Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tính tự chủ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ


Có thể một số cha mẹ sẽ ngạc nhiên vì trẻ mới sinh và trẻ nhỏ có thể học để tự kiểm soát những hành vi của chúng. Nhưng đừng mong đợi những bé 10 tháng tuổi có tính tự chủ giống như bé 26 tháng tuổi bạn nhé.

Tính tự chủ có phải là điều tốt cho trẻ nhỏ không?

Có - nhưng đừng thái quá. Một trẻ có ít tính tự chủ có thể hành hạ người lớn bằng hành vi đòi hỏi, bốc đồng. Tính tự chủ cao quá có thể che giấu tính tự ý và sáng tạo của trẻ nhỏ. Nhưng tính tự chủ phù hợp với lứa tuổi sẽ giúp phát triển tình cảm và ý thức xã hội của bé sau này.

Cha mẹ nên dần dần xây dựng tính tự chủ cho trẻ từ lúc sơ sinh.

Tính tự chủ - hoặc không có tính tự chủ - biểu hiện như thế nào ở các lứa tuổi khác nhau?

Mỹ Tiên, bé gái 11 tháng tuổi, đang đưa tay lấy đồ vật. Bé đang thực hành kỹ năng tự chủ nhưng lại cảm thấy do dự khi nghe mẹ nói "không" hoặc "đừng đụng vào".Thiên Hương, cũng là một bé gái 11 tháng tuổi, biểu lộ mất tính tự chủ khi bé cầm những đồ vật trên bàn cà phê sau khi mẹ bảo không được làm thế.

Tuấn Anh, một bé trai 26 tháng tuổi, có thể chờ với sự kiên nhẫn và bình tĩnh thích đáng sau khi bố nói "chờ đấy". Bé đã đạt được kỹ năng tự chủ quan trọng, ít nhất là trong tình huống này.

Và khi Minh Hoàng, cũng là một bé trai 26 tháng tuổi, tức giận bởi vì mẹ đã không mua cho bé một thanh kẹo, khi đó bé đã không thể kiểm soát được hành vi của mình.

Mong đợi tính tự chủ ở một trẻ nhỏ có phải là quá đáng không?

Hoàn toàn không. Nhưng bạn cũng đừng mong đợi con của bạn luôn luôn có tính tự chủ trong mọi tình huống. Bạn chỉ có thể mong con của mình phát triển khả năng tự chủ lúc bốc đồng và không đòi hỏi thỏa mãn yêu cầu ngay.

Bạn có thể giúp con bạn phát triển tính tự chủ như thế nào?

Không có gì bảo đảm rằng con của bạn sẽ phát triển tính tự chủ, nhưng sau đây là một số cách bạn có thể giúp đỡ bé.

Trước tiên: Phải kiên định

Mẹ của bé Phương kiên định đề ra một quy tắc trong gia đình là bé không được phép giật đồ chơi của trẻ khác. Phương biết trước rằng lấy đồ chơi của anh là không được, và đồ chơi sẽ được trả lại cho anh của bé.

Nhưng bé Mai biết rằng cha của bé có thể thay đổi quyết định đối với đồ chơi mà Mai muốn. Cha đã nói rằng Mai không thể có đồ chơi đó, nhưng Mai biết rằng chỉ cần la khóc và chống đối một chút là bé có được những gì mà bé muốn.

Thứ hai: Chỉ có một vài quy tắc thôi. Bắt bé tuân theo một vài quy tắc một cách kiên định và công bằng thì tốt hơn là có nhiều quy tắc nhưng không được áp dụng thường xuyên.

Có một vài quy tắc quan trọng khiến Khang, một bé trai 30 tháng tuổi, chú tâm học những quy tắc quan trọng nhất. Khi cậu tuân thủ theo quy tắc này thì cha mẹ cậu có nhiều dịp khen ngợi và ôm cậu hơn.

Ở nhà hàng xóm, có bé trai Quang, cũng 30 tháng tuổi. Nhà cậu có quá nhiều quy tắc phải tuân thủ đến nỗi cậu quên chúng dễ dàng. Kết quả là cha mẹ cậu thường phải la mắng và phê phán hành vi của cậu. Cuối cùng, Quang nghiệm ra rằng né tránh những quy tắc - và không sống theo những quy tắc đó - thì dễ hơn là tuân thủ chúng. Cậu thấy rằng đừng để bị bắt quả tang là chìa khóa đem đến thành công.

Nếu bạn cảm thấy mình la mắng hoặc phê phán bé quá nhiều, thì có thể bạn đã có quá nhiều quy tắc. Hoặc có thể những quy tắc này đòi hỏi nhiều tính tự chủ hơn so với lứa tuổi của con bạn vào thời gian này.

Nếu bạn phải chỉ trích, thì chỉ nên chỉ trích hành vi của bé mà thôi. Hãy nói: "Quân ơi, trẻ con sinh ra không phải là để đánh nhau" chứ không nên nói: "Quân, con là đứa trẻ hư vì đã đánh chị". Hoặc nên nói: "Thảo ơi, thức ăn là để ăn chứ không phải để ném" chứ không nên nói, "Thảo, chỉ có đứa con gái hư mới làm lãng phí thức ăn như thế"

BS Phạm Ngọc Thanh/http://www.nhidong.org.vn