Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non


Bệnh võng mạc trẻ đẻ non là một tình trạng bệnh lý của mắt, thường gặp ở những trẻ đẻ non, nhẹ cân (dưới 2.000g). Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời thì có nguy cơ bị mù vĩnh viễn cả 2 mắt.
Cách phòng tránh bệnh tốt nhất là phụ nữ khi mang thai cần chăm sóc thai nghén tốt để hạn chế đẻ non. Khi đã đẻ non mà cân nặng thấp thì cần phải tuân thủ chế độ khám mắt cho bé, không chủ quan khi thấy mắt bé bề ngoài có vẻ bình thường. Các chuyên gia y tế khuyến cáo: Tất cả những trẻ có cân nặng khi sinh bằng hoặc dưới 2.000g và tuổi thai khi sinh nhỏ hơn 34 tuần tuổi, hoặc những trẻ có cân nặng khi sinh cao hơn 2.000g, tuổi thai nhỏ hơn 34 tuần, nhưng có thêm các yếu tố suy hô hấp, thở ôxy kéo dài, thiếu máu, nhiễm trùng... thì cần phải được khám mắt.

Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Tịnh - Khoa Mắt trẻ em, Bệnh viện Mắt TƯ: Võng mạc là màng mỏng, lót mặt trong thành nhãn cầu, giúp ta nhìn thấy mọi vật. Trong quá trình phát triển của thai nhi, mạch máu ở võng mạc xuất phát từ phần trung tâm phía sau rồi phát triển dần về phía trước và kết thúc vào lúc cháu bé được đủ tháng. Ở trẻ đẻ non, quá trình này chưa hoàn thành. Sau khi cháu bé được sinh ra, nếu các mạch máu tiếp tục quá trình phát triển bình thường thì trẻ không mắc bệnh, ngược lại, nếu các mạch máu phát triển bất thường, trẻ sẽ có nguy cơ bị mù vĩnh viễn.

Với những trẻ sinh non càng nhẹ cân, càng ốm yếu thì nguy cơ mắc bệnh càng cao và bệnh càng nặng. Bệnh võng mạc trẻ đẻ non khi biểu hiện ra bên ngoài là đã ở vào giai đoạn quá muộn. Điều đặc biệt nguy hiểm là khi bệnh ở giai đoạn sớm thì nhìn bằng mắt thường không thể phát hiện được, vì nhìn bên ngoài, mắt có vẻ bình thường. Bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ có dụng cụ, máy móc chuyên dụng để khám đáy mắt của trẻ đẻ non và phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.

Với những trẻ có nguy cơ bị bệnh cao, lần khám mắt đầu tiên cần thực hiện khi trẻ được 3- 4 tuần sau đẻ. Thông thường, nếu lần khám đầu tiên mà chưa thấy bệnh, hoặc bệnh còn nhẹ thì sẽ được hẹn khám lại 2 tuần một lần cho tới khi cháu bé được 40- 42 tuần tuổi (tính từ ngày thụ thai), hoặc tới khi các mạch máu ở võng mạc phát triển đầy đủ. Khi bệnh ở giai đoạn nặng hơn, cháu bé cần được khám lại sau 1 tuần, thậm chí sau 2-3 ngày, hoặc phải nhập viện điều trị ngay. Hiệu quả điều trị tốt nhất nếu bệnh sớm được phát hiện, còn đang ở mức độ nhẹ và trung bình. Với hình thái nặng, kết quả điều trị sẽ kém hơn. Nhìn chung, tỷ lệ thành công khi điều trị bằng laser là khoảng 60% với hình thái nặng và khoảng 90- 95% với hình thái nhẹ hoặc trung bình.

Theo Giadinh