Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cần cấm lưu hành xe tập đi cho trẻ


Cách đây không lâu, một bé gái 7 tháng tuổi ở Bà Rịa - Vũng Tàu tử vong do ngã úp mặt từ xe tập đi vào nồi nước sôi. Cái chết thương tâm này đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh các bậc cha mẹ về sự thiếu hiểu biết trong việc sử dụng xe tập đi bừa bãi cho trẻ nhỏ...

Xe tập đi khiến trẻ... chậm biết đi!

Dạo một vòng qua phố Lương Văn Can (Hà Nội) hay các cửa hàng chuyên bán quần áo, đồ dùng cho trẻ em, dễ dàng bắt gặp vô số xe tập đi được bày bán với nhiều chủng loại, màu sắc và giá cả. Vào một cửa hàng trên phố Lương Văn Can, thấy chúng tôi hỏi mua xe tập đi, người bán hàng đon đả: "Loại gì cũng có, từ hơn 1 trăm đến vài triệu đồng, tùy theo nhu cầu. Với những xe dưới 1 triệu đồng sẽ không có bảo hành"... Cũng trong cửa hàng, chúng tôi gặp chị Vũ Kim Hà ở phố Kim Mã đang tìm mua xe tập đi cho con trai 8 tháng tuổi.

Chị Hà chia sẻ: "Cháu nghịch lắm không chịu ngồi yên nên tôi mua xe tập đi cho cháu ngồi vào, vừa cho cháu tập đi, vừa đỡ phải trông. Tôi chọn xe Trung Quốc, giá hơn 200.000đ vì xe này chỉ dùng trong thời gian ngắn nên mua xe đắt cũng phí. Tôi hơi băn khoăn là chiếc xe này chẳng có hệ thống chốt hay phanh và không có đơn vị nào kiểm định chất lượng"...

Các loại xe tập đi được bày bán tại nhiều cửa hàng

Cấu tạo của xe tập đi khá đơn giản, bao gồm khung kim loại và các bánh xe. Phần trên xe được thiết kế như chiếc ghế, trẻ ngồi lọt thỏm vào trong và chỉ cần nghiêng người là xe có thể chạy, bất kể theo hướng nào với tốc độ không điều khiển được.

Với cấu tạo này, trẻ có nguy cơ gặp tai nạn rất cao, ngay cả khi có người lớn trông coi. Xe có trọng tâm rộng nên chỉ an toàn trên mặt phẳng, nếu địa hình gập ghềnh hoặc gặp vật cản rất dễ bị vướng và đổ. Do phản xạ chưa phát triển nên khi xe đổ trẻ sẽ bị mất thăng bằng, dễ bị chấn thương.

Bên cạnh đó, nếu trục bánh xe được lắp không đồng đều khi trẻ đổi hướng đột ngột bánh xe không đổi hướng kịp cũng rất dễ bị vướng và có nguy cơ bị đổ gây tai nạn cho trẻ. Các tai nạn thường gặp như chấn thương tay, sọ não, bỏng hoặc đa chấn thương.

Theo Tiến sỹ Lê Thanh Hải - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện đã điều trị cho khá nhiều ca bị tai nạn, chấn thương đầu, gãy chân tay do xe tập đi. Nguyên nhân chủ yếu là do các cháu không làm chủ được tốc độ nên lao rất nhanh dẫn đến xe bị lật hoặc bị lăn xuống bậc thềm, cầu thang.

Theo ông Hải, không nên dùng xe tập đi cho trẻ do phần lớn xe lưu hành ở Việt Nam có cấu tạo không an toàn, không có bộ phận giảm trơn trượt, chống đổ ngã. Mặt khác, do hệ xương của trẻ dưới 1 tuổi rất mềm yếu, dễ thay đổi do tác động bên ngoài nên việc phải ngồi trong xe tập đi lâu ngày sẽ dẫn đến trẻ bị biến dạng xương, gây dị tật chân vòng kiềng.

Sử dụng xe tập đi cho trẻ không hề giúp cho trẻ biết đi sớm hơn mà thậm chí việc di chuyển mà không cần cố gắng sẽ càng khiến trẻ lười đi hơn. Nguyên nhân là do trẻ đã quen di chuyển mà không cần nâng toàn bộ trọng lượng cơ thể, lâu ngày khiến cơ xương không cứng cáp như bình thường, hệ thần kinh bị tước mất những thông tin cảm giác cần có để trẻ học đi hiệu quả.

Cần cấm xe tập đi

Canada là quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm việc buôn bán, quảng cáo và nhập cảng xe tập đi cho trẻ em (baby walkers). Bộ Y tế Canada tuyên bố các em được cho dùng xe tập đi thường không có các kỹ năng, phản xạ hoặc khả năng nhận thức đủ để dùng xe tập đi một cách an toàn. Những nhà sản xuất xe tập đi cho trẻ em ở Canada đã tự nguyện ngưng sản xuất chúng từ năm 1989.

Tại Mỹ, Hội các bác sĩ nhi khoa Hoa Kỳ và Hiệp hội các trẻ em Hoa Kỳ cũng đang vận động để cấm hoàn toàn việc sử dụng các xe tập đi. Theo hai tổ chức này, ở Mỹ, trong năm 1999, xe tập đi là nguyên nhân của hàng nghìn trẻ em nhỏ hơn 18 tháng tuổi phải nhập viện. Tỷ lệ tử vong do các tai nạn xảy ra trong lúc các em đang dùng xe tập đi rất cao.

Các tai nạn này thường là: Trẻ bị lăn xuống cầu thang trong lúc ngồi trong xe, làm cho gãy xương, chấn thương sọ não; bị bỏng; chết đuối (rơi vào hồ bơi, bồn tắm, thậm chí bồn cầu) bị ngộ độc (với xe tập đi, các bé có thể với cao hơn vào các ngăn tủ chứa thuốc hay các hóa chất khác). Những tai nạn xảy ra thường là trong lúc có mặt phụ huynh, nhưng không phản ứng kịp. Theo một nghiên cứu ở Anh, loại xe tập đi còn khiến trẻ phát triển chậm.

Mặc dù vậy, đến thời điểm hiện tại ở Việt Nam việc buôn bán, sử dụng xe tập đi vẫn diễn ra khá phổ biến. Theo Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, xe tập đi không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế. Bộ chỉ quản lý các thiết bị, dụng cụ dùng trong điều trị, ở nước ta chưa có tiền lệ và quy định áp dụng lệnh cấm cho một thiết bị gia dụng với lý do liên quan đến sức khỏe.

Trong khi chờ động thái, quyết định của các cơ quan chức năng đối với xe tập đi, để bảo vệ con mình, các bậc cha mẹ hãy cân nhắc thận trọng trước khi cho trẻ sử dụng loại xe này. Bên cạnh đó, đề nghị đơn vị quản lý thị trường và các đơn vị liên quan sớm kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm đối với những cơ sở kinh doanh xe tập đi kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác rõ ràng...

Theo An Ninh thủ đô