Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

7 lưu ý với bé bú bình


Những lưu ý khi chọn, pha và bảo quản sữa dành cho mẹ, để giúp bé luôn khỏe mạnh khi được bú bình.


1. Kiểm tra hạn sử dụng và điều kiện của hộp sữa

Bạn không nên chủ quan cho rằng, vỏ hộp có bị xây xước, rách, cũ một chút cũng không gây hại tới chất lượng sữa bên trong. Thực tế, trong quá trình vận chuyển và lưu trữ, hộp sữa có thể bị trầy, hỏng và tạo cơ hội cho không khí bên ngoài thâm nhập vào.

Bạn nên tránh những loại sữa hộp có in hạn sử dụng mờ, bị méo mó hoặc có dấu hiệu rách, hỏng.

2. Rửa tay sạch khi pha sữa cho bé

Trước khi pha sữa cho bé, bạn nên rửa tay sạch bằng xà phòng diệt khuẩn và lau khô. Bạn nhớ vệ sinh thật cẩn thận bàn tay, khu vực các kẽ tay... ít nhất 30 giây để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh và tránh nguy cơ lây truyền sang bình sữa của bé.


3. Vệ sinh đồ dùng pha sữa

Những vật dụng bạn cần chuẩn bị khi pha sữa cho bé là bình sữa, nắp đậy, núm vú cao su, dụng cụ tiệt trùng bình sữa (chiếc nồi nhỏ...)...

- Bạn có thể dùng một chiếc nồi có độ rộng vừa đủ để cho những vật dụng trên vào.

- Tiếp đến, bạn có thể dùng nước sôi tiệt trùng trong vòng 5 phút.

- Bạn nhấc những vật dụng trên ra bên ngoài và có thể dùng khăn sạch lau khô chúng.

- Nếu không, bạn có thể sấy khô những vật dụng trên.

Vệ sinh bình sau khi bé bú

- Bạn có thể rửa bình sữa cho bé bằng nước sạch và dung dịch nước rửa an toàn (dùng riêng cho các bé), sau đó, lau khô (hoặc sấy khô).

- Đảm bảo bình sữa được mở nắp và tháo rời để bạn có thể vệ sinh thật sạch từ bên trong ra bên ngoài bình.

4. Đong sữa

- Bạn nên lắc đều hộp sữa trước khi mở.

- Dùng thìa đong một lượng sữa phù hợp theo đúng chỉ dẫn rồi đổ vào trong bình sạch, thêm lượng nước theo chỉ dẫn cụ thể ghi trên hộp.

- Bạn chỉ nên sử dụng thìa múc sữa chuyên dụng (đính kèm theo hộp sữa), không nên sử dụng những loại thìa khác trong gia đình để đong sữa cho bé.

- Bạn chỉ nên dùng thìa khô để múc sữa, tuyệt đối không dùng thìa ướt.

- Bạn không cần thêm đường hoặc bất kỳ chất liệu nào khác vào trong sữa của bé để tránh tình trạng bé bị dị ứng.

5. Thêm nước vào bình sữa

- Bạn có thể đọc kỹ hướng dẫn sử dụng ghi trên bao bì sữa để biết cách pha sữa phù hợp cho bé.

- Bạn có thể pha sữa loãng hơn một chút so với hướng dẫn nếu bé đang bị táo bón. Tuy nhiên, không nên pha loãng quá vì điều này đồng nghĩa với việc cơ thể bé sẽ không hấp thu được lượng dưỡng chất cần thiết. Nếu pha đặc, bé sẽ dễ bị táo bón.

6. Hâm nóng sữa trong trường hợp cần thiết

Trường hợp sữa bé bị lạnh mà chưa dùng hết, bạn có thể hâm nóng sữa cho bé.

- Đặt bình sữa của bé vào một chiếc bát hoặc một chiếc nồi chứa nước nóng và để trong vài phút. Bạn không cần luộc hoặc đun sôi lại nồi nước nóng có chứa bình sữa của bé. Hơi nước nóng từ nồi hoặc bát có thể truyền qua bình và làm ấm sữa.

- Bạn có thể thử độ ấm của sữa trong bình bằng cách nhỏ 1-2 giọt sữa vào phía trong cổ tay bạn. Sữa vừa ấm là an toàn cho bé.

- Bạn không nên hâm sữa cho bé bằng lò vi sóng. Nhiệt độ trong lò vi sóng có thể làm cho sữa ấm không đều nhau và khiến bé bị bỏng miệng.

- Bạn nên lắc kỹ bình sữa sau khi được lấy ra và cho bé dùng ngay sau đó.

7. Dự trữ sữa

- Mỗi nhãn sữa khác nhau có hạn sử dụng tối đa khác nhau: Bạn có thể tham khảo thông tin này trên bao bì.

- Không nên bảo quản sữa đã pha trong tủ lạnh quá 24 giờ đồng hồ.

- Với những hộp sữa đã mở nắp, bạn nên cất trữ chúng ở những nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh sáng mặt trời. Bạn nên tránh cất sữa ở khu vực bếp, gần nguồn nhiệt vì nhiệt độ cao có thể phá hủy chất lượng sữa.

Theo Camnanggiadinh