Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chỉ số Apgar ở bé sơ sinh


Ngay khi vừa chào đời, bác sĩ đã tiến hành kiểm tra chỉ số Apgar cho bé. Apgar bao gồm một chuỗi các yếu tố như nhịp tim, nhịp thở, tình trạng hoạt động của tay, chân... Kết quả sẽ giúp bác sĩ quyết định xem liệu bé có cần chăm sóc đặc biệt nào không.

Tìm hiểu về Apgar

Apgar là tên viết tắt của 5 yếu tố trong tiếng Anh gồm: Activity (đo hoạt động chân tay), Pulse (đo nhịp tim), Grimace (đo phản ứng cơ thể khi bị kích thích), Appearance (đo màu sắc cơ thể) và Respiratin (đo nhịp thở). Dưới đây là cách ước lượng các chỉ số theo thang điểm từ 0 đến 2:

Đo hoạt động chân, tay

0: Không cử động.

1: Cử động một chút ở chân và tay.

2: Cử động tốt.

Đo nhịp tim

0: Không thấy đập.

1: Đập dưới 100 nhịp/phút.

2: Ít nhất 100 nhịp/phút.

Đo phản ứng cơ thể trước một kích thích

0: Không có phản ứng.

1: Có biểu hiện nhăn nhó.

2: Có biểu hiện nhăn nhó, ho, hắt hơi và quay đầu.

Đo màu sắc cơ thể

0: Toàn cơ thể có màu xám xanh hoặc hơi tái.

1: Có màu xanh ở tay hoặc chân.

2: Cơ thể có màu sắc tốt.

Đo nhịp thở

0: Không thở.

1: Khóc yếu, thở bất thường và chậm.

2: Khóc tốt, nhịp thở ổn định.

Ý nghĩa của chỉ số: Ở mỗi mục trên, bé được cho điểm từ 0 đến 2. Cộng lại cả 5 mục, có điểm tối đa là 10, còn gọi là chỉ số Apgar.

- Nếu chỉ số của bé trong khoảng 7-10 là tốt.

- Nếu chỉ số trong khoảng 4-6 thì bé cần được trợ giúp để thở.

- Nếu chỉ số dưới 3, bé cần các biện pháp cấp cứu kịp thời để tỉnh lại.

Lưu ý: Chỉ số này thường được đánh giá sau 1 phút bé chào đời và 5 phút sau sẽ được tiến hành đo lại. Vì thế, sự chênh lệch kết quả có khi là điều bình thường. Ngoài ra, với bé sinh non, sinh mổ thì chỉ số Apgar có thể dao động chút ít.

Theo Afamily