Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bé được 6 tuần tuổi.



Vậy là bé yêu của bạn đã được 6 tuần tuổi. Đây có thể coi là một cột mốc phát triển mới trong cuộc sống của bé. 


Sự phát triển của bé

Khả năng âm nhạc:

Thời gian này, bé bắt đầu thức lâu hơn và nhiều hơn trong ngày. Bạn có thể tận dụng khoảng thời gian bé thức để khuyến khích sự phát triển các giác quan của bé. Hãy thử hát những bài hát ru mà bạn thích nhất hay chơi nhạc cho bé nghe.

Bạn cũng không nhất thiết phải giới hạn trong những bài hát trẻ con. Hãy để bé cảm nhận sự mới mẻ từ những thể loại nhạc trẻ, nhạc không lời, nhạc trữ tình, thậm chí nhạc rock cho đến Mozart.

Bạn sẽ nhận thấy sự phản ứng của bé với từng loại nhạc thể hiện qua cách bé “hóng chuyện” (bé sẽ phát ra những âm thanh tỏ vẻ thích thú như khi bạn nói chuyện với bé), chép miệng, cử động môi, đập tay hay đập chân…

Bé yêu của bạn cũng có thể sẽ thích tiếng chuông gió trên cửa sổ hay tiếng đồng hồ tích tắc. Bé càng được nghe nhiều loại âm thanh, khả năng thị giác và cảm nhận của bé sẽ càng được phát triển. Chắc chắn là bạn cũng sẽ phát hiện ra “món khoái khẩu” của bé trong số nhiều loại âm thanh, thể loại nhạc mà bé thường được nghe.

Tuy nhiên, bạn không nên lúc nào cũng cho bé nghe nhạc. Bé cũng cần những khoảng thời gian được yên tĩnh. Khi bé “bị” nghe nhạc quá nhiều, bé sẽ trở nên dễ bị kích thích, khóc nhiều, quay đi khi bạn gọi bé, uốn cong lưng và trở nên bồn chồn, quấy. Vì vậy, bạn nên tạo cho bé yêu những “khoảng lặng” trước khi tiếp tục cho bé nghe nhạc.

Biểu lộ cảm xúc:

Có thể thiên thần của bạn chưa nói được những gương mặt bé sẽ biểu lộ tất cả những gì bé muốn nói với bạn. Bé đang trong giai đoạn trải nghiệm để tìm kiếm những cách biểu lộ cảm xúc trên gương mặt khác nhau, chẳng hạn như mím môi, nhướn mày, mở to hay chỉ hé mắt nhìn kèm theo nhướn mày…

Những lúc như vậy, có thể bé đang cố nói với bạn điều gì đó, chẳng hạn như bé muốn được thay tã, muốn được mẹ ôm… hoặc cũng có thể bé chỉ vừa mới phát hiện ra những khả năng mới của mình.

Khả năng độc lập:

Bạn cần nhớ rằng, bé yêu của bạn là một cá thể hoàn toàn độc lập và riêng biệt. Mỗi bé sơ sinh đều cố một những mốc phát triển quan trọng khác nhau vì vậy bạn cũng đừng nên sốt ruột vì sớm hay muộn thì bé cũng sẽ làm được.

Nếu bé của bạn chào đời sớm (bé sinh non), bé sẽ cần nhiều thời gian hơn các bé khác để đạt đến những mốc phát triển của mình.

Nếu bạn có bất cứ thắc mắc nào về bé, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Chăm sóc bé

Ngoài các công việc chăm sóc bé thông thường hàng ngày, bạn cũng cần nhớ đưa bé đi khám. 6 tuần tuổi là lần kiểm tra đầu tiên về sự phát triển của bé yêu. Việc kiểm tra thường diễn ra ở bệnh viện hoặc ở các trạm y tế phường. Bé sẽ được bác sĩ khám và kiểm tra những phần sau:

Kiểm tra tổng thế:

Bé sẽ được kiểm tra và đánh giá tổng thể cả về sức khỏe lẫn tính cách.

Bác sĩ sẽ nói chuyện với bé để kiểm tra việc bé phản ứng với một người lạ như thế nào. Nếu bé cười chứng tỏ bé đang phát triển một nhân cách bình thường, hòa nhã.

Bé cũng được kiểm tra thị lực thông qua việc để bé theo dõi một con lắc. Bác sĩ sẽ dựa vào việc mắt bé theo dõi con lắc di chuyển để đánh giá thị lực bé có tốt hay không, mắt bé có bị lác không…

Kiểm tra lực tay chân:

Tiếp theo, bé sẽ được kiểm tra tay chân và trương lực cơ bắp thịt. Bác sĩ có thể đánh giá trương lực cơ bắp thịt của bé thông qua việc cởi áo cho bé. Quan sát sự chuyển động tay chân của bé cũng giúp bác sĩ kiểm tra xem có vấn đề gì với tay chân bé hay không.

Kiểm tra lực cổ - gáy:

Bác sĩ sẽ nhấc bé lên xem bé có giữ được đầu thẳng hay không. Sau đó bé sẽ được bác sĩ bế theo tư thế ngồi để tiếp tục kiểm tra lực gáy và cổ bé.

Phản xạ nắm tay:

Khi mới sinh ra, bé có thể nắm rất chắc. Thậm chí lực nắm của bé có thể nâng đỡ cả cơ thể bé. Khi bé được 6 tuần tuổi, những phản xạ lúc mới sinh mất dần đi là điều hoàn toàn bình thường.

Đo vòng đầu:

Thông qua việc đo vòng đầu bé, bác sĩ sẽ đánh giá xem bé có phát triển bình thường hay không.

Đo nhịp tim:

Trong năm đầu, nhịp tim của bé ổn định trong khoảng 120 nhịp/phút.

Kiểm tra cơ quan nội tạng:

Bác sĩ sẽ nắn nhẹ vòng quanh bụng bé để đảm bảo gan, dạ dày và lá lách của bé đều phát triển bình thường (không có dị dạng hay khuyết tật gì).

Kiểm tra khớp hông:

Rất có thể bé bị trật khớp hông trong quá trình đẻ hoặc trong 6 tuần đầu tiên, vì vậy bác sĩ cần kiểm tra cử động của khớp bằng 2 ngón giữa trong khi sờ nắn chân bé.

Đo trọng lượng:

Việc bé tăng cân bình thường và đều đặn chứng tỏ bé khỏe mạnh. Tốt nhất là bạn nên giữ thật kỹ biểu đồ tăng trưởng của bé để làm tài liệu theo dõi cho những năm tới của bé.

Theo Lamme