗi vị 20g. Sắc lấy nước đặc, uống trong ngày. Dùng liền 3-5 ngày.

Chữa phong thấp, lưng gối đau mỏi, teo cơ, đi lại khó khăn: Rễ tầm xuân, rễ vú bò, rễ ngưu tất, dây chiều, rễ thanh táo, hà thủ ô, cẩu tích mỗi vị 20 g. Sắc hoặc ngâm rượu uống. Hoặc rễ tầm xuân 20 g; củ khúc khắc, rễ gấc, rễ gai tầm xoọng mỗi vị 10 g, cùng sắc uống trong ngày.

Ngoài rễ, nhân dân ở một số nơi còn dùng lá tầm xuân rửa sạch, giã nát, đắp chữa mụn nhọt, viêm tấy, đau nhức. Hoa tầm xuân (được thu hái khi mới nở, phơi khô, sắc uống) vị đắng chát, tính hàn, là thuốc tẩy nhẹ, trị ho, nóng trong, miệng khô khát; nếu cất hoa lấy tinh dầu thì dùng theo giọt.

Quả tầm xuân có nhiều chất keo, các vitamin B1, C, vị chua, tính bình, không độc, được dùng làm thuốc nhuận tràng, lợi tiểu mạnh, giảm đau, chữa phong thấp, nhức mỏi, kinh nguyệt không đều, hành kinh đau bụng.

DS. Hữu Bảo, Sức Khỏe & Đời Sống