Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thời điểm liền của thóp


 

Ngay khi chào đời, bé đã có 2 vùng mềm trên đầu, gọi là thóp, một cái ở đằng trước, một cái ở đằng sau.

 

Thóp sẽ được kéo căng ra trong vòng 2-3 tháng đầu tiên (thời điểm não phát triển rất nhanh). Sau khoảng thời gian này, thóp bắt đầu liền lại.

 

 

Thóp sau sẽ liền sớm hơn, khi bé được 2-4 tháng tuổi (do thóp sau nhỏ hơn thóp trước nên liền nhanh hơn). Thời điểm liền của thóp trước khá đa dạng. Thông thường, thóp trước sẽ liền khi bé được khoảng 18-24 tháng tuổi nhưng cũng có trường hợp liền sớm hơn, khoảng 9-12 tháng tuổi.

 

Cho đến khi liền, thóp của bé luôn có dạng bẹp nhưng không phải trũng hoặc phồng ra. Thóp trũng có thể là dấu hiệu của mất nước, nhất là khi nó đi kèm những triệu chứng khác như nôn trớ, tiêu chảy, kém ăn. Trong khi đó, thóp phồng có thể là triệu chứng của bệnh tràn dịch não (não nước) hoặc viêm màng não.

 

Nhiều cha mẹ băn khoăn không biết thóp của bé có cần chế độ chăm sóc đặc biệt không? Các chuyên gia khẳng định, thóp được bảo vệ bởi nhiều màng dai, dày, khiến cho đầu bé rất linh hoạt. Do đó, những va chạm nhẹ nhàng như đội mũ, gội đầu... không gây ảnh hưởng đến thóp. Tránh đặt vật nặng hoặc dùng tay ấn mạnh vào thóp của con.

 

Nếu muốn kiểm tra thóp liền hay chưa, bạn cần nhờ đến bác sĩ nhi. Bình thường, đến 2 tuổi là thóp của bé đã liền.

 

Theo Mevabe