Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Hạn chế nguy cơ trẻ đột tử trong khi ngủ


Hội chứng đột tử khi ngủ ở trẻ con, hay còn gọi là SIDS xảy ra từ trẻ sơ sinh đến dưới 7 tuổi, thường gặp nhất ở trẻ từ 2 - 4 tháng tuổi, và cho đến nay y học vẫn không giải thích được nguyên nhân của SIDS.

Tư thế nằm ngủ

Tư thế bé ngủ nằm ngửa được các chuyên gia công nhận là tư thế an toàn nhất để phòng ngừa chứng đột tử trong khi ngủ (SIDS). Trong những năm cuối của thập niên 80 và đầu thập niên 90, nghiên cứu bắt đầu chỉ ra sự liên hệ giữa SIDS và tư thế ngủ nằm úp làm cho cơ thể đè lên dạ dày.

Ảnh: Inmagine

Tại Bắc Mỹ, cuộc vận động mang tên "ngủ nằm ngửa" của nước Mỹ được phát động vào năm 1994. Kết quả hết sức to lớn: tỉ lệ trẻ ngủ sấp bụng giảm từ 70% vào năm 1992 xuống còn 30% trong năm 2004. Khoảng cùng thời điểm đó, tỷ lệ SIDS đã giảm một nửa. Tại hạt Avon ở Anh, những số liệu báo cáo về SIDS được ghi lại tỉ mỉ từ năm 1985, tỷ lệ đột tử không giải thích được nguyên nhân ở trẻ con khi đang ngủ giảm xuống mười lần, Piter Blair, nhân viên thống kê y tế và ủy viên nghiên cứu cấp cao tại trường đại học của Bristol cho biết.

Những thay đổi trong cách chẩn đoán SIDS cũng góp một phần nhỏ làm giảm tỷ lệ trẻ đột tử trong khi ngủ nhưng điều này vẫn khó thuyết phục các bà mẹ rằng tư thế ngủ nằm ngửa an toàn hơn cho sự sống của trẻ.

Hãy tập cho con bạn tư thế ngủ nằm ngửa từ khi mới sinh. Các nhà chuyên môn nói rằng ngủ nằm nghiêng một bên và ngủ nằm ngửa đều an toàn như nhau, nhưng những kết quả nghiên cứu gần đây cho sự giảm thiểu rủi ro đạt được kết quả cao nhất khi trẻ ngủ ở tư thế nằm ngửa. Ở tư thế nằm nghiêng một bên, trẻ sẽ dễ dàng lật người và di chuyển cơ thể, nhất là đối với những trẻ đang tập lật.

Lý do khiến một đứa trẻ không ngủ ở tư thế nằm ngửa có thể liên quan đến tình trạng sức khỏe bé hoặc khi bé đến tuổi có thể tự lật và rất thích cố gắng làm điều đó, kể cả trong giấc mơ. Tuy nhiên, đến giai đoạn tập lật thì bé đã vượt qua giai đoạn rủi ro bị SIDS cao nhất (3 tháng đầu đời).

Một số nhà chuyên môn khuyên rằng trong thời gian bé nằm chơi, đặt bé nằm sấp một vài lần trong ngày sẽ giúp cho bé luyện tập cơ cổ. Nếu cơ cổ của bé vững mạnh có thể làm giảm rủi ro dẫn đến SIDS khi các bé lật và nằm sấp suốt đêm.

Đối với những bé không ngủ ngon khi nằm ngửa thì sao? Đây là câu hỏi khó. Nếu bạn cảm thấy bé không thể ngủ ngon khi nằm ngửa, cách tốt nhất bạn hãy hỏi bác sĩ và sử dụng các yếu tố phòng ngừa rủi ro SIDS có thể áp dụng cho bé. Bạn có thể dùng gối ôm để chặn hai bên người bé, sử dụng tù ti khi bé ngủ... những điều này giúp bạn được ngủ đầy đủ hơn khi phải thức canh bé ngủ suốt đêm.

Hít khói thuốc khi mang thai làm tăng nguy cơ đột tử ở trẻ. Ảnh minh họa: Inmagine

Hút thuốc: tác nhân nguy hại lớn nhất

Với sự thành công của chiến lược "ngủ nằm ngửa", nhân tố kế đến gây ra nguy cơ SIDS là trẻ có cha mẹ hút thuốc. Nghiên cứu tại hạt Avon cho thấy 86% những cái chết do SIDS xuất hiện ở trẻ em có bố mẹ hút thuốc lá trong suốt thời gian mang thai. Tiếp xúc với khói thuốc trong những tháng đầu tiên của cuộc đời cũng làm tăng rủi ro bị SIDS.

Mặc dù có nhiều cha mẹ thật sự biết rằng họ không nên hút thuốc gần các con nhỏ, nhưng họ không ý thức được việc hút thuốc trong suốt thời gian mang thai thậm chí làm tăng nguy cơ tử vong đột ngột ở trẻ sơ sinh hơn là bé hít phải khói thuốc sau khi ra đời. "Chúng tôi thật sự không thể nói hết những nguy hại của việc hút thuốc lá đối với sức khỏe trẻ sơ sinh ở đây", bác sĩ nhi khoa Denis Leduc, tác giả của công trình Đảm bảo giấc ngủ cho trẻ sơ sinh, cho biết.

Nếu bạn hay chồng của bạn hút thuốc, thì hãy chúng tôi khuyên bạn hãy vì sức khỏe của con mà cai nghiện thuốc. Khói thuốc có hại cho bất cứ ai, đặc biệt là con trẻ. Nếu bạn không thể bỏ thuốc, ít ra bạn đừng hút thuốc trong nhà hay trong bất kỳ phòng nào có trẻ nhỏ, cũng đừng để bất kỳ ai hút thuốc gần bé. Và bạn cần hiểu rằng, khói thuốc ngoài việc ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ còn là nguyên nhân hàng đầu làm cho trẻ bị các bệnh lý đường hô hấp.

Theo Webtretho