Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Gần 40% tử vong ở trẻ sơ sinh do… chuyển viện



Đó là con số thống kê thực hiện tại Bệnh viện Nhi đồng I, bệnh viện tuyến cuối đóng tại TP HCM. Tình trạng mất an toàn trong chuyển viện không chỉ ở biện pháp vận chuyển không chuyên của cá nhân, mà cả ở xe cấp cứu chuyên dụng của bệnh viện (BV). 

Giảm tỷ lệ tử vong luôn là mục đích cao nhất của các bác sỹ (BS) và BV. 1,66% là tỷ lệ tử vong chung hàng năm của BV Nhi đồng I, không phải là cao so với một BV tuyến cuối nhưng tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh (TSS) tại đây có tới gần 40% có nguyên nhân từ quá trình chuyển viện. Cho thấy quá trình chuyển viện TSS đang chứa đựng nhiều… bất trắc. 

Số liệu của… nước mắt 

Đa số khi chuyển viện đều là những trường hợp mà tuyến dưới phải… bó tay nên hầu hết tình trạng bệnh nhi đều đã nguy hiểm. Những nguyên nhân khiến các BV tuyến dưới phải viết giấy chuyển viện thường là do trẻ mắc các bệnh lý: nhiễm trùng sơ sinh, suy hô hấp sơ sinh, vàng da bệnh lý, viêm phổi, sinh non, tắc ruột… Trong đó nhiễm trùng sơ sinh là bệnh có số trẻ mắc nhiều nhất, chiếm tới 19,3%. Sau đó là suy hô hấp sơ sinh và vàng da bệnh lý. 

Trong số 305 trẻ tới BV Nhi đồng I (trên 70% là từ tỉnh) từ tháng 10/2005 tới tháng 3/2006, các bác sỹ đã phát hiện số trẻ trong tình trạng nguy hiểm phải cấp cứu gấp là 39%. Và số trẻ tử vong trong 24 giờ đầu chiếm tới 7,9%.
Đáng buồn hơn là trong số này có 30 trường hợp hỗ trợ hô hấp không phù hợp. Dẫn tới việc trẻ có tình trạng suy hô hấp trong quá trình chuyển viện. Trong đó gần 80% trẻ đã có tình trạng suy hô hấp trước khi chuyển viện nhưng chưa được xử lý. 15 trẻ trong số này khi tới BV đã rơi vào tình trạng suy hô hấp rất nặng trước khi được chuyển viện với triệu chứng tím tái môi. 

Việc các BV tuyến dưới làm không tốt các công tác trước khi chuyển viện là một thực trạng rất đáng lo ngại. Theo bác sỹ Bạch Văn Cam, Trưởng Hội hồi sức cấp cứu TP HCM, một nguyên tắc cần thiết trước khi đưa bệnh nhân chuyển viện là phải được ổn định các rối loạn như: suy hô hấp, co giật, tím môi… thế nhưng khảo cứu cho thấy vẫn còn 35,4% cuộc chuyển viện vẫn trong tình trạng lâm sàng không ổn định. Đa số là suy hô hấp nhưng đã không được xử trí hỗ trợ hô hấp phù hợp. Trong khi ổn định về hô hấp là yêu cầu đầu tiên trong hồi sức trước khi chuyển viện. 

Thậm chí một sai sót rất phổ biến trong các cuộc chuyển viện từ tuyến dưới lên tuyến trên đó là quên… cung cấp năng lượng cho trẻ. Nếu chỉ ở trong địa bàn TP thì thời gian cho một cuộc chuyển viện có thể chỉ 10 phút tới 2 giờ. Nhưng với các trường hợp chuyển từ tỉnh lên thì số thời gian chuyển viện có những ca kéo dài tới 8 giờ đồng hồ. 

Việc không được cung cấp năng lượng trong suốt quãng đường dài khiến trẻ tăng thêm nguy cơ kiệt sức, giảm sức đề kháng, góp phần gây nên tình trạng bệnh nhi bị tử vong trong 24 giờ đầu.

Biến cố trong chuyển viện 

Trong số 305 ca (trên dưới 7 ngày tuổi) cấp cứu tới BV Nhi đồng I trên đã có 23 trẻ có biến cố trong lúc chuyển viện. Mặc dù trong số này có tới 52 ca bị sinh ngạt, 118 ca sinh non tháng và 26 ca bị nhẹ cân. Trong 15 ca có tình trạng suy hô hấp nặng trước chuyển viện với triệu chứng tím môi chỉ có 3 trẻ được đặt nội khí quản. Có trường hợp mới chỉ được đặt nội khí quản ngay khi tới BV Nhi đồng I. 

Trong khi đó, theo chuyên môn về hồi sức cấp cứu thì với những trẻ sơ sinh còn tím tái khi được thở ôxy qua dụng cụ canula nên đặt nội khí quản khi bắt đầu chuyển viện. Số trẻ bị suy hô hấp là đa số nên đòi hỏi xe cần trang bị những trang thiết bị hỗ trợ thiết yếu như: bình ôxy, canula, mask, đèn, ống nội khí quản sơ sinh. 

Nhưng thật đáng lo ngại vì có tới 88,5% xe cấp cứu được khảo sát trực tiếp đều không được trang bị đầy đủ những dụng cụ hô hấp thiết yếu trên… và có rất ít đơn vị có trang bị máy đo SpO2 (để biết trẻ có bị suy hô hấp hay không). Ở thể trạng bình thường không bị bệnh trẻ đã có nguy cơ cao suy hô hấp, khi thực hiện chuyển viện nguy cơ đó càng cao. Được biết, tỷ lệ tử vong trong 24 giờ đầu ở bệnh nhi có hỗ trợ hô hấp không phù hợp cao gấp 4,6 lần so với trẻ được hỗ trợ phù hợp. 

Việc chuyển viện đa số được di chuyển bằng xe cấp cứu của BV, có điều dưỡng và nữ hộ sinh, y tá đi kèm nhưng vẫn còn ca thiếu nhân viên y tế. Hoặc có nhưng lại ngồi phía trước cùng tài xế. Chỉ có 17 ca trong số 305 ca khảo sát được xử trí sự cố trên xe. Có khá nhiều trường hợp suy hô hấp trong quá trình trên xe cấp cứu chuyển viện có triệu chứng tím tái môi, co giật, ngưng tim, ngưng thở. Thậm chí có ca điều dưỡng sơ suất để sút dây ôxy, bị… hư xe trong lúc chuyển viện. 

Thực trạng trên cho thấy các BV rất cần xem xét lại những thao tác nghiệp vụ và trang thiết bị khi chuyển viện không chỉ với bệnh nhi mà với tất cả các bệnh nhân khác nhằm giảm nguy cơ tử vong cho bệnh nhân 

(Theo giadinh)