Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Kinh nghiệm dùng tã vải


Một người mẹ chia sẻ: ‘Tôi sắp sinh con lần đầu nên không có kinh nghiệm. Tôi đang hoang mang vì không biết cách sử dụng và quấn tã vải cho con. Có người bạn mách tôi nên mang theo tã vải khi vào viện sinh con. Sau đó, nhờ y tá trong đó hướng dẫn cách dùng tã vải. Không biết như thế có đúng không?'.

Tham khảo những ý kiến của nhiều người mẹ có kinh nghiệm trên Babycentre & Yahoo:

- "Lần sinh con đầu lòng, tôi cũng không biết đóng tã thế nào. Sinh xong thì nhờ mấy chị nằm cùng phòng hướng dẫn cách dùng tã vải. Tiếp đến là nhờ chị y tá tắm cho con dạy thêm lần nữa là thuộc. Không quá khó đâu nên bạn đừng lo".

- "Cùng chia sẻ cách đóng tã vải cho bé mà tôi đã học được: Trước tiên, tã vải cần được giặt sạch, là khô, gập đôi thành hình tam giác. Đặt tã trên một miếng lót (mặt trên là khăn lông mềm, mặt dưới là miếng nilon để nếu bé còn tè ra thì không bị ướt chăn đệm). Cầm hai chân của bé, nhấc mông của bé lên và đưa tã vào trên thắt lưng của bé một chút. Buộc hai góc tã thành một nút, cạnh bụng của con. Góc còn lại (nằm giữa hai chân của bé) được kéo thẳng lên vùng kín, để cạnh cái nút vừa rồi. Cuối cùng, dùng phần vải còn thừa của cái nút thứ nhất, buộc cùng phần này lại".

- "Tôi thấy mọi người hay đóng tã giấy chứ ít người dùng tã vải. Những ngày đầu tiên, bé ‘xì xoẹt' suốt nên nếu dùng tã vải, bạn cần bỏ công sức nhiều hơn. Cần thêm người trông con, chứ nếu chỉ có một mình thì bạn không ‘kham' nổi. Nếu bạn sợ tã giấy ảnh hưởng đến rốn bé sơ sinh thì nên mua trước cái gạc rốn, rất vệ sinh và an toàn".

Cách giữ tã vải được mềm và sạch:

- "Để tã không bị vàng, ố, cần giặt tã ngay khi bị bẩn và phơi dưới ánh nắng mặt trời".

- "Bạn có thể thêm chút dấm ăn vào nước giặt tã vải để tã mềm hơn nhưng nhớ là cần xả lại bằng nước sạch".

- "Với những đốm bẩn trên tã vải, có thể dùng một chiếc bàn chải đánh răng cũ, cùng với xà phòng hòa tan, chà lên bề mặt vết đốm".

- "Nên giặt tã vải bằng nước ấm với một lượng nhỏ xà phòng. Quá nhiều xà phòng có thể làm xơ bề mặt của tã và vương lại mùi xà phòng trên đó".

- "Tôi thường giặt tã vải với nhiệt độ của nước là 60ºC để loại bỏ vi khuẩn".

Cách bảo quản tã vải:

- "Nếu có điều kiện, nên sắm tủ đựng đồ dành riêng cho bé. Với mỗi ngăn, bạn có thể cất tã vải, tã giẩy, bao tay, bao chân, quần áo... cho con. Nó giúp bạn tiết kiệm thời gian khi phải thay tã cho bé".

- "Tôi nhỏ vài tinh dầu hoa oải hương vào một chiếc khăn mềm, xếp chung với ngăn đựng tã vải. Hương hoa giúp cho tã luôn được thơm tho và sạch sẽ".

Tránh hăm khi dùng tã vải:

- "Nếu dùng tã vải, bạn cần thường xuyên để mắt tới bé. Nếu đi tiểu mà không thay tã kịp thời, nước tiểu có thể thấm ngược trở lại. Lâu ngày, hình thành nên hăm. Đó là lý do nhiều người mẹ nghĩ, dùng tã vải cho thoáng và tránh bé bị hăm. Tuy nhiên, nếu không chăm sóc tốt, bé dễ hăm nhiều hơn".

- "Nếu bạn thấy những vết ban đỏ trên bẹn, đùi hay bụng của bé, có thể do tã vải chưa được giặt sạch hoặc bạn lười thay tã. Khi giặt, cần xả tã vải nhiều lần với nước sạch cho trôi hết bọt xà phòng. Tránh dùng nước xả vải vì thành phần của nước xả vương trên tã có thể gây nổi ban, gây hăm cho bé".

- "Bạn không nên dùng tã vải cũ hoặc tã vải đã qua sử dụng. Chỉ một vết bẩn trên tã cũng có thể ảnh hưởng đến làn da còn non nớt của bé, khiến bé bị hăm. Dùng tã vải đã qua sử dụng có lợi vì tiết kiệm tiền nhưng cần đảm bảo độ an toàn của tã".

Ngọc Huê

Theo Mevabe