Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Xử lý nhanh khi bé cắn 'ti mẹ'


Khi bị bé cắn ‘ti', nhiều người mẹ thường nhanh chóng kéo ‘ti' ra khỏi miệng của bé - đó là phản ứng tự nhiên. Tuy nhiên, cách này không hiệu quả.

Thay vào đó, bạn thử áp đầu bé gần sát với ngực mẹ. Khi ấy, mũi của bé sẽ bị ép vào ngực mẹ (khiến bé tạm thời khó thở) nên bé phải mở miệng ra để thở. Còn nếu bạn kéo ti nhanh khỏi miệng bé, đầu ti của mẹ bị giãn mạnh ra trong khi răng của bé còn kẹp chặt vào ti mẹ. Kết quả, mẹ sẽ bị đau hơn nhiều, thậm chí còn bị chảy máu.

Ngoài ra, có thể đút ngón tay mẹ vào miệng của bé, khiến bé phải mở miệng ra rồi sau đó, mẹ mới nên rút "ti" ra khỏi miệng bé.

Tham khảo thêm 3 cách ứng phó khác từ Breastingbasic:

- Tạm ngừng cho bé "ti mẹ" ngay khi mẹ bị cắn. Bé sẽ nhận được thông điệp "nếu muốn ăn thì không được cắn". Nếu bé đang mọc răng, nên đưa cho bé một vật thay thế như miếng khăn sạch, mát; miếng táo hay chuối được để trong ngăn mát (nếu bé đã ăn dặm); cái ngậm nướu... Những đồ vật này khiến miệng của bé tê lại trong chốc lát. Sau đó, bé tiếp tục "ti mẹ" ngoan hơn. Nên cho bé một vật để nhai trước mỗi cữ bú. Bé sẽ tự nhận biết được chính xác thứ nhai được và thứ không thể nhai ("ti mẹ").

- Nếu bé tiếp tục cắn "ti mẹ", nên thử ngưng cho bé bú tiếp và nhấn mạnh: "Không được cắn, mẹ đau đấy". Tiếp đến, bạn đặt bé nằm trên sàn ít phút. "Hình phạt" này tiếp tục nhắc bé rằng "nếu còn cắn mẹ, bé sẽ không được bú".

- Một số bé thích đưa mắt nhìn ngó xung quanh trong khi bú mẹ. Khi bé quay đầu, ti của mẹ sẽ bị kẹp chặt vào hai hàm răng của bé. Để khắc phục tình trạng này, bạn nên cho bé bú trong phòng yên tĩnh. Ngoài ra, khi bé có dấu hiệu quay đầu, nên đút một ngón tay mẹ vào trong miệng bé, nhắc bé nhớ "nếu còn quay đầu, bé sẽ mất ‘ti mẹ'".

Theo Mevabe